Các doanh nghiệp sữa có bắt tay làm giá?
Việc có hay không các hãng sữa “bắt tay” làm giá, vi phạm về giá… cần phải chờ kết luận của thanh tra, song có một thực tế rất rõ ràng là cách quản lý mặt hàng sữa hiện nay của các Bộ, ngành vẫn còn rất lỏng lẻo.
Liệu việc thanh tra, kiểm tra 5 “ông lớn” sữa có giúp giá thị trường sữa ổn định?
Gần như ngay lập tức, sau khi yêu cầu của Thủ tướng được đưa ra, cả Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính và các Bộ, ngành liên quan đã khẩn trương họp và đưa ra kế hoạch điều tra 5 DN sữa gồm: Cty Mead Johnson, Cty Nestlle VN, Cty Sữa VN Vinamilk, Cty TNHH Frieslandcampina VN, Cty CP Dinh dưỡng 3A (phân phối sản phẩm sữa Abbot).
Nghi vấn “bắt tay” tăng giá
Trong lúc chờ kết luận của thanh tra, dư luận đã và đang đặt ra nghi vấn số 1 là các DN này đang bắt tay để cùng nâng giá sữa. Điều này không phải không có cơ sở khi chỉ trong một thời gian rất ngắn, các hãng sữa cùng đồng loạt tăng giá “chóng mặt” khiến người tiêu dùng không khỏi lao đao. Cụ thể, hãng Nestle tăng ngày 31/1, Mead Johnson và Vinamilk tăng ngày 12/2, FrieslandCampina tăng ngày 25/2...
Ngay bản thân Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân cũng đưa ra nghi vấn các đơn vị liên kết để tăng giá. “Trước đây dư luận đã đề cập 3 DN viễn thông lớn tăng cước 3G cùng thời điểm liệu có vi phạm luật cạnh tranh không? Lần này thì đến các DN sữa, chỉ trong một thời gian ngắn các DN sữa lớn như: Mead Johnson, Vinamilk, Nestle, FrieslandCampina đều tăng giá” - ông Nhân băn khoăn.
Mặc dù, các hãng sữa trong diện điều tra đợt này đều lên tiếng phủ nhận việc bắt tay tăng giá và biện minh rằng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cũng như thay đổi các chương trình khuyến mãi là nguyên nhân chính khiến giá sữa buộc phải tăng, nhưng các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, hoàn toàn có cơ sở để thấy rằng có dấu hiệu thỏa thuận tăng giá, hay lách luật của các hãng.
Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nghi vấn, nếu lấy lý do sữa nguyên liệu tăng giá để đẩy giá thành lên thì các DN giải thích sao với việc trước đây, nhiều thời điểm giá nguyên liệu giảm mà giá bán ra không hạ? “Đây là biểu hiện của sự thiếu minh bạch và có dấu hiệu độc quyền”- ông Phú khẳng định.
Dư luận không khỏi lo lắng về khả năng kịch bản” 3G lặp lại với sữa.
Theo ông Phú, chiểu theo Nghị định 109, DN sữa tự ý tăng giá trong khi chưa giải trình xong là dấu hiệu vi phạm về giá. Nghị định này cũng cho phép xử lý các DN có hành vi tự ý nâng giá bán trong thời gian phải giải trình theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
Tiên trách kỷ...
Việc có hay không các hãng sữa “bắt tay” làm giá, vi phạm về giá… cần phải chờ kết luận của thanh tra, song có một thực tế rất rõ ràng là cách quản lý mặt hàng sữa hiện nay của các Bộ, ngành vẫn còn rất lỏng lẻo.
Ngay việc phân công quản lý mặt hãng sữa hiện nay được các chuyên gia cho rằng chưa hợp lý. Cụ thể, giá hay quản lý giá đều gắn liền với quản lý thị trường… nhưng trên thực tế hiện nay, quản lý thị trường là thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương, trong khi giá cả lại thuộc quản lý của Bộ Tài chính. Trong khi lẽ ra hai vấn đề này cần phải được quản lý bởi một bộ phận, một cơ quan, thì thực tế hiện nay nó lại nằm ở hai Bộ khác nhau. Và điều đương nhiên là khi xảy ra vấn đề gì liên quan sẽ rất khó tránh khỏi việc các Bộ “đá” cho nhau “quả bóng” trách nhiệm.
Hay như chuyện năm ngoái, theo quy định của Bộ Y tế, sữa bị đổi tên và không còn gọi là sữa, nó chỉ là sản phẩm dinh dưỡng, và "sữa" không thuộc danh mục hàng cần bình ổn. Và đương nhiên, các DN không phải kê khai giá sữa với Bộ Tài chính, Bộ này cũng bị gián đoạn việc kiểm soát một thời gian. Do vậy, giá sữa đã “phi mã” 3-4 lần trong thời gian chưa đầy một năm. Và chỉ đến khi có yêu cầu của Thủ tướng, sữa mới trở lại tên gọi cũ, và giá sữa quay về tiếp tục thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính từ đầu tháng 11/2013.
Trong khi đó, Thông tư 30 quy định danh mục sữa vào diện hàng bình ổn và quản lý giá cũng mới chỉ yêu cầu các DN kê khai giá, nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Còn Luật giá hiện đang cho phép các DN sữa được tăng giá từ 15 - 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các DN sữa vẫn có thể thoải mái tăng giá vài lần trong năm, mà không sai luật.
Một vài ví dụ để cho thấy, việc quản lý mặt hàng sữa hiện nay vẫn chưa hợp lý. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến các hãng lớn, có hàng trăm năm kinh nghiệm và có các chuyên gia tư vấn pháp lý hàng đầu tư vấn lách luật để thực hiện mục đích tăng giá hay thậm chí là chuyển giá.
Và, cho dù các Bộ, ngành liên quan đang phái người đi thanh tra, kiểm tra các DN, song dư luận cũng không khỏi lo lắng về khả năng “trăm dâu lại đổ đầu… người tiêu dùng” - giống như câu chuyện 3G lình xình hồi cuối năm ngoái, sau kết luận của thanh tra, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận giá mà các DN này đưa ra...
Giá sữa và nỗi lo “3G”...
Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra làm rõ nguyên nhân việc một số hãng sữa cùng tăng giá và xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật nếu vi phạm đã khiến cho các cơ quan quản lý như đang ngồi trên lửa...
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Có thể áp dụng giá trần
Trước thông tin báo chí và dư luận và chỉ đạo Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp Bộ công thương và thống nhất: Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về giá, diễn biến thị trường và dấu hiệu vi phạm của DN kê khai giá sữa: MeadJohnson từ tháng 12/2013, Nestle từ tháng 1/2014, Vinamilk từ tháng 2/2014, Frieslandcampina VN từ tháng 2/2014, Cty CP dinh dưỡng 3A từ tháng 3/2014.
Chúng tôi nêu ra hiện tượng dấu hiệu như vậy và vẫn khẳng định, việc quản lý vẫn “bám” theo văn bản cao nhất là Luật giá, các nghị định 177 năm 2004, nghị định xử phạt về giá năm 2013 và chúng tôi vẫn đề nghị phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của Luật. Nhà nước vẫn tôn trọng quyền tự định giá của Luật và điều tiết khi cần thiết, nếu như các DN vi phạm luật sẽ bị xử lý nghiêm.
Quan điểm của Bộ Tài chính là quyết liệt làm đến nơi đến chốn việc tăng giá sữa. Quan trọng nhất là cơ quan quản lý phải công khai thông tin về giá để người tiêu dùng biết giá bán buôn và giá bán lẻ như thế nào; Thứ hai, các thông tin giá sữa được công khai giúp cơ quan quản lý thị trường, thuế... sẽ thanh tra, kiểm tra. Họ có thể yêu cầu các đại lý, cửa hàng bán sữa giải thích tại sao giá sữa mặt hàng này lại tăng cao như vậy. Trường hợp nào giải trình không hợp lý thì có thể bị xử phạt theo đúng quy định.
Thực tế, kinh doanh sữa hiện nay ở VN vẫn theo kiểu mua đứt bán đoạn. Các đại lý, cửa hàng phải lo về vốn nên họ có quyền và chịu trách nhiệm với giá bán lẻ. Thêm nữa, các DN sản xuất kinh doanh sữa đều không phải là DN nhà nước. Do đó, việc Nhà nước buộc DN chịu trách nhiệm đến cùng giá sản phẩm của mình là rất khó.
Chúng tôi đang nắm bắt tình hình, các thông tin liên quan, không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để công bố các biện pháp bình ổn giá. Trong đó, chúng tôi đang tính tới việc áp dụng giá trần trong mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế: Chế tài chưa đủ mạnh
Ở đây trách nhiệm quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, DN muốn tăng hay giảm đều phải qua tay cơ quan quản lý giá từ khâu bán buôn đến bán lẻ. Có một thực tế, thời gian qua giá sữa không có chế tài nào đủ mạnh để DN sợ, họ vẫn cứ tăng dù bị cơ quan quản lý “tuýt còi”. Cơ quan quản lý buông lỏng nên mới để xảy ra tình trạng loạn giá sữa. Vì vậy trong thời gian tới, Cục quản lý giá cần phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Công Thương và các bộ nghành liên quan khác siết chặt những quy định hiện hành, xử phạt, khống chế triệt để hành vi phạm quy định quảng cáo, liên kết tăng giá; Thu thập những căn cứ để xem xét việc các DN có dấu hiệu bắt tay nhau tăng giá, nếu có cần xử lý nghiêm. Các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá tại các cơ sở đại lý, nếu có dấu hiệu đầu cơ nâng giá bất hợp lý sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo pháp luật. Kiểm tra công tác đăng ký giá, kê khai giá và thực hiện giá bán theo giá đăng ký. Phải xem xét việc tăng giá đột biến có hợp lý không? Cơ quan chức năng phải thường xuyên có số liệu đối chiếu giá nhập khẩu, qua đó sẽ là căn cứ để kiểm soát giá đăng kí.
Vì lý do bí mật kinh doanh, bảng tính giá chưa bao giờ công khai để người tiêu dùng được biết chi phí, giá thành thực tế và mức hoa hồng cho đại lý hay lợi nhuận mà DN đang hưởng. Do vậy, cần công khai bảng tính giá để người tiêu dùng giám sát, cần tập trung tìm biện pháp tiết giảm ở khâu chi phí chiết khấu giữa DN và đại lý cho hợp lý. Các DN phải cắt bớt các khâu trung gian, các khâu không cần thiết để ổn định mức chiết kkhấu. Cơ quan tài chính sẽ quản lý và kiểm tra các mức chiết khấu cho đại lý.
Đã xác định đưa vào quản lý giá thì cần phải có sự phối hợp giữa thương vụ, hải quan, tài chính, y tế, công thương… để làm tốt việc kiểm soát giá sữa. Tôi đơn cử như Trung Quốc, sau khi phát hiện các hãng sữa như: Mead Johnson, Abbott, Dumex, Friesland, Fonterra, Biostime có dấu hiệu thao túng giá họ đã phạt các DN tổng cộng lên tới 108 triệu USD. Đòn phạt này khá mạnh tay khiến giới DN phải điều chỉnh giá bán ngay tức thì.