Tự sự của một người làm PR - Ngày 22
Quan hệ chính phủ ở Việt Nam
Vài năm trước, một khách hàng của chúng tôi nhận được thông tin, Chính phủ đã giao cho Bộ X. thành lập một tổ công tác nhằm chuẩn bị cho việc soạn thảo một điều luật điều phối lĩnh vực kinh doanh của họ tại Việt Nam. Điều luật này, nếu được thông qua, sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thức vận hành và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, họ đã quyết định lựa chọn chúng tôi để tiến hành các hoạt động “gây ảnh hưởng” đến các thành viên của tổ công tác này, mà mục tiêu hàng đầu là cố gắng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tham vấn các công ty kinh doanh trong lĩnh vực mà dự luật sẽ điều phối. Bước đầu tiên mà chúng tôi phải tiến hành là điều tra về từng thành viên trong tổ công tác, nắm rõ quan điểm của từng bộ chủ quản và từng cá nhân tìm ra những người ủng hộ và những người phản đối hoạt động kinh doanh này. Trong quá trình làm việc với các thành viên của tổ công tác, chúng tôi phát hiện trong dự thảo một điều luật cụ thể, mà nếu như được thông qua, có thể đặt dấu chấm hết cho việc kinh doanh của khách hàng chúng tôi. Các cán bộ của tổ công tác không lường hết được tác động của điều luật này và hệ lụy của nó đối với doanh nghiệp, nên chúng tôi phải tổ chức một loạt các cuộc gặp gỡ và giải thích, thậm chí tổ chức các chuyến đi khảo sát ở nước ngoài để tìm hiểu cách thức các quốc gia khu vực quản lý vấn đề này. Sau khi nghiên cứu tỷ mỉ, tổ soạn thảo đã đồng ý sửa đổi điều luật này, đồng nghĩa với việc “cứu” cho một trường hợp phá sản của một hoạt động kinh doanh đang mang lại hàng chục triệu đô-la mỗi năm. Việc phát hiện sớm vấn đề và giải quyết được vấn đề từ cấp chuyên viên đã giúp khách hàng chúng tôi tránh được trường hợp phức tạp, khi dự thảo luật đã được trình cho Bộ Tư pháp hay Quốc hội để đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội.
Ở Việt Nam, quan hệ chính phủ có tầm quan trọng sống còn đối với hoạt động của một công ty hoặc một thương hiệu.
Một khách hàng khác của chúng tôi, công ty B. lại hoạt động trong một lĩnh vực nhạy cảm khác. Điều đáng nói ở đây là, do lo sợ sức mạnh tài chính và kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực hoạt động này, các công ty Việt Nam đã thành lập một “mặt trận thống nhất” và gây sức ép với chính phủ để không cấp phép cho họ hoạt động tại Việt Nam. Các hoạt động quan hệ chính phủ và vận động hành lang của chúng tôi có hai phần: một mặt giải thích cho các công ty Việt Nam khách hàng của chúng tôi không đe dọa thị trường của họ, hãy để kinh nghiệm cùng kỹ năng của họ tạo động lực cho thị trường phát triển, mặt khác giải thích cho chính phủ Việt Nam họ có thể làm gì để phát triển thị trường và phát triển nguồn lực cho Việt Nam. Lãnh đạo chính phủ Việt Nam, sau hàng loạt các cuộc tiếp xúc cấp cao và nhận thức được cam kết phát triển thị trường của họ, đã đồng ý cấp giấy phép hoạt động và sau đó nhiệt tình ủng hộ các kế hoạch kinh doanh của họ tại Việt Nam. Và thực tế đã chứng minh rằng, từ khi có họ tham gia, thị trường Việt Nam đã có một động lực cạnh tranh mới, và “miếng bánh” dành cho các công ty Việt Nam không hề bị thu nhỏ lại.
Còn nhiều những ví dụ khác cho thấy, ở Việt Nam, quan hệ chính phủ có tầm quan trọng sống còn đối với hoạt động của một công ty hoặc một thương hiệu. Với một môi trường pháp lý có thể nói là “hỗn loạn”, khi các điều luật hoặc bị thay đổi liên tục, hoặc được các cơ quan quản lý và điều phối diễn giải và thực hiện theo kiểu “tùy hứng”, thì duy trì quan hệ thân thiện với các cơ quan này là điều mà không một công ty nào dám bỏ qua. Tuy vậy, cũng giống như quan hệ báo chí, nhiều người lầm tưởng các hoạt động quan hệ chính phủ tại Việt Nam chỉ đơn thuần là “biết người cần phải biết, đưa cái cần phải đưa”. Mặc dù Việt Nam xếp hạng thấp trong báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế về hối lộ (năm 2010 đứng thứ 116 trong khi Malaysia đứng thứ 56, còn Phillippines đứng thứ 134), thực tế cho thấy, mục tiêu của phần lớn các doanh nghiệp trong mối quan hệ với các cơ quan chính quyền và quan chức chỉ nhằm đạt được “sự ủng hộ tích cực” hoặc thậm chí thấp hơn (“để yên cho tôi làm ăn”), chứ không nhất thiết phải gây ảnh hưởng tới một quyết sách nào của Chính phủ. Tất nhiên, ngoại trừ những công ty mà nguồn thu trực tiếp chảy vào từ ngân sách chính phủ, những công ty “sân sau” của các quan chức hoặc những công ty làm giầu nhanh chóng từ những hoạt động “quan hệ chính phủ đen”.
Tại Việt Nam, hoạt động vận động hành lang có một tên gọi dân dã hơn là “chạy”- “chạy” dự án, “chạy” giấy phép, “chạy” thuế, “chạy” ưu đãi, “chạy” ngân sách… Tại sao lại gọi là “chạy’? Chúng tôi thường đùa là ngoài xuất phát điểm từ cái từ “chạy chọt” ra, hoạt động này còn phổ biến vì cách làm việc “muốn nhanh thì cứ phải từ từ” của các cơ quan công quyền Việt Nam. Nếu bạn muốn trừng phạt một công ty nào đó, điều dễ dàng nhất bạn có thể làm là không làm gì cả. Mặc dù qui định bạn phải trả lời hồ sơ xin cấp phép trong vòng 30 ngày, nhưng vì đây là qui định “trả lời” nên bạn có thể chỉ ra một lỗi nhỏ (tên gọi không chính xác chẳng hạn) trong hồ sơ và trả lại hồ sơ vào thời điểm cuối cùng trong hạn trả lời. Khi nhận lại hồ sơ, bạn lại chỉ ra một lỗi nữa vào thời điểm chót…cứ như vậy, việc xem xét hồ sơ của bạn có thể kéo dài đến vô tận, nhưng nếu quen biết, bạn chỉ mất 3 ngày cho việc xem xét hồ sơ, còn nếu “biết điều bằng hai người khác”, nhiều lúc bạn có thể nhận giấy phép trong vòng một ngày.
Năm 1997, trong một cuộc tiếp xúc xã giao giữa phái đoàn của tiểu bang Oklahoma với bộ trưởng bộ X. của Việt Nam, tôi được yêu cầu đi ra ngoài để ông ấy có một cuộc nói chuyện riêng với Thượng nghị sĩ Billy Mickle. Tuy vậy, ông Mickle nhất định tôi phải ở lại. Trong cuộc nói chuyện “thân mật và rất riêng” đó, vị bộ trưởng đã “thẳng thắn” đề nghị chính quyền tiểu bang cấp một học bổng học tiến sĩ cho con trai của ông ta, hiện đang theo học thạc sĩ tại một trường đại học ở một tiểu bang bên cạnh. Tôi còn nhớ khuôn mặt sững sờ của TNS Mickle khi ông nghe lời đề nghị đó, và sau đó chúng tôi phải tổ chức ngay một cuộc họp nội bộ để bàn cách từ chối thế nào cho “phải phép” (vấn đề có lẽ không phải vì chúng tôi không cấp được học bổng, mà vấn đề lẽ ra “đề nghị” đó không nên đưa ra một cách công nhiên giữa nửa tá chính trị gia người Mỹ, người nào cũng đang dò xét người kia). Vị bộ trưởng có vẻ cũng không quá phiền lòng vì lời từ chối, qua cách nói chuyện của ông, chúng tôi hiểu được rằng có rất nhiều công ty khác sẵn lòng cấp học bổng đó cho con trai ông ta, và ông chỉ “tiện thể” nêu ý kiến vậy thôi. Không lâu sau đó, tôi biết tin con ông đã ở lại Mỹ để theo học tiến sĩ- chắc chắn do một công ty đa quốc gia nào đó tài trợ. Việc cấp học bổng theo học ở nước ngoài cho con cái của các quan chức chính phủ là một việc thường xuyên xảy ra ở Việt Nam, thường xuyên đến mức, các quan chức rất hồn nhiên cho rằng đó không phải là một hình thức hối lộ, mà chỉ là cái cách các công ty “tỏ lòng thành ý” với họ. Nhận con cái, người thân, họ hàng vào làm việc, trả cho họ những mức lương cao không tưởng hoặc những khoản tiền thưởng cho những dự án mà thực tế chưa bao giờ xảy ra; những khoản cho vay hết sức ưu đãi, tiền chia lãi cho những khoản đầu tư được gợi ý trước…khuôn mặt của những mối “quan hệ chính phủ đen” tại Việt Nam thật thiên hình vạn trạng.
Mặc dù “thị trường ngầm” của quan hệ chính phủ hết sức to lớn, trên thực tế, thị trường chính thức của dịch vụ quan hệ chính phủ ở Việt Nam rất nhỏ bé. Do tính chất tế nhị và “nguy hiểm” của mối quan hệ này, tuyệt đại bộ phận các công ty Việt Nam hoặc sử dụng mối quan hệ sẵn có của chủ sở hữu hay giám đốc doanh nghiệp, hoặc sử dụng những “chuyên gia quan hệ chính phủ độc lập” (tên gọi mỹ miều của các anh “cò chính sách”), chứ ít khi đặt lòng tin vào các công ty quan hệ công chúng. Đối với các công ty đa quốc gia, Điều luật về Chống các hoạt động tham nhũng ở nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act- FCPA), một cơ chế luật cho phép truy tố các công ty vì những hoạt động hối lộ quan chức chính phủ ở nước ngoài, cũng hạn chế đáng kể phạm vi dịch vụ mà họ có thể sử dụng từ một công ty quan hệ công chúng thuê ngoài. Bị ràng buộc bởi FCPA, dường như các công ty Âu Mỹ lép vế hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh của họ đến từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc hay thậm chí Nhật Bản trong việc tranh thủ cảm tình của giới quan chức Việt Nam. Nhưng những vụ hối lộ bị phanh phui gần đây (nghi án Siemens chuyển hàng trăm ngàn đô-la vào tài khoản một quan chức Việt Nam tại Singapore trong những năm 2004-2006, vụ công ty Securency khai đút lót để nhận dự án tiền polymer cho đến vụ án PCI hối lộ cho quan chức của dự án Đông Tây) cho thấy, họ cũng không kém cạnh những người đồng nghiệp của họ nhiều lắm. (còn tiếp)