Thị trường nước mắm: Doanh nghiệp nội bứt phá
Sự khởi sắc của các nhãn hiệu nước mắm sản xuất theo công thức truyền thống mang lại hy vọng thay đổi tương quan thị phần đang nằm gần như hoàn toàn trong tay Masan, Unilever...
Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu khoảng 7.200 - 7.500 tỷ đồng, tạo nên sức hút rất lớn đối với các DN trong và ngoài nước. Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam, nước mắm chiếm khoảng 20% sản lượng ngành thực phẩm ở Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân 23%/năm.
Ba năm trước, các nhãn hàng nước mắm đóng chai của công ty CP Thực phẩm Masan (Masan Food Corp) đã "lật đổ” vị trí số 1 của Knorr Phú Quốc (Công ty Unilever Việt Nam) để chiếm hơn 70% thị phần thị trường nước mắm. Từ đó, nước mắm chế biến theo dây chuyền công nghiệp đã chiếm lĩnh thị trường nhờ quy mô sản xuất, chi phí quảng cáo lớn và lợi thế giá rẻ.
Thời điểm đó, chỉ có một số doanh nghiệp lớn sản xuất nước mắm theo công thức truyền thống còn bán được ở Phan Thiết, còn những cơ sở nhỏ chủ yếu bán nguyên liệu hoặc bán sỉ trong các thùng lớn cho các nơi nên doanh thu không cao. Việc cạnh tranh trực diện với các thương hiệu lớn như Knorr hay Masan, thậm chí với mức giá cao hơn, được xem là mạo hiểm đối với các thương hiệu nhỏ.
Nhiều lo ngại cho rằng trong vài năm tới, các DN sản xuất nước mắm nhỏ lẻ của Việt Nam sẽ trở thành nhà cung cấp mắm thô cho các DN lớn như Masan, Unilever hay Acecook... Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng chuộng các sản phẩm nước mắm truyền thống đã làm thay đổi cục diện thị trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc Công ty Nước mắm Hạnh Phúc, thị trường nước mắm hiện đang phân chia theo hai nhóm: nước mắm công nghiệp (sử dụng hoàn toàn bằng công nghệ) và nước mắm truyền thống (sản xuất thủ công).
"Hai năm trở lại đây, vị trí của các loại nước mắm truyền thống với ba thành phần cơ bản, gồm đạm, nước và muối, mới được khẳng định mạnh mẽ khi xu hướng tiêu dùng xanh, sạch ngày càng lang rộng và phổ biến", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
200 triệu lít
Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu khoảng 7.200 - 7.500 tỷ đồng, tạo nên sức hút rất lớn đối với các DN trong và ngoài nước.
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam, nước mắm chiếm khoảng 20% sản lượng ngành thực phẩm ở Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân 23%/năm.
Các nhãn hiệu như: Hạnh Phúc, Hồng Hạnh, Phú Quốc, Liên Thành, Nam Phan, Barona... bắt đầu trở lại mạnh mẽ với sức mua khá tại các hệ thống siêu thị và các chợ, ngay cả khi giá thành cao hơn các sản phẩm của Masan hay Knorr từ 25 - 40%.
Lợi thế của các DN sản xuất nước mắm truyền thống là thâm niên sản xuất từ vài chục năm trở lên, thậm chí có thương hiệu gần 100 năm. Do đó, hầu hết các đơn vị đều có những bí quyết sản xuất nước mắm riêng, cũng như nguyên liệu cá của từng vùng miền.
Chia sẻ về quy trình sản xuất, bà Bùi Thị Sách, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SXCB Thủy hải sản và Thương mại Thanh Phát, đơn vị đang sở hữu nhãn hàng nước mắm Nam Phan, cho biết, để có được nước mắm cá cơm đạt 30ON phải được sản xuất theo quy trình phơi nắng ít nhất từ 8 tháng - 1 năm, sau đó tất cả phải tuân thủ quy trình HACCP để cho ra thành phẩm. Vì thế, giá bán không thể rẻ như dòng nước mắm công nghiệp.
Theo bà Ngô Cẩm Vân, Giám đốc DNTN Nước mắm Cẩm Vân, đơn vị đang sở hữu thương hiệu nước mắm Cẩm Vân 52 Nha Trang, được xuất khẩu sang thị trường Nhật từ năm 2005, có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị ở TP.HCM và một số địa phương, khẳng định: "Ưu điểm về độ đạm và không dùng chất bảo quản giúp nước mắm sản xuất truyền thống, địa phương dần định vị được thị trường khi người tiêu dùng hiểu ra vấn đề”.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, năm 2013, ngoài những khách hàng cũ ở nước ngoài, Hạnh Phúc không phát triển thêm khách hàng mới do sản phẩm, đặc biệt là nước mắm 60ON, không cung ứng kịp cho thị trường nội địa.
Có thể thấy, tín hiệu lạc quan đang dần mở ra với các nhà sản xuất nước mắm trong nước. Với mức doanh thu hơn gần 9.000 tỷ đồng, thị trường nước mắm hứa hẹn nhiều cơ hội tăng trưởng cho các thương hiệu nước mắm nội địa, sản xuất theo quy trình truyền thống.
Tuy nhiên, với tỷ lệ khiêm tốn khoảng 50 triệu lít/năm (chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng toàn ngành nước mắm Việt Nam), DN sản xuất nước mắm truyền thống còn quá nhiều việc phải làm để thay đổi cán cân thị trường trước quy mô gần 150 triệu lít/năm của các DN sản xuất nước mắm công nghiệp.