Thuế TTĐB với nước ngọt có gas có bất bình đẳng?
Diễn đàn về Triển vọng ngành thực phẩm và đồ uống vừa được Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm đóng góp các ý kiến liên quan xung quanh việc Bộ Tài chính đề xuất đưa nước ngọt có gas không cồn vào Danh mục Các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuế suất là 10%.
Một trong những lý do được Bộ Tài chính đưa ra là, khoản thuế TTĐB sẽ là một nguồn tăng ngân sách đáng kể cho Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp thuế không những không có ảnh hưởng tốt, thúc đẩy nền kinh tế nội địa, mà còn tạo ra những tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội.
Tại Pháp vào tháng 1/2012, các doanh nghiệp nước ngoài đã cân nhắc rút vốn đầu tư một khi luật thuế tương tự có hiệu lực. Các doanh nghiệp trong nước Pháp cũng sẽ khẳng định tăng giá sản phẩm như một nguyên lý chung, dẫn tới quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Những thực tế này cũng cho thấy, việc đánh thuế lên nước ngọt có gas chưa hẳn sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Cũng tại diễn đàn này, phóng viên của chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AmCham TP.HCM và ông Sesto Vecchi, luật sư, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn luật Russin & Vecchi về những vấn đề liên quan tới câu chuyện đánh thuế TTĐB với nước ngọt có gas.
Trước khi gia nhập AmCham, ông Herb đã trải qua các vị trí Tùy viên Thương mại tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM; Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ; Tùy viên Thương mại tại Osaka, Tokyo và Bangkok.
* Sau khi Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB (Dự thảo) được công bố, nhiều ý kiến đã quan ngại về giữa mục tiêu và lý do để áp thuế với những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất hay khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng. Ông thấy những lo ngại này là cần thiết không?
Trước tiên, hãy nói về người tiêu dùng. Thuế TTĐB thường được áp dụng cho các “xa xỉ phẩm”, thường là những sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu một nhóm khách hàng nhỏ, thường có thu nhập cao. Kế đến, thuế TTĐB được áp dụng cho các sản phẩm có tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường.
Đây chính là mục đích đặt ra ban đầu của thuế, để cân bằng giữa mức tiêu dùng của những người có thu nhập cao và thấp, giữa những người có xu hướng mua thực phẩm có lợi cho sức khỏe và những người không cùng xu hướng đó. Do đó, việc áp dụng thuế cho những sản phẩm phổ thông là rất không công bằng cho những người tiêu dùng thông thường.
Ở góc độ rộng hơn, các công ty sản xuất những sản phẩm thay thế cho nước ngọt có gas như nước hoa quả, sữa, trà đóng hộp... sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các công ty sản xuất nước có gas. Đó là sự không công bằng trên thị trường khi thuế mới này được áp dụng.
Ngoài ra, Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận thương mại song phương và đa phương với các nước khác và việc này sẽ khiến các nước xem xét lại thoả thuận với Việt Nam, khi bối cảnh thị trường nội địa đang có nhiều sự thay đổi.
* Việc áp dụng thuế TTĐB sẽ giúp tăng ngân sách, nhưng điều này có hỗ trợ việc thực hiện các chính sách kinh tế để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực khi áp dụng sắc thuế này?
Thời gian đầu, sẽ có một sự gia tăng đáng kể trong nguồn thu từ việc đánh thuế TTĐB này. Nhưng bất cứ ai hiểu bản chất của hệ thống thuế và thuế TTĐB sẽ nhận thấy vấn đề, thuế TTĐB đang được đánh trên chi phí đơn vị và nhắm vào người tiêu dùng.
Khi đó, các nhà sản xuất sẽ có hai lựa chọn chính: tăng giá bán để duy trì lợi nhuận và làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng (chi mạnh tay hơn để thu hút người tiêu dùng tới sản phẩm), hoặc cố gắng điều chỉnh tỷ lệ giữa thuế và lợi nhuận để cả khách hàng và doanh nghiệp cùng có lợi.
Trong cả hai trường hợp, doanh thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đều bị giảm. Vì vậy, lợi ích tài chính từ việc áp dụng thuế TTĐB cho nước ngọt có gas không cồn là chưa có căn cứ.
Ông đã sống và hành nghề luật sư tại Việt Nam trong gần 30 năm. Ông là thành viên Hội đồng điều hành của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại TP.HCM. Ông tốt nghiệp cử nhân Kinh tế Trường Wharton, Đại học Pennsylvania và nhận bằng Luật từ Trường Luật Temple Law School. Ông là thành viên của Đoàn Luật sư New York và Washington DC.
* Dự thảo Luật thuế TTĐB với nước ngọt có gas không cồn có lập luận rằng, sản phẩm này có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, do đó việc điều chỉnh tiêu dùng là rất cần thiết. Tuy nhiên, Dự thảo lại chỉ đánh thuế với nước ngọt có gas và không đưa nước ngọt không có gas vào diện chịu thuế như những nước khác. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, các loại nước ngọt không có gas sẽ không bị đánh thuế. Điều này là không bình thường. Không quốc gia nào khác trên thế giới lại chỉ nhắm vào nước có gas để đánh thuế. Một số nước áp thuế với đồ uống có hàm lượng ca-lo cao, nhưng không nước nào đánh thuế nước soda chỉ vì có chứa CO2 như Dự thảo tại Việt Nam.
Hiện không có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra rằng, CO2 có hại cho sức khỏe. Trên thực tế, CO2 không những không có hại, mà theo các nghiên cứu y khoa, nó còn có lợi cho sức khỏe. Uống các loại trà có đường, hoặc nước hoa quả không có gas không làm người uống cảm thấy no, do không chứa khí CO2 làm đầy dạ dày, vì vậy, bạn sẽ ăn uống nhiều hơn và dẫn đến béo phì.
* Có ý kiến cho rằng, áp thuế lên đồ uống có gas sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa phát triển, bởi hầu hết các sản phẩm nước ngọt có gas đều thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vấn đề cạnh tranh ở đây được ông nhìn nhận ra sao?
Các công ty của Hoa Kỳ chuyên về các sản phẩm “soda”, tức đồ uống có gas. Các loại nước ngọt được sáng chế tại Hoa Kỳ và hầu như mọi loại nước ngọt nổi tiếng trên thế giới (kể cả thương hiệu soda nước ngoài) đều được pha chế dựa trên công thức truyền thống của Hoa Kỳ.
Các công ty Việt Nam không chuyên về soda, họ chủ yếu sản xuất nước hoa quả, cà phê và trà. Do đã nói ở trên về sự liên quan của CO2 với sức khỏe, nên nếu áp thuế TTĐB lên nước ngọt có gas chỉ tạo điều kiện cho các công ty nội địa chuyên sản xuất nước không có gas những lợi thế hơn hẳn các công ty sản xuất nước có gas có vốn đầu tư nước ngoài.
* Còn vấn đề nào liên quan tới sản xuất, phát triển kinh tế cần nêu ra để thấy rõ hơn những hệ quả khi áp thuế TTĐB lên mặt hàng nước ngọt có gas không, thưa ông?
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), để tránh gánh nặng lên người nghèo, các quốc gia chỉ nên đánh thuế các mặt hàng xa xỉ hoặc các sản phẩm gây ra “tệ nạn xã hội” như thuốc lá, rượu hoặc cờ bạc.
Người tiêu dùng thu nhập thấp sử dụng phần lớn thu nhập vào thực phẩm, đồ uống, nên các chuyên gia về chính sách thuế thường không khuyến khích các quốc gia đánh thuế đồ ăn hoặc thức uống không chứa cồn.
Trong trường hợp nước ngọt có gas, đây là đồ uống rất được giới trẻ ưa chuộng, đó cũng là đối tượng thường không có nhiều tiền như người tiêu dùng lớn tuổi hơn. Vì lẽ đó, chúng tôi tin, loại thuế này là không công bằng xã hội, vì đặt gánh nặng chủ yếu lên người tiêu dùng trẻ và không giàu có.
* Theo ông, các quốc gia khác sẽ có phản ứng như thế nào nếu thuế TTĐB với riêng nước ngọt có gas được thực thi ở Việt Nam?
Thuế chỉ đánh trên nước ngọt có gas sẽ vi phạm các cam kết của Việt Nam với quốc tế, vì tạo ra sự bất bình đẳng với các sản phẩm của những nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ, WTO và các nước ASEAN.
Những thỏa thuận thương mại này đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh hơn hầu hết các quốc gia trong vòng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu Việt Nam vi phạm các thỏa thuận của mình, điều này có thể làm tổn hại đến uy tín của đất nước và việc giao thương giữa Việt Nam với thế giới sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Chúng tôi nghĩ, chiến lược tốt nhất cho Việt Nam là khẳng định sự tôn trọng cam kết của mình. Bằng cách đó, Việt Nam sẽ có những lý lẽ vững chắc để yêu cầu các đối tác nước ngoài tuân thủ cam kết của họ.