Hệ thống bán lẻ hiện đại: “Sân chơi” lớn cho hàng Việt
9 giờ tối, đẩy một xe chất đầy hàng hóa từ thức ăn, hoa quả đến đồ gia dụng từ một siêu thị lớn của Hà Nội bước ra, Hoa (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: Tôi có thói quen mua đồ từ siêu thị mỗi tuần một lần, vừa tiện, vừa không tốn nhiều thời gian.
Cầu nối cho hàng Việt
Thói quen như Hoa không phải là hiếm, đặc biệt trong xu hướng cuộc sống hiện đại và bận rộn như hiện nay, thay vì các chợ truyền thống, nhiều người dân tại các đô thị đang có xu hướng mua sắm nhiều hơn tại hệ thống siêu thị, đại siêu thị… Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối năm 2011, cả nước có 639 siêu thị tại 60/63 tỉnh, thành phố và 121 trung tâm thương mại tại 34/63 tỉnh thành phố. Ước tính chung, thị phần các loại hình bán lẻ hiện đại (trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng) chiếm khoảng 20-30%.
Điều đáng nói là, tại các kênh phân phối này, hệ thống hàng Việt đang có xu hướng tăng lên rõ ràng. Nếu như vào những năm 2006, tỷ trọng hàng Việt trong siêu thị chỉ vào khoảng 50% thì đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên 80 – 90%, thậm chí có những siêu thị có đến 100% là hàng Việt như hệ thống Vinatex Mart hoặc trên 95% như Co.op Mart, Big C… Điều này cho thấy hàng Việt đang đứng trước cơ hội tiêu thụ rất lớn, đặc biệt trong hoàn cảnh hàng tồn kho nhiều và kéo dài như hiện nay.
Về thái độ của người tiêu dùng với hàng Việt, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng Hà Nội cho biết : Tại các hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam, các sản phẩm Việt đang ngày càng đa dạng hóa, nội địa hóa, bình dân hóa. Ngày càng nhiều sản phẩm Việt được người tiêu dùng tín nhiệm như hàng gia dụng, giày dép, quần áo, sữa nội… mà chị em hội viên chúng tôi rất ưa chuộng, không chỉ mua để tiêu dùng mà chúng tôi thậm chí còn mua gửi sang cho con, em... đang học tập, công tác ở nước ngoài vì cỡ thích hợp, giá rẻ hơn mà mẫu mã cũng đẹp, bền…
Cùng với việc việc tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất, việc phân phối hàng Việt tại các hệ thống bán lẻ hiện đại cũng mang lại lợi nhuận không nhỏ cho chính các kênh phân phối này. Theo ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): Nếu như doanh thu từ hệ thống bán lẻ của Hapro trong các năm gần đây đạt hơn 4.000 tỷ đồng thì doanh thu từ các mã hàng Việt Nam tăng bình quân hàng năm từ 30% - 50% trong tổng doanh thu. Trong hoàn cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, con số doanh thu này không hề nhỏ.
Để kênh phân phối hiện đại là của hàng Việt
Không thể phủ nhận được những hiệu quả lớn mà kênh phân phối bán lẻ hiện đại mang lại cho hàng Việt, tuy nhiên, để chiếm lĩnh tốt hơn hệ thống phân phối này, còn nhiều điều nhà sản xuất Việt phải làm.
Theo chị Nguyễn Thị Phượng (36 tuổi, nội trợ tại Hà Nội): Hàng Việt tại các siêu thị khá phong phú, tuy nhiên, giá cả cao hơn khá nhiều so với chợ truyền thống. Các mặt hàng thực phẩm tại đó cũng không được tươi ngon như chợ cóc, chính vì thế, tôi chỉ chọn mua một số mặt hàng như đồ gia dụng, quần áo, đồ điện tử… tại siêu thị, còn thức ăn hằng ngày tôi vẫn mua ở chợ cóc.
"Để bảo đảm “cầu nối” được bền chặt thì bản thân nhà sản xuất và nhà bán lẻ cần xác định ngay từ đầu những cam kết cùng đồng hành phát triển để mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng."
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi cho biết thêm: Bên cạnh những mặt hàng rất được ưa chuộng, người tiêu dùng hiện vẫn khá cảnh giác với các sản phẩm khuyến mãi. Vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… cũng còn khá nặng nề, kể cả ở các siêu thị hiện đại, làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.
Trong kinh doanh hiện đại, không thể tránh được việc sử dụng các kênh phân phối bán lẻ, trong đó có các kênh phân phối bán lẻ hiện đại. Theo đó, để hàng Việt chiếm lĩnh được kênh phân phối này, với kinh nghiệm của Sài Gòn Co.op Mart, bà Nguyễn Thị Hạnh – Tổng giám đốc cho biết: Trước hết, để bảo đảm “cầu nối” được bền chặt thì bản thân nhà sản xuất và nhà bán lẻ cần xác định ngay từ đầu những cam kết cùng đồng hành phát triển để mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Thứ hai, nhà bán lẻ phải có đủ năng lực và có chiến lược tập trung phát triển hàng Việt cũng như điều kiện để tăng cường phát triển mạng lưới rộng khắp nhằm đưa hàng hóa Việt đến tận tay người tiêu dùng và gia tăng tỷ trọng hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh. Thứ ba, nhà sản xuất hàng Việt chỉ thực sự có được một cầu nối bền chặt với người tiêu dùng khi những ý kiến, góp ý của người tiêu dùng thông qua nhà bán lẻ được nhà sản xuất tiếp nhận một cách đầy đủ để từ đó cùng phối hợp điều chỉnh, cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, thời gian qua, nhiều siêu thị đã có các giải pháp như đến tận các nhà sản xuất, nông dân để thu mua sản phẩm về bán, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thu mua được hàng hóa nông sản tươi mới… Đây là một kinh nghiệm tốt.
Riêng về vấn đề giá, ông Nguyễn Tiến Vượng “hiến kế”: Để bảo đảm giá các mặt hàng hóa ở mức hợp lý và hấp dẫn đối với người tiêu dùng, Tổng công ty đã đẩy mạnh liên kết thị trường nội bộ để chủ động và đa dạng hóa các nguồn hàng từ các công ty thành viên của Hapro như các sản phẩm Rượu Vang Thăng Long, HaproVodka, Hapro Thảo Mộc, Thực phẩm chế biến đóng hộp, nước Pha lê, Kem Thủy Tạ….
Trong hoàn cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, các kênh phân phối hiện đại đã mang lại lợi ích không nhỏ trong công cuộc “tìm về cội nguồn” của doanh nghiệp và hàng hóa Việt. Nếu làm tốt hơn nữa công tác liên kết, thiết nghĩ, việc chiếm lĩnh nhiều hơn, sâu hơn nữa hàng hóa Việt tại các kênh phân phối này chỉ còn là vấn đề thời gian.