Vận rủi của Mary Barra
Chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi nhậm chức Tổng Giám đốc General Motors Co. (GM), Mary Barra đã đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của mình: GM đang rơi vào cuộc khủng hoảng thu hồi ôtô. Kể từ khi Barra chính thức nhận cương vị mới vào ngày 15/1, giá cổ phiếu GM đã giảm khoảng 14% (trong bối cảnh chỉ số S&P 500 tăng lên).
Ác mộng thu hồi
Lúc nhậm chức, Barra, 52 tuổi, được nhiều người tung hô là nữ CEO đầu tiên của một tập đoàn sản xuất ôtô tầm cỡ quốc tế với 155 tỉ USD doanh thu (năm 2013), được săn đón nồng nhiệt bởi giới báo chí phóng viên tại buổi triển lãm ôtô Detroit ngay trong tuần bà đảm trách công việc ở cương vị mới.
Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hillary Clinton cũng rất hoan hỉ trước tin Barra nhậm chức CEO của GM, bà nói rằng Barra đã phá vỡ “bức trần thép”. “Lúc đó bà ấy là một ngôi sao lớn tại buổi triển lãm ôtô. Nhưng chỉ 1 tháng sau, đã có một cuộc khủng hoảng lớn đợi bà xử lý”, David Whiston, chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu đầu tư Mỹ Morningstar Inc., cho biết.
Thực vậy, chỉ trong vòng vài tuần giữ chức CEO, Barra đã bắt đầu cho thu hồi 1,6 triệu chiếc xe cỡ nhỏ do lỗi hệ thống khởi động có thể khiến xe đột ngột bị tắt máy, gây ra cái chết cho hơn 10 người. Mới đây, bà đã nâng số xe thu hồi do lỗi này lên tới hơn 2,5 triệu chiếc.
Tuần qua, bà đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc tại sao GM mất tới hơn 1 thập kỷ mới thu hồi số xe bị lỗi ở hệ thống đánh lửa. Ngoài ra, GM cũng đang đối mặt với cuộc điều tra của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA), cùng một loạt các vụ kiện tụng và là tâm điểm chú ý của một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp.
Cuộc khủng hoảng thu hồi đã khiến cho giá cổ phiếu GM lao đao. Phiên giao dịch đáng buồn nhất đối với các nhà đầu tư GM là vào ngày 14/3 khi giá cổ phiếu GM trượt dốc xuống còn 33,57 USD, mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Giải quyết cuộc khủng hoảng này sẽ là một công việc khiến cho Barra hao tâm tổn sức, nhưng bà đã phần nào cho thấy sự bình tĩnh trong giải quyết vấn đề. Tại phiên điều trần, Barra nói hành động của GM (phản ứng chậm của GM đối với hơn 10 trường hợp tử vong liên quan đến lỗi ở bộ phận đánh lửa) là “không thể chấp nhận được”; bà cũng đồng thời xin lỗi gia đình nạn nhân.
Barra cũng đã cho lập một trang web để giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng. Và ngày 26/3, bà đã tung ra 5 đoạn video và là người trực tiếp trả lời các câu hỏi về vụ thu hồi ôtô. Trong đó, bà nói rằng lái xe GM vẫn an toàn nếu chỉ có mỗi chìa khóa xe trong móc chìa khóa (để tránh cho chùm chìa khóa quá nặng, có thể kéo công tắc khóa quay trở lại vị trí tắt, dễ gây tai nạn).
Hiện tại, GM cho mượn xe đối với những khách hàng còn e ngại, muốn chờ vấn đề được giải quyết ổn thỏa mới cho chạy xe lại. Việc sửa chữa xe dự kiến sẽ bắt đầu sau ngày 7/4.
Tin xấu dồn dập
Cho dù có giải quyết ổn thỏa vụ thu hồi - là việc không thể trong một sớm một chiều khi NHTSA và Bộ Tư pháp Mỹ đã vào cuộc cùng với hàng loạt vụ kiện tụng; Barra cũng chưa thể thở phào nhẹ nhõm.
Bởi lẽ, thách thức của bà không chỉ có vậy. Đó còn là tình trạng thua lỗ tại châu Âu, biến động tiền tệ tại Nam Mỹ, sự bành trướng của đối thủ Volkswagen AG tại Trung Quốc và một khởi đầu khá uể oải về doanh số bán tại Mỹ.
Thậm chí, Stover của Guggenheim Securities LLC còn cho rằng: “Lý do giá cổ phiếu giảm có liên quan nhiều hơn đến các chỉ số nền tảng cơ bản hơn là các đợt thu hồi xe”.
Mặc dù GM dự kiến sẽ tăng được doanh số bán nhờ giới thiệu 18 mẫu xe mới hoặc được làm mới lại tại Mỹ hồi năm ngoái, nhưng lượng bán ra của xe bán tải cỡ lớn Chevrolet Silverado đã giảm 15% trong 2 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái. Cadillac, một trong những nhãn xe bán chạy nhất trên thị trường ôtô năm ngoái với mức tăng 22%, cũng giảm tới 7,9%.
Tại châu Âu, GM vẫn đang thua lỗ. Tập đoàn đặt mục tiêu hòa vốn vào giữa thập kỷ này sau khi thua lỗ hơn 18 tỉ USD tại khu vực này kể từ năm 1999. Hãng xe Mỹ này đang rút nhãn hàng Chevrolet khỏi châu Âu để định vị tốt hơn cho dòng sản phẩm Opel trước đối thủ Volkswagen. GM sắp tới cũng sẽ đóng cửa nhà máy lắp ráp tại Bochum (Đức).
Đã vậy, GM còn bị tụt từ vị trí nhà sản xuất ôtô lớn thứ hai thế giới về doanh số bán (năm 2013) xuống vị trí thứ ba sau Volkswagen. Volkswagen giành được vị trí này nhờ tăng trưởng tại Trung Quốc, nơi hãng xe Đức này đã đánh bật GM khỏi vị trí hãng xe nước ngoài bán chạy nhất lần đầu tiên trong 9 năm qua.
Không chỉ gặp bất lợi tại thị trường Trung Quốc, GM còn gặp rủi ro ở thị trường Nam Mỹ. Hồi tháng 2, Chuck Stevens, Giám đốc Tài chính GM, khuyến cáo rủi ro ở Nam Mỹ đã gia tăng do biến động tỉ giá hối đoái. Ông cho biết năm ngoái GM đã đối mặt với 1,4 tỉ USD chi phí tăng thêm liên quan đến các đồng tiền Nam Mỹ.
“Ngay lúc này, có quá nhiều thách thức - một sự “bội thực” đối với bất kỳ một CEO nào trong ngành ôtô”, Christian Mayes, chuyên gia phân tích tại Edwards Jones & Co., nhận xét.
Barra sẽ gồng gánh thế nào đây? Bà cho biết: “Chúng tôi đang giải quyết vấn đề này (thu hồi ôtô) nhưng cũng tập trung vào các kế hoạch, sáng kiến khác để giữ cho Tập đoàn tiếp tục đi về phía trước. Tôi rất tự tin vào điều này”.