Phát triển bằng nhượng quyền

Nhãn hiệu kem lớn nhất thế giới Baskin-Robbins đánh dấu sự gia nhập thị trường Việt Nam với ba cửa hàng đầu tiên khai trương tại TP.HCM cuối tuần rồi, thông qua đối tác độc quyền là Blue Star Food.

Định hình được các chuỗi

https://thegioibanle.vn/wp-content/uploads/2012/01/H%C3%A3ng-kem-l%E1%BB%9Bn-nh%C3%A2t-c%E1%BB%A7a-M%E1%BB%B9-%C4%91%C3%A3-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-Vi%E1%BB%87t-Nam.jpg

Ông Nguyễn Thanh Nam, tổng giám đốc Blue Star Food, cho biết sẽ phát triển 50 cửa hàng Baskin-Robbins trong năm năm tới. Phát biểu tại lễ khai trương, ông John Varghese, phó chủ tịch điều hành Baskin-Robbins, cho biết việc họ quan tâm là tìm được đối tác phù hợp và tận tâm là yếu tố quan trọng để việc kinh doanh nhượng quyền thành công

Dẫn đầu thương hiệu thức ăn nhanh tại Việt Nam vẫn là chuỗi KFC, thuộc tập đoàn Yum Brands. Năm 1997, nhà hàng đầu tiên ra đời và trong năm năm chỉ hoạt động với một cửa hàng duy nhất ở TP.HCM, thì cuối năm rồi KFC đạt cột mốc 100 cửa hàng với mục tiêu nhân đôi con số năm 2015. Chuỗi cửa hàng này đang chiếm 60% thị phần thức ăn nhanh tại Việt Nam và toạ lạc ở nhiều vị trí đẹp.

Phát triển bằng nhượng quyền

Thương hiệu Pizza Hut của Yum Brands cũng có mặt tại Việt Nam năm 2007, đến nay phát triển với gần 20 cửa hàng bao gồm cả dịch vụ Pizza Hut Delivery chuyên giao bánh tận nơi.

Trong khi đó, thương hiệu thức ăn nhanh Subway sau một năm lỡ hẹn thì năm rồi cũng công bố phát triển chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt (sandwich) với hai cửa hàng nhượng quyền thương mại đầu tiên (franchise) đặt tại TP.HCM. Ông Mark McGrath, giám đốc điều hành Subway Việt Nam, cho biết hãng này sẽ mở mười cửa hàng trong năm nay và đặt mục tiêu đạt 50 cửa hàng trong năm năm tới. Bên cạnh các cửa hàng quản lý trực tiếp, Subway sẽ đẩy mạnh việc nhượng quyền thương hiệu.

Theo số liệu của bộ Công thương, hiện đã có 70 thương hiệu nước ngoài đăng ký hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam, đa phần là các thương hiệu tiêu dùng nhắm đến nhu cầu của giới trẻ và tầng lớp trung lưu. Ở khu vực nhượng quyền kinh doanh ẩm thực, những chuỗi thương hiệu thức ăn nhanh đã đi đầu khai phá thị trường và thành công như KFC, Pizza Hut, Lotteria, Jollibee… nhiều năm nay đã giúp tạo nên một quy mô thị trường nhất định, như là một yếu tố sẵn sàng cho các thương hiệu khác đánh giá cơ hội thị trường và gia nhập cuộc chơi.

Thị trường cũng đang chờ đợi những thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng khác của Mỹ nhập cuộc như McDonald’s, Starbucks bên cạnh những tên tuổi đang xúc tiến nhượng quyền hoặc tìm kiếm đối tác vào Việt Nam như Round Table Pizza, Applebee’s, Focus Brands, Which Wich, Melting Pot...

Đa số các vụ nhượng quyền tại Việt Nam đến nay thuộc ngành kinh doanh ẩm thực và đạt tỷ lệ thành công cao nhất trong các nhóm ngành.

Đã thuận lợi hơn

Các doanh nghiệp nhượng quyền cho rằng hiện nay kinh doanh nhượng quyền tại thị trường Việt Nam đã thuận lợi hơn ở nhiều yếu tố, đặc biệt nhất là sức mua tăng nhanh và việc chọn lựa đối tác nhận nhượng quyền có năng lực cũng đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Trước đây khi nhượng quyền, cơ sở hạ tầng cũng là một trở ngại lớn bởi tại Việt Nam chưa có nhiều trung tâm thương mại, trong khi giá cho thuê mặt bằng bán lẻ khá cao thì hiện nay đã có nhiều sự chọn lựa. Việt Nam được nhắm đến còn ở sự tăng trưởng tầng lớp trung lưu với ước tính số lượng người thuộc tầng lớp này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015. Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh cũng nhắm vào nhu cầu tiêu dùng ẩm thực của giới trẻ và mức tăng trưởng của khách du lịch.

Theo bà Beth Solomon, phó chủ tịch hiệp hội Nhượng quyền quốc tế của Mỹ, đây là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào thị trường nhượng quyền tại Việt Nam.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các chủ thương hiệu chịu áp lực tìm kiếm mức tăng trưởng, càng nhắm đến phát triển các thị trường mới, thì Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn ở châu Á – khu vực góp phần lớn vào mức tăng trưởng của các thương hiệu thức ăn nhanh trong nhiều năm gần đây.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị