Thomas L.Friedman: Sáng tạo là nền tảng để cất cánh

Hãy tìm kiếm cơ hội dưới con mắt của doanh nhân, cung ứng những giá trị cộng thêm cho khách hàng như người phục vụ tận tụy, và nhất là khao khát chinh phục thị trường như một người nhập cư vừa bước chân vào thành phố lớn. Đó là những điều Thomas L.Friedman - nhà báo, nhà bình luận phụ trách chuyên mục đối ngoại của tờ The New York Times - chia sẻ với sinh viên, giảng viên của các trường Đại học trong hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM vào sáng 10/5.

Tỉnh táo trước "tiếng ồn xã hội"

Bắt đầu buổi tọa đàm, tác giả của Thế giới phẳng - cuốn sách đã ra đời cách đây gần 10 năm, tái bản đến lần thứ 14 và vẫn luôn nằm trong danh sách best seller - nhắc lại, vào những năm 2000, khi lần đầu tiên ông nghĩ đến khái niệm "thế giới phẳng", khi đó Facebook chưa tồn tại, Twitter chỉ là tiếng chim hót, Cloud vẫn là những đám mây trên trời và Linked in là tên một nhà tù ở Mỹ...

Thomas L.Friedman: Sáng tạo là nền tảng để cất cánhMột thập niên sau đó, thế giới chuyển sang một giao diện hoàn toàn khác. Máy tính để bàn chuyển thành máy tính xách tay tiện dụng. Điện toán đám mây cùng các phần mềm tương tác nhóm ra đời hỗ trợ các giám đốc điều hành mạng lưới kinh doanh đa quốc gia. Facebook, Twitter cho phép một cá nhân có thể bày tỏ quan điểm về mọi vấn đề trên thế giới với đông đảo cộng đồng. Và các mô hình "crowdfunding", "crowdsourcing"... là minh chứng rõ ràng nhất cho giải pháp khởi nghiệp hiệu quả thông qua gắn kết toàn cầu.

Và trong những ngày Thomas đi từ Hà Nội đến TP.HCM thì dư luận trong nước cũng nóng dần lên với sự có mặt của giàn khoa Hải Dương 981 của Trung Quốc tại biển Đông. Internet và mạng xã hội đang trở thành công cụ hữu hiệu để hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Ngay từ những ngày đầu tiên giàn khoan Hải Dương 981 xuất hiện tại biển Đông, các phóng viên, nhà báo cập nhật liên tục diễn biến tình hình trên Facebook cá nhân của mình. Hàng loạt các bài viết giải thích về luật biển quốc tế nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn tính chất của sự kiện.

TS. Nguyễn Phương Mai, tác giả quyển Con đường Hồi Giáo hiện đang làm việc tại Hà Lan đã sơ đồ hóa những thông tin về sự kiện "giàn khoan Hải Dương 981" xuất hiện tại biển Đông bằng nhiều ngôn ngữ và chia sẻ trên mạng Facebook. Các nhóm du học sinh viên Việt Nam cũng hỗ trợ chuyển ngữ các bài viết, phát biểu trong nước sang nhiều ngôn ngữ khác nhau gửi đến cộng đồng quốc tế thông qua diễn đàn, website du học.

Tuy nhiên, đi cùng với đó vẫn là các luồng tranh cãi, chỉ trích giữa các bên mà nói như Thomas thì là "tiếng ồn của xã hội đương đại" khi ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Do đó, mỗi cá nhân cần tỉnh táo trong nhận thức để có thể lướt trên làn sóng thông tin đang ập vào trang chủ Facebook mỗi ngày mà không bị dẫn dắt hay đánh rơi vị thế của mình.

Thomas L.Friedman: Sáng tạo là nền tảng để cất cánh

Thomas L.Friedman - tác giả của Thế giới phẳng (The World is Flat)

Sức sáng tạo là nền tảng để cất cánh

Thực tế cho thấy thế giới đang biến đổi không ngừng. Trung Quốc đang mất dần lợi thế lao động giá rẻ vào tay Indonesia, Samsung đã vượt lên trên Apple để dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh thế giới.

Nhìn về tương lai thế giới 10 năm tới, Thomas cho rằng sẽ không còn một chiếc micro in dòng chữ "Made in" một quốc gia nào đấy, mà là "Made by world". Chuỗi cung ứng toàn câu làm cho mỗi bộ phận của một micro có thể được sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau. Và lợi nhuận, quyền quyết định thuộc về quốc gia nào thiết kế ra sản phẩm đó.

Giải thích thêm về điều này, Thomas đã hóm hỉnh dùng chính quyển sáchThế giới phẳng làm dẫn chứng. Quyển sách này được "gia công" từ khâu dịch, biên tập và in ra trên giấy do một nhà xuất bản Việt phát hành. Tất nhiên nhà xuất bản vẫn thu được lợi nhuận từ bán sách bản dịch, song lợi nhuận nhiều nhất thuộc về ông - người đã viết ra và bán bản quyền xuất bản cho nhiều nước khác.

"Chỉ khi Việt Nam thay được dòng chữ "made in Viet Nam" (được làm tại Việt Nam) bằng "design by Viet Nam" (thiết kế bởi Việt Nam) thì khi đó quốc gia mới cất cánh lên được"

Do đó, "Chỉ khi Việt Nam thay được dòng chữ "made in Viet Nam" (được làm tại Việt Nam) bằng "design by Viet Nam" (thiết kế bởi Việt Nam) thì khi đó quốc gia mới cất cánh lên được", Thomas khẳng định.

Giải pháp, theo Thomas nằm ở ba yếu tố: cải tiến công nghệ, cập nhật kiến thức và cải thiện thiết kế. Thomas khuyên các bạn trẻ hãy tìm kiếm cơ hội dưới con mắt của doanh nhân, cung ứng những giá trị cộng thêm cho khách hàng như người phục vụ tận tụy, và nhất là khao khát chinh phục thị trường như một người nhập cư vừa bước chân vào thành phố lớn.

Và cuối cùng, các cá nhân cần tỉnh táo để nhìn thấy nhiều trường phái thông tin khác nhau đang bủa vây mình mỗi ngày, tỉnh táo để bước ra và tận dụng công nghệ để tối đa hóa hiệu quả công việc chứ không phải là để bị công nghệ kiểm soát.

Toàn cầu hóa mở ra cánh cửa bước vào sân chơi lớn cho tất cả mọi người. Nhưng nếu không nắm bắt được cơ hội vươn lên thì các quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân ở thế yếu sẽ mãi mắc kẹt trong chiếc "bẫy trung bình" không chỉ ở thu nhập, Thomas kết luận.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn