Tim Cook mãi là cái bóng của Steve Jobs?
Một thời gian ngắn sau khi thay Steve Jobs trở thành Tổng Giám đốc (CEO) của Apple vào tháng 8.2011, Tim Cook đã nói với một người tâm phúc rằng ông thức dậy vào mỗi buổi sáng, luôn tự nhủ với lòng mình: chỉ cần làm điều phải làm và không nghĩ về việc Steve sẽ làm gì.
Nhưng bóng ma của Jobs vẫn cứ lảng vảng ở mọi nơi. Các kênh truyền hình ra rả các bài ca ngợi về những thay đổi thần kỳ mà Jobs đã mang đến cho thế giới. Những cuốn sách về huyền thoại Steve Jobs ra đời. Những buổi lễ tưởng nhớ Steve Jobs được tổ chức long trọng.
Dù đã ra đi nhưng Jobs như thể chưa hề biến mất khỏi cuộc đời này và vẫn tiếp tục ám ảnh chính người kế nhiệm ông - Tim Cook. Có thể thấy, tuy đã cầm cương tại Apple được gần 3 năm nhưng Cook vẫn không thể thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm.
Jobs và Cook: hai thái cực
Jobs là người đã nặn nên hình hài cho Apple từ hơn 1 thập kỷ trước. Thiết kế, phát triển sản phẩm, các chiến lược marketing và các vị trí nhà điều hành được chỉ định – tất cả đều theo “khẩu vị” của Jobs. Mọi quyết định của Cook đều được săm soi bởi các nhân viên và nhà điều hành từng làm hoặc đang làm việc tại Apple, bởi các nhà đầu tư, giới truyền thông và người tiêu dùng của Apple. Trong khi đó, Cook cũng là một nhân vật có tài. Ông là một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm và một nhà quản lý giỏi hơn Jobs. Ông có tính tổ chức cao và rất thực tế trong việc điều hành một công ty có quy mô tầm cỡ như Apple.
Thế nhưng, dù làm gì, Cook vẫn không thể qua được cái bóng của Jobs, nhất là khi ông lại là một thái cực hoàn toàn ngược lại: Jobs là một người lý tưởng hóa với những tầm nhìn lớn, trong khi Cook lại rất thực tế. Nhiều người cho rằng vì không có được tầm nhìn như Jobs, nên Cook khó có thể xây dựng và phát triển Apple như cách Jobs đã làm. Họ càng hoài nghi hơn bởi một thực tế: không ai biết Cook là ai cả. Thực vậy, vị CEO đương nhiệm của Apple là một sự bí ẩn. Một số người đồng nghiệp gọi ông là một tấm bảng trắng. Cook không có bạn thân thiết, không giao du ngoài xã hội và hiếm khi nào mở miệng nói về cuộc sống cá nhân.
Triều đại Apple dưới thời Jobs được ví như một tàu lượn siêu tốc khi Jobs luôn thúc mọi người phải “vắt giò lên cổ mà chạy”. Nhưng dưới thời của Cook thì lại rất trật tự và kỷ luật. Cook hiểu rõ mọi bước của quy trình hoạt động. Các cuộc họp mặt hằng tuần có thể kéo dài từ 5-6 giờ đồng hồ cho đến khi ông giải quyết xong từng vấn đề một. Mọi chi tiết, con số đều được ông xem xét rất kỹ lưỡng. Ông đặt các câu hỏi cho cấp dưới cho đến khi nào thỏa mãn mới thôi.
Không chỉ trong công việc, Cook còn nghiêm khắc cả trong cuộc sống của mình. Ông thức dậy lúc 4h30 hoặc 5h sáng và tập thể dục nhiều lần trong một tuần. Sức cày của ông có thể nói là hơn người. Ông có thể bay sang châu Á, làm việc suốt 3 ngày liên tục rồi bay về, xuống sân bay lúc 7h sáng và có mặt ở văn phòng lúc 8h30, lại truy vấn ai đó về các báo cáo, số liệu.
Apple khi không có Jobs
Sau khi Jobs mất, nhiều nhân viên tỏ ra lo lắng. Nhân viên thuộc các bộ phận không liên quan gì đến Cook lo ngại công việc của họ có thể sẽ bị thay đổi. Còn những người đã làm việc với ông và quen với cách quản lý nghiêm khắc của ông thì lại lo rằng môi trường làm việc sẽ càng khắt khe hơn.
Hiểu rõ điều này, vào tháng 8.2011, vài tháng trước khi Jobs mất, Cook đã gửi email đầu tiên đến cho nhân viên trên cương vị CEO. “Tôi muốn mọi người tự tin rằng Apple sẽ không thay đổi. Steve đã xây dựng một công ty và một văn hóa mà không giống bất cứ công ty nào trên thế giới và chúng ta sẽ vẫn giữ như thế”, ông trấn an.
Trong những ngày đầu tiên giữ vị trí CEO, ông đã thực hiện 2 bước đi quan trọng. Đầu tiên, ông đề bạt Eddy Cue, Phó Chủ tịch phụ trách dịch vụ internet vốn được lòng nhiều người ở Apple. Cue là người thân cận bên Jobs, quản lý nhóm iTunes và sau đó là tất cả dịch vụ internet của Apple. Cue cũng là người dàn xếp các thương vụ cho Jobs, thương thảo với các hãng thu âm, hãng phim, nhà xuất bản sách và các công ty truyền thông. Việc Cook đưa Cue lên vị trí Phó Chủ tịch cấp cao đã khiến người trong công ty cũng như bên ngoài vô cùng phấn chấn.
Quyết định thứ hai của Cook là thực hiện một chương trình từ thiện trong Công ty hằng năm, với các khoản đóng góp có thể lên tới 10.000 USD. Jobs khi còn sống luôn cho rằng các chương trình từ thiện là không hiệu quả bởi vì tiền đóng góp chẳng bao giờ đủ để có thể làm nên sự khác biệt cho cuộc sống của người khác. Jobs từng nói ông đóng góp cho xã hội một cách ý nghĩa hơn bằng việc xây dựng một công ty tốt và tạo ra công ăn việc làm. Trong khi đó, Cook thì tin vào từ thiện. “Mục tiêu của tôi – một ngày nào đó – là hoàn toàn giúp đỡ được những người khác”, ông nói.
Những việc làm trên đã báo hiệu sự thay đổi sang một môi trường bác ái hơn. Mặc dù người bên ngoài vẫn chưa cảm nhận nhiều về nó nhưng nội bộ Apple đã cởi mở hơn. Vị CEO mới giao tiếp với nhân viên thường xuyên hơn. Không giống như Jobs, lúc nào cũng chỉ ăn trưa với nhà thiết kế Jonathan Ive, Cook lại ăn ở căn-tin và tự giới thiệu với những nhân viên mà ông chưa biết và hỏi liệu ông có thể ngồi ăn chung với họ được hay không.
Cook cũng chứng tỏ mình là một CEO có phương pháp và hiệu quả. Không như Jobs, dường như hay quyết định dựa trên linh cảm, bản năng thì Cook yêu cầu phải có các con số cụ thể. Trong khi Jobs đề cao tính cá nhân, Cook lại coi trọng tinh thần đồng đội và sự bình đẳng. Cook cũng rõ ràng và minh bạch hơn đối với các nhà đầu tư.
Nhưng không phải ai cũng đánh giá cao Cook. Những thay đổi mà Cook thực hiện lại bị xem là dấu hiệu cho thấy sự ù lì ngày càng tăng. Những người hoài nghi bắt đầu nghi ngờ về tương lai của Apple đặc biệt là sau sự kiện ra mắt đầy trắc trở của ứng dụng nhận diện giọng nói Siri.
“Không có một nhà lãnh đạo mới có uy tín, Apple sẽ đi từ chỗ là một công ty tuyệt vời xuống thành một công ty tốt mà thôi. Giống như Sony, Polaroid, Apple của năm 1985 và Disney, Apple sẽ trượt dốc và ngày càng đi xuống”, George Colony, Tổng Giám đốc hãng nghiên cứu công nghệ Forrest Research, nhận xét.