Chân dung tỷ phú Thái “ngáng đường” thương vụ Heineken-Tiger
Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, người bị coi là “kỳ đà cản mũi” trong thương vụ Heineken thâu tóm hãng sản xuất bia Tiger, đã có lịch sử kiếm tiền bằng cách “chiến đấu” với các hãng bia nước ngoài. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, hiện ông Charoen lại đang áp dụng lại chiến thuật này và công ty của ông có khả năng kiếm bộn khi nhảy vào “ngáng đường” thương vụ Heineken mua lại APB, công ty sản xuất bia Tiger.
Vào năm 2005, Charoen đã buộc hãng bia Carlsberg phải trả 120 triệu USD
để giải quyết tranh chấp pháp lý với một hãng bia nằm dưới quyền kiểm
soát của ông. Tháng trước, tỷ phú này đã khởi động một cuộc chiến mới
với Heneiken xung quanh APB. Các công ty thuộc quyền quản lý của gia
đình Charoen đã đề xuất mua cổ phần trong APB, công ty có trụ sở ở
Singapore, và Fraser & Neave (F&N), một công ty kiểm soát 40%
của APB.
Việc Charoen nhảy vào cản trở thương vụ Heineken-Tiger đã làm cho họ
hàng của ông giàu lên. Sự “phá bĩnh” của tỷ phú này buộc Heineken, công
ty của Hà Lan, phải vội vã đưa ra mức giá chào mua 7,5 tỷ Đôla
Singapore (6 tỷ USD), tương đương 50 Đôla Singapore/cổ phiếu, để có
được toàn bộ cổ phần còn lại của APB. Cách đây ít hôm, công ty của con
rể Charoen đã đưa ra mức giá chào mua 55 Đôla Singapore/cổ phiếu để
F&N nhượng lại 7,3% cổ phần của APB.
“Đây là một động thái thông minh của tỷ phú Thái Lan này. Tôi cho rằng,
đề xuất mua lại mới nhất từ nhà Charoen sẽ buộc Heineken phải đưa ra
mức chào giá cao hơn”, nhà phân tích Goh Han Peng thuộc công ty DMG
& Partners Securities, nhận xét.
Cuộc chiến về giá này đã làm gia tăng giá trị cổ phần mà con rể Charoen
nắm giữ trong APB thêm khoảng 134 triệu USD vì đẩy giá cổ phiếu của
hãng này trên thị trường tăng. Tiền chảy vào túi gia đình này sẽ càng
tăng nếu Heineken tăng giá chào mua hoặc F&N bán lại các bộ phận
khác của công ty này.
Nhà phân tích Gregory Lui của Deutsche Bank ước tính rằng, việc bán APB
với mức giá 50 Đôla Singapore/cổ phiếu có thể đem đến cho F&N và
các cổ đông của công ty này những khoản hời lớn và mức cổ tức đặc biệt
2,71 Đôla Singapore/cổ phiếu. Với cổ phần khoảng 24% trong F&N,
công ty Thai Beverage của Charoen sẽ kiếm được một khoản vào khoảng 742
triệu USD.
Trong cuộc chiến trước đây với hãng bia Đam Mạch Carlsberg, Charoen ban
đầu thậm chí đòi đối thủ này phải bồi thường thiệt hại với số tiền lên
tới 2 tỷ USD. Charoen đòi bồi thường sau khi Carlsberg chấm dứt một
liên doanh với công ty sản xuất bia mà ông kiểm soát.
Gần đây, không chỉ định kiếm tiền từ Tiger, Charoen còn muốn kiếm tiền
từ Bintang, một loại đồ uống bán chạy hàng đầu ở Indonesia. Những nỗ
lực này của Charoen cho thấy sức hút của thị trường Đông Nam Á đối với
các hãng bia.
Trước khi Heineiken chào mua số cổ phần còn lại trong APB, công ty Thai
Beverage của Charoen vào hôm 18/7 vừa qua đã nhất trí mua lại 22% cổ
phần của F&N từ ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp. (OCBC) có
trụ sở ở Singapore. Một số nguồn tin thân cận cho biết, các cuộc đàm
phán giữa Thai Beverage và OCBC được đẩy mạnh trong tháng 7, sau khi
Thai Beverage bày tỏ ý định đầu tư vào F&N từ hơn 1 năm trước.
Cũng vào ngày 18/7, Kindest Place Groups, một công ty nằm dưới quyền
kiểm soát của con rể Charoen là Chotiphat Bijananda đã nhất trí với
OCBC thâu tóm cổ phần 9% trong APB. Hai ngày sau đó, Heineken đáp trả
bằng lời chào mua 7,5 tỷ Đôla Singapore đối với APB. Tuần trước, Hội
đồng Quản trị F&N đã đề xuất thương vụ này với các cổ đông của
hãng.
Được thành lập vào năm 1931, APB có hơn 40 thương hiệu bia khác nhau,
trong đó có bia Tiger có mặt ở 60 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, APB
cũng phân phối bia Heineken ở nhiều thị trường, từ Indonesia tới Trung
Quốc. Lợi nhuận của APB đã tăng khoảng 19% lên mức 218 triệu Đôla
Singapore trong 6 tháng tính đến hết tháng 3 năm nay.
Tỷ phú Charoen, 68 tuổi, sinh ra và lớn lên ở quận người Hoa ở Bangkok
sau khi cha mẹ ông chuyển tới đây từ Sơn Đầu, Trung Quốc. Hoạt động
kinh doanh của ông trải rộng ở nhiều lĩnh vực, từ đồ uống, tới bảo
hiểm, bất động sản. Dựa trên mức cổ phần 70% mà Charoen nắm giữ trong
công ty Berli Jucker Public Co. và cổ phần 66% của ông trong Thai
Beverage, Bloomberg ước tính giá trị tài sản bằng cổ phiếu của Charoen
vào khoảng 5,9 tỷ USD.
Năm 2011, Thai Beverage đạt doanh thu 132 tỷ Baht, tương đương 4,2 tỷ
USD, trong đó chỉ có 3,7% là doanh thu từ thị trường nước ngoài.
Ngoài cổ phần bia ở APB, F&N còn có tài sản trong các mảng đồ uống
nhẹ và bất động sản. Theo giới phân tích, những tài sản này có thể thu
hút sự chú ý của các khách mua tiềm năng khác một khi hãng này bán lại
cổ phần bia. Charoen có thể được lợi từ việc chia tách F&N sau khi
công ty này bán lại cổ phần bia.
“Ngoài việc kiếm được tiền, họ có thể xem xét và có quyền lựa chọn đầu
tiên đối với những tài sản của F&N mà họ muốn mua”, ông Jonathan
Foster, một Giám đốc của công ty đầu tư Religare Capital Markets, phát
biểu.