Một Google khác
Sáng tạo không ở đâu xa mà bắt đầu từ chính nhu cầu thực tế của người nông dân như câu chuyện làm máy nông nghiệp của ông Tư Hùng. Google đang lên kế hoạch để phát triển các mảng sản phẩm mà ít ai ngờ tới, từ robot, ôtô cho đến thiết bị đun nóng trong nhà…
Không lâu sau khi quay trở lại chiếc ghế Tổng Giám đốc (CEO) vào năm 2011, Larry Page tuyên bố ông muốn Google phát triển nhiều dịch vụ hơn để ai cũng sẽ sử dụng ít nhất 2 lần mỗi ngày, giống như sử dụng… bàn chải đánh răng. Động cơ tìm kiếm và hệ điều hành di động Android của Google đã khẳng định tuyên bố của ông.
Tầm nhìn “bàn chải đánh răng”
Giờ đây, với những thương vụ M&A, Google lại lên kế hoạch trở thành một gã khổng lồ trong lĩnh vực phần cứng như đã thành công với lĩnh vực phần mềm. Mục tiêu của công ty là phát triển các sản phẩm kiểu “bàn chải đánh răng” trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ robot, ôtô cho đến thiết bị gia dụng. Động thái táo bạo nhất của Google trong lĩnh vực phần cứng cho đến nay là việc họ ra giá tới 12,5 tỉ USD để mua lại Motorola Mobility, một nhà sản xuất thiết bị di động, vào năm 2011. Trong những tháng gần đây, Google đã thâu tóm các công ty trong lĩnh vực robot, đáng chú ý nhất là Boston Dynamics, chuyên sản xuất robot biết đi biết chạy 2 chân và 4 chân với các tên gọi như BigDog và Cheetah. Các kỹ sư của Google cũng đang rất bận rộn với dự án phát triển xe ô tô không người lái và các thiết bị gọn nhẹ có thể mang trên người như kính thông minh Google Glass. Còn thương vụ mua lại gần đây nhất là hồi giữa tháng 1 vừa rồi, Google cho biết sẽ trả 3,2 tỉ USD bằng tiền mặt để mua lại Nest Labs, một nhà sản xuất bộ điều chỉnh nhiệt và bộ cảm biến dò khói.
Kế hoạch đại kết nối
Tại sao gần đây Google lại có hứng thú mua lại các công ty phần cứng? Không chỉ có vậy, Google – với lượng tiền mặt dồi dào đang nắm giữ lên tới khoảng 57 tỉ USD – còn sẵn sàng trả giá cao để thâu tóm những công ty khác. Trường hợp của Nest Labs là một ví dụ. Nhiều người đã “choáng” khi ngân hàng Mỹ Morgan Stanley cho rằng, mức giá Google bỏ ra để mua lại Nest cao gấp… 10 lần doanh thu hằng năm (ước tính) của doanh nghiệp này. Vì cớ gì Google lại hào phóng mua lại một công ty mới thành lập chuyên sản xuất những thứ nhạt nhẽo như bộ điều chỉnh nhiệt? Tất cả đều có lý do.
Paul Saffo, chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu Discern Analytics cho rằng, Google rất giỏi kiếm tiền từ khối lượng dữ liệu mà mọi người tạo ra dưới dạng các câu lệnh tìm kiếm, email… khi họ nhập vào máy tính. Google đang thu thập dữ liệu từ điện thoại thông minh và các máy tính bảng nhờ vào sự thành công của hệ điều hành Android và các ứng dụng như Google Maps. Để khối lượng dữ liệu tiếp tục tăng lên, nghĩa là tiền vào túi sẽ nhiều hơn, Google cần có trong tay nhiều thiết bị hơn nhằm thỏa mãn cơn khát dữ liệu của mình. Nhờ được trang bị các cảm biến và phần mềm giúp phát hiện trong nhà đang không có người và tắt hệ thống sưởi, các bộ điều chỉnh nhiệt được kết nối internet của Nest đã tạo ra một lượng lớn dữ liệu mà công ty có thể thu thập được.
Tony Fadell, ông chủ của Nest luôn nói Nest có được vị thế tốt để kiếm ra tiền từ mạng lưới các sản phẩm được kết nối internet – một thế giới mà tất cả các thiết bị đều sử dụng các phần mềm, cảm biến và thiết bị kết nối internet không dây để “giao tiếp” với chủ của chúng cũng như “giao tiếp” với nhau. Các hãng công nghệ lớn khác cũng đang gia nhập cuộc chơi nhằm chiếm lĩnh thị trường thiết bị trong nhà có kết nối internet. Tháng 1 vừa qua, Samsung đã công bố một nền tảng máy tính thông minh kết nối với thiết bị trong nhà, cho phép người sử dụng điều khiển máy giặt, tivi và các thiết bị khác mà hãng sản xuất chỉ bằng một ứng dụng duy nhất. Microsoft, Apple và Amazon cũng có tham vọng trở thành người dẫn đầu thị trường này. Trong khi đó, Google đến nay bị xem là một kẻ tụt hậu. “Tôi không nghĩ Google nhận thấy việc kết nối thiết bị qua internet phát triển nhanh đến thế nào”, Tim Bajarin, Chủ tịch hãng tư vấn Creative Strategies nhận xét.
Sẵn sàng “chiến đấu”
Có lẽ đó là lý do chính thúc đẩy Google ra sức thâu tóm các doanh nghiệp phần cứng trong thời gian gần đây. Rõ ràng, mua Nest sẽ cho phép Google rút ngắn đáng kể khoảng cách với các đối thủ. Nó cũng mang đến cho Google một số gương mặt tài năng. Tony Fadell là một trong số đó. Ông là người đã chỉ đạo nhóm kỹ sư phát triển ra chiếc iPod khi còn làm tại Apple. Sở trường của ông là thổi sức sống mới vào những sản phẩm nhạt nhẽo và đó chính là điều Google cần. Với kỹ năng và sự chuyên nghiệp, những người này có thể giúp Google quản trị tốt những doanh nghiệp phần cứng khác mà công ty thâu tóm, như Motorola Mobility.
Sắp tới, thách thức đối với Google sẽ là làm sao đảm bảo các bộ phận mới này hòa hợp với môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp ở một công ty có tới 46.000 nhân viên. Google đã vượt qua thách thức này, bằng chứng là không lâu sau khi quay trở lại giữ chức CEO, Page đã cắt bỏ nhiều dự án khác nhau, thu gọn bộ máy quản lý và ông đã thành công. Sau khi mua lại, Nest sẽ được phép giữ “bản sắc”, các văn phòng của họ và Fadell sẽ báo cáo trực tiếp lên Page. Và để tạo môi trường thuận lợi phát huy tinh thần sáng tạo, Google đã phát triển các dự án phần cứng “trong nhà” như Google Glass, ôtô không người lái… trong phòng thí nghiệm tuyệt mật của mình gọi là Google X. Google cũng sẽ áp dụng điều này với các doanh nghiệp mua lại. Google giao các dự án quan trọng nhất cho những nhà điều hành giỏi và họ được trao toàn quyền để triển khai và giám sát dự án. Chẳng hạn, ông chủ mới của bộ phận robot của Google chính là Andy Rubin, người đã phát triển thành công hệ điều hành di động Android.
Liệu Google có thể xâu chuỗi tất cả các doanh nghiệp mà nó đang phát triển và thâu tóm để trở thành một gã khổng lồ về kỹ thuật có khả năng sinh lợi hơn? Hay họ sẽ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi rót hàng tỉ USD vào việc đi săn doanh nghiệp? Câu hỏi n ày chỉ thời gian mới có thể trả lời.