DN Việt cạnh tranh không lành mạnh: nội chơi xấu, ngoại hưởng lợi
“Gà cùng một mẹ”...
Theo kết quả khảo sát từ Cty nghiên cứu thị trường Nielsen, năm 2011, G7 của Trung Nguyên chiếm 38% thị phần cà phê hòa tan, Vinacafé chiếm 31% thị phần và Nescafé chiếm 27% thị phần. Tuy nhiên, sang quý I/2012 khi G7 tăng được thị phần lên 40%, Vinacafé sụt giảm còn 26%, thì Nescafé tăng lên 31%. Như vậy G7 chỉ tăng 2% thị phần, trong khi Nescafé làm một cuộc đổi ngôi với Vinacafé và tăng mạnh thị phần đến 4%.
Lý giải về sự tăng mạnh thị phần của Nescafé, ông Vũ cho rằng: “Từ khi ra mắt sản phẩm G7 chúng tôi đã xác định cạnh tranh trực tiếp với Nescafé và thực tế chứng minh chúng tôi có thể làm được điều đó. Tuy nhiên trong lúc chúng tôi đầu tư mọi nguồn lực làm điều này thì lại bị chính DNVN “đâm sau lưng”. Các DNVN cứ lòng vòng chơi xấu nhau vì thế những DN nước ngoài như Nescafé mới rảnh tay tung ra các sản phẩm mới cùng với kế hoạch tiếp thị quảng bá để gia tăng thị phần”. Những chia sẻ đầy bức xúc của ông Vũ, có thể còn mang nhiều tính chủ quan nhưng đã chạm đúng vào một thực trạng: DNVN tuy “gà cùng một mẹ” nhưng lại thường đấu đá nhau. Thời gian qua đã nhiều lần rộ lên thông tin sản phẩm cà phê Trung Nguyên có chất tạo vị đắng. Vấn đề này đã được Trung Nguyên tìm hiểu và biết được đó là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh, và oái oăm thay lại từ một DNVN... Trong những năm qua, những vụ việc nổi cộm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh - đặc biệt trong ngành thực phẩm, thức uống - hầu hết rơi vào các Cty VN. Trong khi đó, hầu như các tập đoàn đa quốc gia đang làm ăn tại VN đề ra những chuẩn mực văn hóa DN rất rõ ràng. Có thể họ nói rất tốt về mình nhưng không nói xấu DN khác
Yếm thế và... sợ ngoại
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn vạch ra một tâm lý yếm thế của DNVN: “DNVN cứ thấy DN nước ngoài to lớn là e sợ, cho nên cứ xoay sang cạnh tranh với nhau”. Đây là câu chuyện khá phổ biến hiện nay, thể hiện từ “cuộc chiến nước tương” đến “chiến tranh mì gói”... và cũng đang tái diễn trong ngành ĐTDĐ.
Sau thời vàng son của làn sóng ĐTDĐ thương hiệu Việt những năm 2007 - 2009, từ năm 2010 khi phân khúc điện thoại phổ thông giá rẻ, rồi điện thoại 2 sim 2 sóng của Nokia tràn vào VN khiến các thương hiệu Việt chới với, thì các thương hiệu Việt xoay ra để ý, canh chừng nhau.
Giám đốc một DN ĐTDĐ thương hiệu Việt cho biết, sau khi đã nghiên cứu kỹ tìm ra một thị trường ngách là dòng điện thoại cảm ứng giá mềm mà các “đại gia” như Nokia, Samsung, LG không kịp xoay trở và đáp ứng. Nhưng khi sản phẩm vừa tung ra thì hàng loạt thương hiệu Việt khác cũng chạy theo, mà giá của hãng ra sau rẻ hơn hãng ra trước. Trong khi đó các đại gia nước ngoài “ngư ông đắc lợi”. Họ đã mạnh, nay càng rảnh tay nghiên cứu tung ra những sản phẩm mới với nhiều tính năng hơn, lần lượt thâu tóm thêm những phân khúc khác... Nhiều thương hiệu Việt sợ đụng đến “đại gia” Samsung, Nokia..., vì thế không hẹn mà gặp “va chạm” nhau ở phân khúc smartphone giá rẻ. Chính vì thế đang có dư luận rằng, phân khúc này đang ngày càng trở thành “chiến trường” mà chính các thương hiệu Việt sẽ phải cạnh tranh với nhau và có thể sẽ phải "chôn" nhau tại đây.