Quảng cáo ngày xưa vẫn “chất” theo thời gian
Dẫu xưa nay, quảng cáo bị mang nhiều tiếng “phiền phức”, “nói quá” nhưng không phải không có những quảng cáo hấp dẫn khiến người xem thích thú. Nếu quay trở lại thời gian với những quảng cáo xưa, độc giả sẽ không khỏi tò mò, thú vị.
Dẫu xưa nay, quảng cáo bị mang nhiều tiếng “phiền phức”, “nói quá” nhưng không phải không có những quảng cáo hấp dẫn khiến người xem thích thú. Nếu quay trở lại thời gian với những quảng cáo xưa, độc giả sẽ không khỏi tò mò, thú vị.
Thời xưa, không nhiều công cụ hiện đại, không biển bảng thiết kế, không những đoạn clip được quay phim dàn dựng công phu. Và cũng không có cả các tờ rơi đẹp lung linh được tạo ra bởi các phần mềm thiết kế. Có lẽ vì điều đó mà quảng cáo xưa buộc tận dụng tối đa sức mạnh của ngôn ngữ. Bởi vậy, sẽ không lạ nếu như thời xưa nhắc đến quảng cáo là gợi đến những bài rao hàng, quảng cáo đầy vần điệu, vừa thấy vui tai, lại vừa dễ nhớ.
Có thể nói, với cách sử dụng ngôn ngữ thông minh đã góp phần giúp cho mỗi thông điệp quảng cáo dễ dàng đi vào tâm trí người tiêu dùng hơn bao giờ hết.
Ví như trong lời rao của người bán tăm với thể thơ lục bát:
“Một hào một gói tăm tre
Bán cho quý khách đi xe, đi tầu
Xỉa răng rồi lại ăn trầu
Bán cho quý khách đi tầu, đi xe…”
Đến cách chào hàng độc đáo của người bán kẹo kéo, đề cập đầy đủ lợi ích khi ăn kẹo kéo.
“Cô kia tóc ngắn ngang vai
Ăn đồng kẹo kéo nó dài đến khoeo
Cô kia chưa có người yêu
Ăn đồng kẹo kéo đến chiều có ngay
Kẹo này chú nấu vani
Cháu ăn cháu lớn cháu đi nước ngoài
Khi đi áo rách tả tơi
Khi về xe cup 90 tung hoành
Nhôm gang dép rách
Túi xách, ni lông
Bao rứa bỏ không
Bình tông, can hỏng
Mang đổi kẹo kéo đê…”
Hoặc slogan theo cách của quán hủ tiếu Ngã Sanh ngon nổi tiếng “Trên đời có người ăn để sống, có kẻ sống để ăn, còn tôi xin các người ăn để tôi sống”
Bên cạnh đó cũng có những bài rao rất dài dòng, chi tiết như: “Có người muốn bán một sở ruộng rất tốt tại hạt Sóc Trăng, ruộng ấy khẩn được 13 năm đã thành thuộc rồi, huê lợi mỗi năm hơn vài ngàn giạ lúa ruộng, bốn phía đều có rạch giữa có khai kinh đã lâu, mỗi kỳ dồn đặng 4-5 muôn lá tàu, phía rạch cái đất làm rẫy tốt lắm, đã có hơn 30 tá điền ở, chủ nào cũng khá… sẵn sàng bán giá nhẹ, ai muốn mua xin đến bổn quan mà thương nghị” được đăng trên báo. Đặc sắc hơn nữa là chuyện mua thuốc trị bệnh có khuyến mãi: “Kính mời các ông, các bà, nhà quê, kẻ chợ. Tất cả lại mua thuốc tại hiệu Pharmacie Chassagne Hà Nội. Nhân dịp tết bản hiệu có nhiều quà rất quý để biếu các quý khách mua thuốc của bản hiệu từ một đồng trở lên. Từ đĩa hát, ví da, nước hoa, đồng hồ, túi tiền, đồ chơi cho trẻ con, bút máy…”.
Hiện đại hơn chút, có thể kể đến một số quảng cáo Print Ads ( Quảng cáo được in ấn như tờ rơi, banner,…) với ngôn từ sử dụng vô cùng đơn giản. Chỉ thực hiện vai trò giới thiệu sản phẩm. Tuy đơn giản và thuần phác, song lại đem lại hiệu quả vô cùng bất ngờ.
Ngoài cách sử dụng ngôn từ khá “khiêu khích” trong ấn phẩm của mình, kem đánh răng Hynos còn sử dụng một chương trình nhạc khá thú vị (phát trên đài phát thanh Sài Gòn) để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người tiêu dùng:
“Răng em, răng em trắng muốt như ngà
Nhờ kem, nhờ kem Hynos mà ra.
Anh yêu em hay anh yêu kem, hay anh yêu anh bảy chà da đen?
Anh yêu em, anh yêu luôn kem, anh yêu luôn anh bảy chà da đen”
Chính sự gần gũi, mộc mạc, tận dụng triệt để lời ăn tiếng nói của người tiêu dùng vào trong quảng cáo đã góp phần giúp các quảng cáo này ăn sâu vào tâm trí người đọc.
Như vậy, “mỗi thời, mỗi cách”! Nhà quảng cáo sẽ đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng một khác nhau. Tuy nhiên, phải nói rằng, lối chơi chữ và phong cách sử dụng ngôn từ của thời xưa đáng để các Copywriter ngày nay nghiền ngẫm, học hỏi để có được những câu khẩu hiệu, những ấn phẩm quảng cáo hiệu quả hơn.