Người tiêu dùng nói gì khi nước ngọt có gas tăng giá?
Trong khi việc tăng giá hàng tiêu dùng về lâu dài là khó tránh khỏi, bất cứ một chuyển động đột ngột nào về giá cả cũng có thể gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người bán lẻ, nhà sản xuất, và thậm chí là cả một số ngành, nghề.
Gần đây, người tiêu dùng trong nước đã đón nhận một tin không vui khi giá xăng tăng nhẹ. Như những lần trước đó, đây là nguyên nhân và cũng là dấu hiệu của hiện tượng lạm phát đẩy trên hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng khác. Kết quả là gánh nặng giá cả trên vai người tiêu dùng ngày một lớn thêm.
Với điều kiện thu nhập còn ở mức trung bình, thấp, việc vật giá leo thang gây khó khăn cho phần lớn các hộ gia đình Việt Nam. Như VnEconomy từng đề cập, mức giá các sản phẩm nước ngọt có gas có thể tăng 10% trong thời gian tới nếu như dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được thông qua, trong đó lần đầu tiên mặt hàng nước ngọt có ga xuất hiện trong danh mục chịu sự điều chỉnh của thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Dân chúng tôi chịu thiệt”
Bên cạnh sự phản ứng của doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành nghề, những ý kiến của chính người tiêu dùng về dự thảo luật thuế này cũng là một kênh thông tin đáng để cơ quan thuế và những người ban hành luật cận nhắc.
Một khảo sát được thực hiện đầu tháng 4/2014 bởi công ty nghiên cứu thị trường Epinion (Đan Mạch) về suy nghĩ và hành vi của người tiêu dùng tại Việt Nam trong trường hợp có sự thay đổi về giá bán lẻ các sản phẩm nước ngọt có gas không cồn, sau khi nhà nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này.
Điều đáng chú ý là khi người tiêu dùng đồng thuận rằng, cơ cấu giá nếu buộc phải thay đổi theo hướng tăng lên (trong trường hợp này là 10%) sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người tiêu dùng, và nhà bán lẻ; và đa số xác nhận sẽ chuyển sang sử dụng những sản phẩm nước giải khát đồng dạng khác.
Để đưa ra những kết quả dưới đây, Epinion đã thực hiện khảo sát trên 600 đối tượng tuổi từ 15 đến 49, phân bổ tại hai khu vực Hà Nội và Tp.HCM. Đối tượng khảo sát tập trung ở khu vực thành thị và các vùng ngoại thành với 43% người tham gia có mức thu nhập dưới 7,5 triệu đồng/ tháng, và 80% số người được hỏi cho biết đã sử dụng nước ngọt có gas trong 3 tháng trở lại.
Theo khảo sát nói trên, có tới 60% người được hỏi nhận định nước ngọt có gas nếu tăng giá sẽ tác động tới toàn bộ ngành công nghiệp này. Lý do được nêu ra là do nhu cầu tiêu thụ nước giải khát có thể giảm dẫn đến doanh thu toàn ngành nước giải khát sẽ sụt giảm theo.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng 74% số người được phỏng vấn cho rằng đối tượng thu nhập thấp sẽ chịu thiệt thòi nhiều hơn bởi việc nước ngọt có gas bị áp thuế, do túi tiền eo hẹp của nhóm đối tượng này nên phần trăm tăng (ở mức tăng giá 10%) so với tổng thu nhập của họ sẽ có sự chênh lệch rõ rệt hơn so với nhóm thu nhập cao.
Người tiêu dùng lo ngại mức tăng giá 10%, kéo theo sự tăng giá của sản phẩm, sẽ tác động tới mọi thành phần kinh tế - xã hội, từ doanh nghiệp, người bán lẻ, đến người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thu nhập thấp.
“Chúng tôi đều là những người lao động làm công ăn lương, thu nhập ở mức đủ sống. Mùa hè đến vẫn thường sử dụng các sản phẩm nước ngọt có gas để giải khát.Nếu giờ tăng thuế thì chắc chắn nhà sản xuất cũng sẽ tăng giá bán, thì cuối cùng người chịu thiệt sẽ là những khách hàng như chúng tôi”, ông Trần Thế Dũng (ngõ 78 Thái Hà, Hà Nội), cho hay.
Không những người tiêu dùng chịu thiệt, có đến 74% của cuộc khảo sát nói trên đồng thuận rằng các hộ kinh doanh nước ngọt có gas bán lẻ, như tiệm tạp hoá, gánh rong sẽ chịu ảnh hưởng khi lượng cầu cho mặt hàng này giảm. Một tiểu thương ngay trên phố Thái Hà cũng nhìn nhận, nếu mặt hàng nước ngọt có gas hiện đang ở mức từ 7 - 10 nghìn đồng/sản phẩm, nếu tới đây tăng giá thêm vài ba nghìn chắc chắn sẽ khiến người tiêu dùng phải cân nhắc, vì phần lớn số người sử dụng sản phẩm này vẫn là người lao động, tầng lớp thu nhập trung bình của xã hội.
Trong khi đó, cũng theo khảo sát của Epinion , có đến 80% người trả lời lo ngại rằng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của mình sẽ mất đi một lựa chọn trong tầm chi trả. Cũng cần lưu ý rằng, trong số 600 người được hỏi, 40% xác nhận rằng họ thường mua nước giải khát có gas tại các kênh bán lẻ truyền thống.
Như vậy, người tiêu dùng lo ngại mức tăng giá 10%, kéo theo sự tăng giá của sản phẩm, sẽ tác động tới mọi thành phần kinh tế - xã hội, từ doanh nghiệp, người bán lẻ, đến người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thu nhập thấp.
Con số biết nói
Không giống như rượu, bia, thuốc lá, hay các xa xỉ phẩm khác, người tiêu dùng đại chúng nhận thức rõ nhu cầu của mình đối với một sản phẩm phổ thông như nước ngọt có gas.
Qua khảo sát nói trên, có 73% số người trả lời chọn giải pháp chuyển sang sử dụng nước ngọt thay thế, như nước tăng lực, trà uống liền, sữa hộp, nước hoa quả…Đây là điều dễ hiểu, do về nguyên tắc, khi một mặt hàng tiêu dùng đại trà có biến động về giá cả, ở đây nước ngọt có gas không cồn tăng giá 10%, thì phần đông người tiêu dùng sẽ chọn giải pháp dịch chuyển sang các mặt hàng thay thế không chịu thuế để cân bằng chi tiêu. Điều đáng lưu ý khi đa số các sản phẩm thay thế đều có hàm lượng đường (năng lượng) tương đương hoặc thậm chí cao hơn nước giải khát có gas.
Theo các nghiên cứu khoa học đã được chứng minh, chính việc sử dụng quá mức các sản phẩm thực phẩm giàu năng lượng cộng với thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh chính là nguyên nhân gây nên nhiều chứng bệnh mà dự thảo của Bộ Tài chính có nêu như béo phì, tiểu đường, gút…
Tuy nhiên, trong số 600 người được hỏi, có tới 28% cho biết sẽ vẫn giữ thói quen tiêu dùng nước ngọt có gas bất kể khi giá đã tăng.
Trường hợp tăng giá nước có gas sẽ làm tăng mức tiêu dùng của các loại thức uống khác không tăng giá, đồng nghĩa với việc sản lượng nước ngọt có gas giảm. Điều này kéo theo nguồn thu thuế từ doanh nghiệp như thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm theo. Đồng thời, chính phủ cũng có thể thất thu thuế từ các phẩm thay thế khác có doanh thu tăng do được lợi từ việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng những các sản phẩm thay thế này lại không bị đánh thuế.
Trong khi đó, ngân sách cũng có thể thất thu thuế từ các phẩm thay thế khác có doanh thu tăng do được lợi từ việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng những các sản phẩm thay thế này lại không bị đánh thuế.
Dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổ sung đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Tuy nhiên, theo những phản ứng ban đầu từ dư luận đã cho thấy dự thảo hiện nay đã gây ra những quan ngại cho người tiêu dùng.
Để luật được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần có sự nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thận trọng trước khi quyết định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những sản phẩm thông thường đang được đông đảo người dân sử dụng một cách đại trà, và tiêu thụ chủ yếu qua các kênh bán lẻ truyền thống.