Thực phẩm “nội” chen chân vào thị trường thức ăn nhanh
Trong những năm qua, nhiều thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu thế giới đã xâm nhập thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp (DN) nội.
Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng, trước mắt DN “nội” thay vì đối đầu trực diện nên tìm cơ hội hợp tác bằng cách tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu thực phẩm đầu vào cho các hãng thức ăn nhanh.
Bánh mì, tương ớt Việt được chấp nhận
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng việc các DN “ngoại” vào thị trường thức ăn nhanh Việt Nam đã tạo ra sự thúc ép về đổi mới, cải cách, nâng cao môi trường cạnh tranh, sự minh bạch và tính chuẩn mực trong các hoạt động kinh doanh, điều này buộc các DN Việt Nam phải hướng đến các chuẩn mực lớn hơn cho sự cạnh tranh mới. Tuy nhiên, để DN “nội” đủ sức cạnh tranh với DN “ngoại” là điều không dễ dàng do thua cả về thương hiệu, nguồn lực vốn đầu tư, quản trị mạng lưới kinh doanh…
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trước mắt DN “nội” thay vì đối đầu trực diện nên tìm cơ hội hợp tác bằng cách tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu thực phẩm đầu vào cho các hãng thức ăn nhanh. Để làm được như vậy, điều quan trọng là các DN trong nước phải nâng chất lượng sản phẩm và đáp ứng những tiêu chuẩn mà các nhà mua hàng đưa ra.
Thực tế cho thấy, Công ty bánh kẹo Á Châu (ABC) đã biết cách tham gia vào thị trường thức ăn nhanh bằng cách cung ứng bánh mì cho các hãng này. Hiện tại, hầu hết thương hiệu thức ăn nhanh đã vào Việt Nam đều đặt bánh mì tại ABC. Tuy nhiên, theo giám đốc ABC Kao Siêu Lực, do mỗi thương hiệu có một vị bánh khác nhau nên công ty phải đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất với nhiều công thức, bí quyết khác nhau. Chẳng hạn, với hãng McDonald’s, ABC phải chấp nhận đầu tư, nhập dây chuyền sản xuất mới theo tiêu chuẩn của McDonald’s bởi việc cải tiến hệ thống dây chuyền sản xuất, vai trò giám sát trong quá trình sản xuất rất quan trọng. “Ngay như sản phẩm bánh mì, các hãng thức ăn nhanh yêu cầu khá gắt gao về chất lượng, từ độ giòn cho đến quy định chuẩn về độ dày của lớp vỏ bánh”, ông Lực nói. Hiện mỗi ngày ABC cung cấp khoảng 50.000 ổ bánh mì các loại cho các công ty chuyên cung cấp thức ăn nhanh ở Việt Nam.
Tương tự, Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex cũng thâm nhập vào thị trường thức ăn nhanh khi cung cấp tương cà, tương ớt cho hãng Pizza Hut. Thời gian đầu, người tiêu dùng vẫn chưa chấp nhận sản phẩm tương cà, tương ớt của Cholimex do chưa thể thay đổi được khẩu vị. Nhưng đến nay, sản phẩm trên đã không thể thiếu trong mỗi phần ăn của Pizza Hut. Điều này không chỉ giúp cho Cholimex tiêu thụ được hàng số lượng lớn mà còn giúp cho hãng này tiết kiệm chi phí đáng kể khi sử dụng hàng nội.
Mở rộng thị phần cho thực phẩm nội
Nhiều chuyên gia dự báo năm 2014 thị trường thức ăn nhanh sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn. Đáng lo ngại, do tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội trong thức ăn nhanh còn rất thấp nên nếu không có nỗ lực của DN nội thì DN “ngoại” sẽ lấn sân. Điển hình như McDonald’s, các nguyên liệu sử dụng cho sản phẩm đều được nhập khẩu từ hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu với 100% thịt bò nhập khẩu từ Úc, trong khi thịt heo và khoai tây chiên nhập về từ Mỹ. Với Dunkin’ Donuts, thời gian đầu, 80% các loại nguyên liệu làm bánh cũng sẽ được nhập khẩu. Còn KFC, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa chỉ khoảng 30%.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, về lâu dài, các hãng thức ăn nhanh của nước ngoài sẽ tăng sử dụng nguồn nguyên liệu tại Việt Nam. Vì thế, DN “nội” phải thay đổi tư duy, cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm… để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các hãng này. DN trong nước vẫn có cơ hội chen chân vào thị trường thức ăn nhanh. Tuy nhiên, điểm yếu của DN “nội” hiện nay là thiếu vốn để đầu tư. Theo ông Hưng, DN nên mạnh dạn vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ, bởi hiện nay, UBND TP Hồ Chí Minh đang khuyến khích các ngân hàng cho vay không giới hạn thuộc 2 lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ với lãi suất ưu đãi thấp nhất.
“Có thể thấy, ABC là một điển hình khi vay vốn thông qua chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để đổi mới công nghệ sản xuất bánh, đáp ứng yêu cầu của hãng McDonald’s. Nếu DN không vay lúc này thì sau này sẽ đánh mất cơ hội, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết, DN “nội” sẽ càng khó có cơ hội cạnh tranh hơn”, ông Hưng nói.
Trong một nghiên cứu công bố tháng 11/2012, hãng tham vấn thị trường Euromonitor International đã thẩm định rất lạc quan về đà tăng trưởng của thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam: lên đến 26% vào năm 2011 với trị giá trên 500 triệu USD và sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ 15% trong năm 2014. Hiện các thương hiệu thức ăn nhanh “ngoại” đã vào và một số đã có chỗ đứng khá tốt tại thị trường Việt Nam như: KFC, Lotteria, Burger King, Subway, Jollibee, Pizza Hut, Domino’s Pizza, McDonald’s… Trong đó, Lotteria (Hàn Quốc) được coi là “anh cả” với hơn 160 cửa hàng, theo sau là KFC (Mỹ) đã mở 140 cửa hàng và đứng thứ 3 là Jollibee (Philippines) với hơn 30 cửa hàng. Burger King dù chỉ mới vào Việt Nam từ cuối năm 2012, nhưng thương hiệu này đến nay đã có gần 20 cửa hàng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Sau Burger King, Subway cũng ráo riết đầu tư hệ thống cửa tiệm, định vị thương hiệu bằng sản phẩm sandwich tươi.