Điện thoại thương hiệu Việt: Cái chết không kèn trống
Lao đao trong bão giá
Năm 2009, 2010, giai đoạn được coi là thời kỳ "đỉnh" của các nhà sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) thương hiệu Việt.
Thị trường điện thoại di động Việt Nam đã chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt các tên tuổi như Q-Mobile của Viễn thông An Bình (ABTel), Hi-mobile của HIPT, Bluefone của CMC... đều phục vụ nhu cầu người dùng ở phân khúc giá tầm trung, rẻ.
Các dòng điện thoại được tung ra thị trường có tới hai sim, hai sóng, được tích hợp nhiều tính năng nhưng giá cả lại rất cạnh tranh so với các thương hiệu ngoại như Nokia, Samsung... Thậm chí, năm 2010, có thương hiệu di động Việt còn được đánh giá là thành công nhất đó là Q-Mobile của Công ty TNHH Viễn Thông An Bình ABTel đã có trong tay trên 20% thị phần thị trường điện thoại tại Việt Nam.
Ở thời điểm đó, Q-Mobile khiến dòng điện thoại của Nokia ở phân khúc giá rẻ cũng bị mất đi thị phần đáng kể. Thậm chí, sang năm 2011, đại diện của thương hiệu Q-Mobile còn đặt mục tiêu vượt hẳn Nokia, nắm trên 50% thị phần điện thoại di động ở Việt Nam.
Thế nhưng, thực tế đã không được như kỳ vọng. Bước sang năm 2011, thị trường điện thoại nội khá trầm lắng và đến thời điểm giữa năm 2012, thị trường ĐTDĐ bão hòa, tình hình kinh tế khó khăn cộng với sự cạnh tranh từ các thương hiệu lớn khiến ĐTDĐ thương hiệu Việt càng lao đao.
"Dế" Việt liệu đã hết thời?
Tháng 8 vừa rồi, Q-Mobile - thương hiệu điện thoại di động "nội" vốn được đánh giá là thành công nhất tại thị trường Việt đã có định hướng phát triển mới.
Cùng với việc tiếp tục duy trì thương hiệu Q-mobile với các sản phẩm điện thoại tính năng thông thường người dùng đã biết tới, ABTel sẽ tập trung vào các sản phẩm điện thoại thông minh Q-smart.
Thế nhưng, ngay khi công bố chính sách mới này, nhiều chuyên gia đã nhận định, "hành trình Q-smart" này xem ra cũng sẽ khá chông gai, chứ không còn dễ dàng như "thời" của Q-mobile trước đây nữa.
Và Q-Mobile chỉ là một ví dụ. Hiện nay, một số điện thoại thương hiệu Việt đã tạm dừng hoặc thu nhỏ qui mô như: Hi-Mobile, BluePhone... Chuỗi bán lẻ điện thoạicó tiếng tại Việt Nam đã đưa ra dự báo, tới cuối năm 2012 chỉ còn một số nhỏthương hiệu điện thoại Việt duy trì hoạt động như Q-Mobile, AVIO...
"Dế" thương hiệu Việt vốn đã được "đóng đinh" chủ yếu ở phân khúc giá rẻ. Thế nhưng, nó nhanh chóng phải chịu sức ép cạnh tranh ở phân khúc này từ nhiều hãngđiện thoại có tiếng như Nokia, LG, Samsung.... đặc biệt là với Nokia, khiến miếng bánh thị phần của dế nội nhanh chóng bị co hẹp lại.
Hãng nghiên cứu thị trường IDC từng cho hay, do phải cạnh tranh gay gắt với các hãng điện thoại nước ngoài, năm 2011, tổng thị phần của các hãng điện thoạithương hiệu Việt chiếm 21%, trong khi con số này năm 2010 là 24%.
Con số chưa đầy đủ về doanh số bán ra của các nhà cung cấp, sản phẩm điện thoại thương hiệuViệt nói chung trung bình giảm từ 30 - 50% trong hơn một năm qua.
Ở thời kỳ cực thịnh của điện thoại thương hiệu Việt, người ta từng nghĩ tới việc phải bảo hộ cho các nhà sản xuất này để làm nên một thương hiệu thực sự của người Việt. Thế nhưng, mọi ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng.
Tới giờ, các dòng điện thoạithương hiệu Việt này vẫn chưa được công nhận là điện thoại mang thương hiệu quốc gia bởi dù được gắn mác "made in Việt Nam" song hàm lượng Việt trong mỗi chiếc điện thoại thương hiệu Việt vẫn còn khiêm tốn.
Các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu điện thoại Việt mới chỉ có thể đưa ra được các ý tưởng về hình dáng, mẫu mã cho sản phẩm của mình, còn linh kiện và phụ kiện cũng như nơi sản xuất của những chiếc điện thoại Việt lại đều xuất xứ từ Trung Quốc.
Không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường điện thoại đang ngày một trở nên bão hoà, một bức tranh vẫn tiếp tục mờ mịt của "dế" nội là điều không tránh khỏi trong thời gian tới.