Btalk thay Viber: Nổi không?
Lãnh đạo Bkav cho biết dụng OTT mang tên Btalk sẽ thay thế Viber tại Việt Nam.
Tròn một tháng sau khi lãnh đạo Zalo, ứng dụng OTT do VNG phát triển, cho biết đã cán mốc 10 triệu người dùng, Bkav đã tung ra ứng dụng OTT tự phát triển mang tên Btalk. OTT (Over-The-Top) là tên gọi ứng dụng nhắn tin miễn phí trên nền internet có thể thay thế cho những dịch vụ tính phí của các công ty viễn thông.
Dù là một đơn vị mới ở thị trường OTT, nhưng tham vọng của Bkav với BTalk là không nhỏ. Ông Nguyễn Tử Hoàng, Phó Chủ tịch phụ trách phần mềm Bkav, trong lễ công bố Btalk cuối tuần qua, nói rằng sứ mệnh của ứng dụng OTT mới mẻ này là thay thế Viber tại Việt Nam và tiến ra thế giới.
Viber là ứng dụng OTT có hơn 280 triệu người dùng trên khắp thế giới, được tập đoàn Rakuten (Nhật) mua lại giá 900 triệu USD vào tháng 2.2014. Tại Việt Nam, Viber đang dẫn đầu thị trường OTT về số lượng người sử dụng với 12 triệu tài khoản, kế đến là Zalo với 10 triệu tài khoản. Không chỉ vậy, Viber đã đặt văn phòng tại TP. HCM hồi đầu năm nay.
Việc Btalk vừa ra trận đã đặt mục tiêu cạnh tranh với đối thủ mạnh nhất thị trường là Viber cũng là chuyện dễ hiểu. Trong cạnh tranh, ai cũng muốn trở thành người dẫn đầu và luôn chọn đối thủ mạnh nhất làm mục tiêu phấn đấu. Nhưng tự tin chỉ mới là một mặt của vấn đề.
Hãy nhìn lại chặng đường phát triển của Zalo. Hiện là ứng dụng OTT có lượng người dùng đứng thứ nhì thị trường và liên tục bám đuổi quyết liệt đối thủ dẫn đầu, nhưng Zalo từng có bước khởi đầu không suông sẻ.
Khi VNG quyết định tham gia thị trường OTT bằng cách tự phát triển Zalo vào cuối năm 2011, những công ty OTT tầm cỡ thế giới như Line, Kakao Talk, Wechat hay Viber đã xâm chiếm thị trường trong nước. Thực tế, có không ít sự bi quan về tương lai của Zalo, khi phiên bản thử nghiệm vừa tung ra đã gặp phải sự cố, trong khi đối thủ ngoại thì vẫn liên tục mạnh tay chi tiền quảng cáo để thu hút người dùng.
Đến cuối năm 2012, VNG mới đưa được Zalo phiên bản chính thức đến với thị trường. Lần này, nhờ nhận ra nhược điểm của các ứng dụng OTT ngoại hoạt động kém trên nền internet của Việt Nam, Zalo đã thuyết phục được người dùng khi cho phép nhắn tin ổn định trên mọi hạ tầng như 2G, 2,5G, 3G hay wifi. Tháng 5 năm ngoái, Zalo đạt mức 2 triệu người dùng. Đến tháng 9, ứng dụng OTT của VNG được 5 triệu người dùng và bắt đầu vượt qua các đối thủ ngoại cho đến hôm nay.
Rõ ràng, nhờ tạo ra được sự khác biệt, ứng dụng OTT của VNG đã thành công. Btalk của Bkav, tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng có lợi thế không nhỏ là bài học Zalo. Khác với ứng dụng OTT của VNG tập trung vào chức năng nhắn tin, Btalk lại hướng đến việc cải thiện chất lượng cuộc gọi. Theo đại diện của Bkav, ứng dụng OTT Btalk của họ cho phép thực hiện cuộc gọi từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới mà vẫn không bị trễ hay méo tiếng giống như các ứng dụng khác đang có mặt trên thị trường. Nếu đây là sự thật thì Btalk đang sở hữu một lợi thế lớn và hoàn toàn có khả năng thành công tại Việt Nam.
Đáng chú ý hơn, đại diện của Bkav cũng nói rằng ứng dụng OTT của họ có khả năng lách được sự “truy cản” của nhà mạng, điều đang xảy ra với một số công ty OTT trên thị trường. Nếu Btalk có khả năng đó, họ hoàn toàn có thể lọt vào mắt xanh của Viettel khi mà nhà mạng này có ý tham gia thị trường OTT và đã bị VNG từ chối đề nghị mua lại Zalo.