Tự sự của một người làm PR - Ngày 18

Chân dung phóng viên Việt Nam

“Mày hay thêu dệt, hay làm to chuyện, hay bé xé ra to, hay điêu toa, thế thì sao không đi mà làm nghề viết báo, thành ra nữ sĩ cho nó hợp với tính tình một thể” (Vũ Trọng Phụng - Phân bua)

Mặc dù thời gian thực tập của tôi ở Thông tấn xã Việt Nam rất ngắn ngủi, nhưng những trải nghiệm ở đó đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng hiểu biết của chúng tôi về các nhà báo của Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam có thể được coi là một nhà ga lớn đối với các phóng viên, và nếu anh có đủ thời gian và đủ kiên nhẫn ngồi quan sát, anh có thể tiếp xúc và gặp gỡ với đủ loại nhà báo. Chúng tôi có những phóng viên chuyên trách, những người được biệt phái tháp tùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước (Thủ tướng Chính phủ, Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước) để đưa tin. Dựa vào mối quan hệ thân tình mà họ xây dựng được với lãnh đạo, họ có thể tự tạo ra một vương quốc riêng, vương quốc mà đôi lúc, đến Tổng giám đốc của Thông tấn xã cũng ngại động chạm vào. Chúng tôi có phóng viên biệt phái làm việc tại các phân xã khác nhau trên toàn thế giới, những người mà, trừ một số lượng ít ỏi thông thạo ngôn ngữ bản địa và tích cực tìm kiếm tin tức, còn tuyệt đại bộ phận chỉ lo kéo dài thời gian làm việc của mình ở nước ngoài, không bao giờ rời bàn làm việc của họ tại phân xã, kết cuộc là chỉ đưa được về nước những tin họ đọc được trên báo chí sở tại (đó là lý do tại sao ban Tin thế giới của chúng tôi lại lệ thuộc đến vậy vào tin của các hãng thông tấn nước ngoài). Chúng tôi có phóng viên ban Tin trong nước, những người thường rất quan cách khi xuống làm tin ở cơ sở, nhưng khi ra về lại không quên gợi ý một chút “đặc sản địa phương”. Chúng tôi có những phóng viên quèn như tôi ở ban Tin thế giới, làm một “nhà báo tin telex” (sau này được gọi là “nhà báo Internet”), Tự sự của một người làm PR - Ngày 18ngày ngày mài đũng quần dịch tin tức khắp nơi gửi về và mơ mộng “một suất phân xã” để được ra nước ngoài (đó là lý do tại sao hiện nay, các phóng viên ban Quốc tế ở tất cả các tờ báo lại thường bị xem nhẹ nhất, trái ngược với báo chí nước ngoài, nơi tin tức quốc tế thường được giao vào tay những phóng viên giỏi nhất, kinh nghiệm nhất). Tuy vậy, chúng tôi cũng có cả những nhà báo lão luyện trong nghề, hiểu biết sâu sắc về các vấn đề chính trị, kinh tế hay văn hóa, những người gây được ảnh hưởng mạnh mẽ đến các phóng viên trẻ như chúng tôi thời kỳ đó.

Vậy đâu là những chân dung tiêu biểu của phóng viên Việt Nam, và họ có những điểm gì khác biệt so với phóng viên ở phần còn lại của thế giới? Để hiểu rõ hơn về các chân dung này, chúng tôi cũng thực hiện phân nhóm các cơ quan báo chí theo tiêu chuẩn riêng của công ty quan hệ công chúng. Đối với chúng tôi, báo chí nhóm một là nhóm báo chí có tác động mạnh đến nhóm đối tượng mà chúng tôi nhắm tới, nhưng cực kỳ kén chọn trong nội dung mà họ lựa chọn đăng tải. Báo chí nhóm hai là nhóm báo chí có tác động tương đối tốt đến nhóm đối tượng mà chúng tôi nhắm tới, và khá “dễ tính” trong việc lựa chọn nội dung đăng tải. Báo chí nhóm ba là nhóm báo chí dành cho quảng đại quần chúng, không kén chọn nội dung nhưng không hẳn hướng tới nhóm đối tượng riêng biệt mà chúng tôi mong muốn tác động. Báo chí nhóm bốn là nhóm báo chí dành cho nhóm đối tượng riêng biệt của chúng tôi, nhưng rất “thương mại hóa” và chịu ảnh hưởng và áp lực của phòng tiếp thị và bán hàng của tờ báo.

Khi vợ tôi tham gia phim Nghề báo của đạo diễn Phi Tiến Sơn trong vai nữ nhà báo Thúy Bình, tôi rất thú vị với nhân vật Phan Sinh, và trong các giờ lên lớp về quan hệ báo chí, tôi thường lấy anh ta ra như một chân dung tiêu biểu cho một dạng phóng viên đặc thù của giới nhà báo Việt Nam. Phan Sinh là một dạng “anh hai” (hay “chị hai”) trong giới báo chí, thường có thâm niên làm việc lâu dài ở một trong những tờ báo nhóm một hoặc nhóm hai (thuộc các cơ quan trung ương, tổ chức Đảng hay tổ chức chính trị xã hội cấp Trung ương). Phan Sinh có mối quan hệ rất rộng rãi trong giới báo chí, có uy tín với đồng nghiệp. Anh ta sở hữu nhiều nguồn tin ở hầu hết các cấp chính quyền, có mối liên hệ chặt chẽ với giới doanh nghiệp. Cho dù không giữ một chức vụ quản lý thực thụ nào, Phan Sinh có ảnh hưởng rất mạnh ở tờ báo mà anh ta làm việc, và các nhà báo trẻ thường hỏi ý kiến của anh ta trước khi tiến hành các phóng sự điều tra hay bắt tay vào một đề tài hóc búa.

Tự sự của một người làm PR - Ngày 18

Những người như Phan Sinh, dù ít khi tốt nghiệp đại học báo chí, thường trưởng thành từ kinh nghiệm “chiến đấu” trong môi trường thực tế, nên đừng bao giờ tìm cách “dạy khôn” anh ta phải viết một bài báo như thế nào. Anh ta cũng rất nhạy cảm với cảm giác “bị sử dụng” nếu như bạn tìm cách gây ảnh hưởng tới cách xây dựng chủ đề cho bài viết của anh ta. Hơn nữa, Phan Sinh cũng rất ít khi viết bài- anh ta cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm thông tin, đánh giá và suy xét về tác động của bài báo. Đừng bao giờ chờ đợi anh ta ở các cuộc họp báo hay phỏng vấn- trừ khi anh ta muốn phỏng vấn cụ thể một ai đó. Hơn nữa, ngoại ngữ thông thường là một rào cản đối với những người như Phan Sinh, nên anh ta cũng không hào hứng lắm trong việc tiếp xúc với người nước ngoài. Cho nên, đối với các công ty quan hệ công chúng, vai trò của Phan Sinh có tác dụng tốt hơn cả nếu bạn coi anh ta là một nhà tư vấn về quan hệ báo chí, người sẽ nói cho bạn biết những vấn đề nóng hổi của làng báo Việt Nam, giải thích cho bạn cặn kẽ về lý do, nguồn gốc của các bài viết, giới thiệu và làm trung gian cho bạn với những nhà báo khác, cho bạn biết những thông tin cặn kẽ nhất về các nhà báo mà bạn quan tâm, và đôi khi, tạo cả cầu nối cho bạn với các quan chức hay giới doanh nghiệp.

Thúy Bình, vai vợ tôi đóng, là điển hình của những cây bút mà chúng tôi gọi đùa là “búa máy”- phóng viên chủ lực của một tờ báo. Dưới áp lực của khối lượng bài viết mà mình phụ trách, Thúy Bình không quá kén chọn đối với đề tài (chị có thể vừa viết về hàng không hôm nay mà cũng có thể viết về du lịch ngày mai, còn ngày kia, chị sẽ tham dự một hội thảo về phát triển công nghệ thép ở Việt Nam), cho nên, đối với chị, thông tin từ các thông cáo báo chí, các cuộc họp báo, phỏng vấn chung thường khá hữu ích. Có thể chất lượng của bài viết không quá cao- xét cho cùng, cái chị mong muốn là đem được thông tin đến cho người đọc chứ không phải thay đổi một chính sách nào-nhưng tốc độ viết bài của chị lại rất nhanh chóng. Thúy Bình thường được đào tạo tại khoa báo chí hay một khoa khoa học xã hội của trường đại học khoa học xã hội nhân văn hay học viện báo chí tuyên truyền- nên đừng ngạc nhiên về kiến thức thiếu đầy đủ của chị về vấn đề mà chị đang viết.Tự sự của một người làm PR - Ngày 18 Cho dù luôn tỏ ra hiểu rõ vấn đề đang đề cập, chị thấu hiểu lỗ hổng kiến thức của mình và thầm lặng học hỏi, cho nên, hãy giúp đỡ chị làm điều đó một cách không lộ liễu. Thúy Bình luôn luôn làm việc dưới áp lực- áp lực đảm bảo số lượng bài viết cho tờ báo, áp lực từ các đồng nghiệp trong cùng tòa soạn, áp lực của cân bằng công việc mệt mỏi với những gánh nặng gia đình, cho nên, phải làm việc với chị một cách gượng nhẹ và bỏ qua cho chị nếu chị nhận điện thoại di động giữa một cuộc phỏng vấn, ra về sớm trước khi cuộc họp báo kết thúc hay biến mất mặc dù hứa chắc chắn mình sẽ tới dự một sự kiện báo chí. Nói cho cùng, chị là đồng minh tốt nhất của các công ty quan hệ công chúng!

Đỗ Hòa, một nhân vật khác trong phim, là điển hình của dạng chân dung nhà báo thứ ba. Đây là những nhà báo trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong làng báo. Họ thường có ý thức rất rõ về quyền lực của mình, nhưng ý thức về trách nhiệm của người làm báo lại không cao. Đỗ Hòa rất tích cực tìm kiếm thông tin, đặc biệt là những thông tin có ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp. Anh ta thường thích làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và không thích các công ty quan hệ công chúng, vì cho rằng họ lợi dụng quan hệ với anh ta. Khi làm việc với các doanh nghiệp hoặc các công ty quan hệ công chúng, mối quan tâm hàng đầu của anh ta không phải thông tin mà là doanh nghiệp sẽ trả được cho anh ta bao nhiêu tiền- cho nên đừng bao giờ ngạc nhiên nếu cuối buổi phỏng vấn anh ta đưa ra đề nghị bạn nên mua bao nhiêu trang quảng cáo ở tờ báo của anh ta (thực ra, cũng nên thông cảm với áp lực mà Phòng quảng cáo đặt lên vai anh ta trong vai trò hai mặt- vừa là phóng viên vừa là người tiếp thị quảng cáo). Đây là dạng nhà báo mà, nói thực, tất cả các công ty quan hệ công chúng đều muốn tránh xa.

Nguồn Ogilvy T&A