Cuộc đua sản phẩm ăn liền chế biến từ gạo
Một vài năm trở lại đây, các sản phẩm ăn liền được chế biến từ gạo đã có sự trở mình đột biến, với mức tăng trưởng hàng năm bình quân từ 15 – 35% và đang soán ngôi trở thành đối thủ “nặng ký” trên thị trường thực phẩm ăn liền.
Tăng trưởng…
Gần đây, thị trường thực phẩm ăn liền chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của nhiều dòng sản phẩm ăn liền. Ngoài những tên tuổi vốn đã có chỗ đứng trên thị trường loại thực phẩm ăn liền được chế biến từ bột gạo như Vifon, Bích Chi, Colusa – Miliket, Vina Acecook, Vinaly, Asia Food, Bình Tây, Masan,… với các sản phẩm như bún, phở, cháo, miến, hủ tiếu, bún riêu cua sấy khô,…thì hiện nay, danh sách các DN tham gia vào lĩnh vực này ngày một tăng và hội đủ các thương hiệu lớn nhỏ.
Nhu cầu tiêu dùng lớn đã khiến thị trường thực phẩm ăn liền làm từ nguyên liệu gạo trở thành lĩnh vực hấp dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm. Điển hình như Cty CP lương thực thực phẩm Colusa-Miliket. Chỉ trong ba năm gần đây, nhờ thay đổi các dòng sản phẩm, đa dạng hóa các mặt hàng chế biến từ gạo đã giúp tăng doanh thu, biến lỗ thành lãi. Từ năm 2010 đến nay, hàng năm Colusa-Miliket đã dùng đến 10.000 tấn gạo để làm các mặt hàng như phở, hủ tiếu, bún sấy kho phục vụ cho cả hai thị trường nội địa và xuất khẩu. Tương tự, Cty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) cũng đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư vào phân khúc sản phẩm làm từ gạo như phở, cháo, bánh đa cua, miến,… Không lỡ nhịp, các sản phẩm ăn liền từ gạo của Vina Acecook trong hai năm nay gần đây cũng tăng hơn 10%, nên mục tiêu của Acecook đề ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng này và tiếp tục đẩy mạnh cả hai thị trường nội địa và xuất khẩu vào 40 thị trường nước ngoài mà mì gói đang có ưu thế. Các thực phẩm qua chế biến từ gạo đã đóng góp vào doanh thu không nhỏ cho doanh nghiệp. Hơn nữa, phát triển sản phẩm mới đã giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hút để thoát khỏi tình trạng sức mua đang sút giảm hiện nay.
Để tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng, ngoài các sản phẩm được đóng gói thông thường, các nhà sản xuất còn thiết kế dạng ly, tô. Đặc biệt, có khá nhiều các loại dành riêng cho người ăn chay, ăn kiêng.
Và cạnh tranh
Cuộc đua của các nhà sản xuất ngày càng diễn ra gay gắt. Ghi nhận tại các siêu thị, các cửa hàng tiện ích cho thấy không chỉ đa dạng về thương hiệu, các thực phẩm chế biến từ gạo còn phong phú về mùi vị. Nếu như trước đây các mặt hàng này chỉ đơn diệu với các phụ gia đi kèm như thịt heo, bò, gà thì hiện nay có thêm cua, cá lóc, lươn, hải sản,…cho tới các loại thực phẩm ăn chay, ăn kiêng như nấm, ngũ đậu, hạt sen…có giá bán từ vài ngàn đồng đến hơn vài chục ngàn đồng/gói hoặc tô.
Trong vai trò là nhà bán lẻ, bà Nguyễn Thị Hạnh, TGĐ Sài Gòn Co.op cho biết: “các sản phẩm ăn liền được làm từ bột gạo, ngũ cốc cách đây ba năm chỉ chiếm tỷ lệ hơn 10%, nay đã lên đến gần 50% trong tổng lượng hàng bán ra. Phổ biến nhất là bún, phở, hủ tiếu, bánh đa cua, cháo sấy khô… Gần đây, với việc góp mặt của 8 mặt hàng cháo bổ dưỡng ăn liền của cả hai dòng sản phẩm SG Soup và SG Soup Baby của Saigon Food đã làm đa dạng thêm các nguồn hàng và thực phẩm dinh dưỡng mang thương hiệu Việt và làm tăng mạnh sức cạnh tranh giữa các sản phẩm này.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, về lâu dài, các nhà sản xuất phải thay đổi tư duy, cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm trước mắt tạo ra một chỗ đứng vững chắc và lâu dài tạo thành thế mạnh đối với các doanh nghiệp trong nước.