Cảm nhận về cuốn sách Facebook Effect
Tin tôi đi, bạn sẽ mất cả núi thời gian để đọc hết quyển Facebook Effect, đồng ý là nó hay hơn dưới ngòi bút của David KirkPatrick [tác giả của cuốn sách] nhưng sẽ là không cần thiết khi tôi đã hệ thống hóa lại dùm bạn rồi đây, chắt lọc ấy!
Facebook mất đi danh hiệu công ty tỷ đô sớm vào tay Groupon khi mà công ty này chỉ mất chưa đầy 2 năm trong khi công ty của Mark Zuckerberg mất hai năm, facebook tự hỏi tại sao Google “thèm” Groupon dữ vậy và facebook cũng tự hỏi đâu là động cơ Google cho ra mắt Google Offers? Chẳng hỏi nhiều nữa, Facebook có riêng cho mình Facebook Places mà mới đây Mark cho thử nghiệm ở 6 tiểu bang US.
Nhưng trước hết, hãy cùng tìm hiểu quá trình hình thành của mạng xã hội hàng đầu Thế giới này trước khi nó cho ra đời Facebook Places.
Tôi có vài điều thống nhất với bạn trước khi bạn đọc cảm nhận của tôi về Facebook Effect, tôi viết bài cảm nhận theo hai trường phái khác nhau: kể chuyện và tóm tắt. À, còn một ý hết sức quan trọng nữa, đây là cảm nhận của cá nhân tôi, vui lòng đừng bình luận đúng sai.
Mark Zuckerberg, sinh viên đại học năm 2 của Harvard, ngành khoa học máy tính, vì một duyên cớ đã lập nên facebook và rủ rê bạn cùng phòng cùng vận hành dự án, làm kiểu cây nhà lá vườn nên tự phân công, tự phong chức cho nhau, người thì làm kinh doanh, người thì là PR, và đương nhiên Mark là CEO.
Mở rộng nhiều trường, Mark đã tốn 5 con server cho 30.000 active user, lưu ý active user. User nhiều nhưng Mark chưa nghĩ đến chuyện kiếm tiền, thống nhất một kim chỉ nam là phát triển càng nhiều user càng tốt, Mark từ chối hết các lời đề nghị đầu tư và thật ra Mark cũng không thể vay tiền mãi để nuôi facebook được, thế là nhận lời để Y2M làm đại lý kinh doanh quảng cáo trên facebook, Y2M thấy hấp dẫn nên muốn đầu tư và Mark đưa ra giá 25 triệu USD, quá nhiều vào thời điểm này nên Y2M chỉ đồng ý bán quảng cáo.
Mark tâm niệm là chỉ dành facebook (khi này còn mang tên là Thefacebook) cho sinh viên, cựu sinh viên, giáo viên và tuyệt nhiên không muốn làm phiền họ vì quảng cáo.
Trong hợp tác nào cũng vậy, quan trọng là xác định “vị thế” của các bên, Y2M rất không hài lòng khi mà họ bán quảng cáo cho facebook nhưng không thể coi được status quảng cáo của khách hàng của chính họ, facebook ở “kèo trên”.
Mark đã viết thành công nhiều dự án khác trước khi có Thefacebook, nào là Course Match, nào là facemash… tuy nhiên khi facebook đang trên đà hưng thịnh, Mark vẫn bắt tay với một người bạn là Andrew McCollum để viết Wirehog – trang mạng về chia sẻ nhạc & video theo hàng ngang giữa user – user, mỗi người khi ấy tự làm UGC (User Generate Content), Wirehog lấy ý tưởng từ Napster.
Điểm qua vài “cổ đông cùng phòng” của Mark :
. Moskovitz : cần cù, chịu khó, chuyên làm hệ thống
. Parker : nhà kinh doanh thực thụ, từng build công ty thành công và bị chính investor hất cẳng.
Có Moskovitz và Parker, Mark có thời gian để tập trung : facebook là gì và trở thành cái gì?
Cực kỳ giản đơn với những gì đơn giản nhất, nguyên BOD của facebook đều ở chung trong một căn nhà rách bươm đi thuê lại, dơ bẩn cùng cực.
Mark được cho là kẻ điên khi liên tục từ chối các lời đề nghị hợp tác, đầu tư, mua lại, thế nhưng Andy Grove, cựu CEO của Intel nói : “Chỉ những kẻ hoang đường mới có thể tồn tại”.
Một nguyên tắc mà dân online cần chiêm nghiệm, đó là nếu tốc độ xử lý chậm, user sẽ rời xa bạn và đó là cánh cửa địa ngục cho bạn.
Các MXH khác thường bắt đầu từ mass và tìm ra ngóc ngách nào chui được thì chui, trong khi facebook thì từ “ngóc ngách” Harvard, dần dần mở rộng sinh viên các trường khác, dần mở ra học sinh và giờ là cả Thế giới. Lúc ra đời, facebook đơn giản đến mức gây chán và việc duy nhất bạn muốn làm là invite càng nhiều bạn càng tốt.
“Chỉ những kẻ hoang đường mới có thể tồn tại.” - Andy Grove
Steve Chan, một lập trình viên giỏi, là cựu nhân viên Paypal nhưng rồi cũng rời bỏ facebook ra đi trước vô vàn lời can ngăn của Cohler : “Thiếu gì web chia sẻ video rồi, anh đang phạm sai lầm lớn đấy, anh sẽ hối hận và facebook sẽ rất thành công”. Thế nhưng sau này chính Cohler cũng ra đi và bạn biết không, Chan ra đi để lập nên Youtube ngày nay và bán lại cho Google 1,6 tỷ USD. (Hiện nay hàng năm Google bù lỗ cho Youtube 500 triệu UDS).
Sau khi Chan ra đi, Mark nhận ra rằng đối thủ khốc liệt nhất trên con đường tuyển dụng chính là gã khổng lồ tìm kiếm, chỉ cần ai muốn vào Google phỏng vấn thôi là Mark đã muốn tuyển người đó, tuy nhiên vào facebook làm việc là phải tự trang bị laptop, điều này không có gì ghê gớm.
Chris Dewolfe và Tom Anderson, CEO và Chairman của Myspace, bay từ LA đến Palo Alto để gặp Mark và ngã giá mua facebook nhưng ngay sau đó Myspace bị ông trùm truyền thông Rupert Murdoch của News Corp. mua lại với giá 580 triệu USD, lúc đó có 21 triệu user.
Facebook có một nguyên tắc, đó là họ chỉ đến các trường nào mà đã có hơn 20% sinh viên yêu cầu facebook đến với họ.
Apple cũng đồng hành cùng facebook trong việc phát triển user bằng việc chi cho facebook 1 USD / new member. (Ở đây tôi nói thêm, ngành công nghệ có mức chi bình quân cho việc reach tới một newbie là khoảng hơn 3 USD, Apple chơi chiêu này tức là họ chỉ còn hơn 2 USD cho hoạt động marketing khác).
Thefacebook đổi thành facebook.com sau khi Parker thương thuyết được giá 200,000 USD, tuy nhiên họ chi đến 8 triệu USD để mua fb.com đấy!
Facebook đồng ý cho học sinh tham gia facebook nhưng đến tháng 2.2006 học sinh và sinh viên mới được tiếp cận nhau, trước đó Mark sợ bị “loãng”.
Tháng 10.2006, facebook ra mắt tính năng tag ảnh và champaign được khui hàng loạt vì nó thành công ngoài mong đợi, có đến 85% user ít nhất được một lần tag ảnh từ bạn bè. Và bạn cũng chỉ việc click vào hình để coi hình kế tiếp, thay vì bấm vào NEXT. Ở Myspace là Thế giới của những tấm hình hào nhoáng, chăm chút kỹ lưỡng còn facebook thì đó là công cụ giao tiếp cơ bản của user.
Sau Tag, News Feed ra đời và vấp phải phản ứng kịch liệt của user, có fanpage lên đến 750K user tham gia phản đối News Feed vì nó đem đời tư, hoạt động của user phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ. Mark mất nhiều đêm trắg để viết giải thích và lời xin lỗi lên blog của mình.
Chris Kelly, giám đốc bảo mật của facebook trấn an báo giới về News Feed rằng, công khai thông tin cá nhân là cách để mọi người có trách nhiệm hơn với hành vi của mình. Đọc sách bạn mới thấy có rất nhiều tình huống éo le, nói dối… và cả tích cực cũng có.
Sau học sinh, facebook muốn mở rộng sang đối tượng thành đạt để duy trì tốc độ tăng trưởng, tuy nhiên người thành đạt sẽ chỉ tham gia facebook khi có người thành đạt khác từng tham gia, vì vậy đối tượng này bị ràng buộc là có ai đó giới thiệu thì họ mới được tham gia.
Zynga ra đời từ một vài ý tưởng sau khi trao đổi với Mark, hiện có 250 nhân viên và doanh thu vượt 200 triệu USD, Zynga sở hữu FarmVille và Mafia Wars, hai trong số những game hot nhất trên facebook. Zynga có đến 241 triệu user vào tháng 2.2011.
Doanh thu quảng cáo của facebook 2008 là 300 triệu USD, 2009 là 500 triệu USD và 2010 là khoảng tỷ USD, tăng gần 100% qua các năm.
Facebook Connect là bước đột phá của Mark khi tạo nên nền tảng mở để lập trình viên có thể viết ứng dụng trên đó. Đến cuối tháng 4.2009 là phiên bản Facebook Open Stream API, đầy đủ và đa dụng hơn Facebook Connect.
Đầu tháng 8.2009, facebook mua lại FriendFeed giá 50 triệu USD.
Tháng 09.2009, Facebook ra mắt Facebook Lite, phiên bản nhỏ gọn hơn, bỏ đi video và những gì không cần thiết để dành cho những ai dùng trên mobile, giúp facebook phân loại user được tốt hơn.
Mark không muốn IPO vì khi đó không thể tránh khỏi áp lực từ Wall Street và tính đến nay Mark vẫn đang chiếm 24% với quyền quyết định cao nhất và luôn thỏa hiệp “luôn là CEO facebook” trong mọi hợp đồng đầu tư. Theo bạn, vì sao Mark phải cày cuốc để 76% đi vào tay kẻ khác?
Bạn có thể tìm hiểu thêm về facebook trên Inside Facebook và The Facebook Global Monitor.
Chặng đường phát triển của facebook gồm có : năm 2004 có 1 triệu user, năm 2005 chuyển từ Thefacebook.com sang facebook.com và có 5,5 triệu user, năm 2006 có 12 triệu user và ra mắt facebook mobile, năm 2007 có 50 triệu user, năm 2008 có 100 triệu user, năm 2009 có 350 triệu user và có thêm tính năng LIKE, năm 2010 có 500 triệu user và Mark được tạp chí Times bình chọn là “Nhân vật của năm”, năm 2011 trở thành “quốc gia” đông dân thứ ba Thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, năm 2012 facebook chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa nếu lời tiên tri Maya là hão huyền, theo lý thuyết về tốc độ tăng trưởng hiện nay thì 2013 tất cả người sử dụng Internet sẽ dùng facebook nhưng đó là lý thuyết vì facebook đã bị đẩy khỏi xứ sở Trường Thành, cũng bởi vấn đề bảo hộ như Baidu “hành xử” với Google.
Mark là người có tầm nhìn xa, giỏi nhưng giỏi đến mức độc tài, lần lượt là Saverin, Cohler, Reed cho đến Parker hay Moskovitz, tất cả đều ra đi tìm con đường riêng cho mình vì họ thấy ngột ngạt khi làm việc với Mark, không biết làm sao mới vừa lòng Mark.
Các ông lớn như Google, Microsoft, Yahoo! đều muốn chiếm hữu facebook nhưng đều vấp phải kiên định “facebook không phải để bán” của Mark, Mark đã xát muối vào vết thương hở của Google khi lôi kéo hàng loạt nhân viên Google và bắt tay với Bing, Microsoft.
Facebook có thể tạm hiểu là “nhân dạng danh bạ”.
Facebook Effect là cuốn sách hiếm hoi là cho tôi ghiền chinh phục như vậy, đến giờ cơm chỉ muốn ăn xong nhanh để về đọc tiếp, một chút trật tự cuộc sống của tôi bị đảo lộn vì nó, tiếc là khi David ngừng viết tiếp thì vẫn chưa đề cập gì đến Facebook Places, chắc nhanh quá anh ấy chưa cập nhật kịp, thôi để tôi viết tiếp vậy, à, ở phần mở đầu đấy!
Có lẽ do quá gấp gáp, Alpha Book gặp phải quá nhiều lỗi biên phiên dịch và chính tả trong cuốn sách này, thật khó chấp chận, nhưng có lẽ nó cũng có trải nghiệm, có vấp ngã như facebook vấp ngã với Beacon, bị lên án với News Feed… vậy đó.