8 giờ vàng của chuyên gia SEO
Tối Ưu Hóa Công Cụ Tìm Kiếm là một lĩnh vực động, một trong những nghề khiến bạn hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Bạn luôn phải đi đầu trong công việc đang làm giống như một vị tướng chỉ huy. Tại chiến trường này bạn có hàng trăm hàng ngàn website và trang blog cùng nhắm đến các từ khóa mà bạn đang theo đuổi. Nhiều chiến trường khác lại được mở ra bởi ông lớn Google – luôn tỏ ra nghiêm khắc với những thủ thuật mà người làm SEO áp dụng, tiếp đó, bạn phải chạy theo các mạng xã hội khổng lồ, chưa kể đến các chuyên gia SEO khác (hoặc các công ty SEO) luôn theo dõi bạn.
Bạn không thể quay lưng với bất kì chiến tuyến nào, tất cả đều phải được xử lí cùng một lúc, nếu không, bạn sẽ nhanh chóng bị hạ gục bởi một trong các đối thủ. Tất nhiên bạn vẫn có cuộc sống của riêng mình, và không muốn bản thân bị mắc kẹt trong thử thách này để đánh mất sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vì vậy, bạn cần khai thác triệt để giờ làm việc để không còn phải lo lắng về nó khi đã về nhà cùng gia đình hoặc bạn bè. Do đó, hệ thống lại giờ làm việc là một hoạt động rất quan trọng có thể giúp bạn đương đầu với mọi thử thách.
Dưới đây là hệ thống giờ làm việc mà tôi tin rằng hiệu quả nhất. Tất nhiên không phải ai cũng đồng ý, và đó là điều tôi luôn vui vẻ chấp nhận; vui lòng chia sẻ những gì bạn cảm thấy chưa hài lòng hoặc một thời gian biểu làm việc mà bạn cảm thấy hiệu quả hơn trong phần bình luận bên dưới nhé.
1. Đọc để nắm bắt thông tin (9:00 – 10:00)
Đây là việc đầu tiên tôi thực hiện khi bắt đầu ngồi xuống làm việc, xem sơ một số trang blog về SEO, Internet Marketing và các diễn đàn mà tôi đang theo dõi. Nên nhớ, là một chuyên gia SEO, bạn có bổn phận phải luôn đi trước những phát triển hoặc những gì đang xảy ra trong thế giới SEO. Đây là lí do đầu tiên khiến sếp hoặc khách hàng đồng ý trả phí cho bạn. Nói cách khác, bạn không đơn giản xuất hiện chỉ để dọn dẹp những thứ tồn đọng còn sót lại mà nhiệm vụ của bạn là chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận thử thách trước cả khi Google tung ra bản cập nhật mới, bạn nên biết rõ về các thủ thuật xây dựng liên kết trước khi nó phổ biến đại trà và một người nào đó sẽ bắt đầu sử dụng (hoặc lợi dụng) nó. Nói tóm lại, bạn phải luôn trong tư thế hành động nhanh và luôn phải đi trước các đối thủ một bước.
Và điều đó chỉ có thể xảy ra khi bạn dành đủ thời gian nghiên cứu. SEO là một chủ đề khá thú vị, bạn có thể nói hết những kiến thức cơ bản chỉ trong một lần trao đổi, nhưng nếu một người muốn trở thành bậc thầy về SEO, vẫn còn nhiều tài liệu để họ có thể dành cả đời đọc hiểu và học hỏi.
2. Tìm đối tượng liên kết (10:00 -11:30)
Từ việc nhồi nhét từ khóa cho đến việc ưu ái chúng trên mạng xã hội gần đây, mọi thứ đã thay đổi khá nhanh chóng, nhưng duy nhất một điều vẫn không thay đổi chính là tầm quan trọng của backlink. Backlink là yếu tố nòng cốt của một thủ thuật SEO. Tuy nhiên, số lượng không phải là vấn đề trọng yếu nữa, bạn không thể giao phó việc xây dựng liên kết chỉ với việc copy và paste – đó là những người chỉ xây dựng liên kết bằng cách đăng nội dung trên các danh bạ, hoặc xuất bản bài viết hàng loạt. Bạn cần những liên kết tương quan, chất lượng cao, và kĩ thuật xây dựng liên kết này đòi hỏi bạn phải làm việc cho từng liên kết, trong đó, bước đầu tiên chính là: lựa chọn các website mục tiêu.
Nên nhớ rằng một liên kết chất lượng không dễ gì đạt được. Bạn phải đầu tư thời gian, tiền bạc, và công sức mới nhận được các liên kết này, vì vậy, bạn cần cẩn thận lựa chọn đối tượng liên kết để đảm bảo công sức bỏ ra sẽ không lãng phí. Bạn cần quan sát hệ thống web một cách chặt chẽ để có thể nắm lấy cơ hội. Có thể bắt đầu bằng cách phân tích đối thủ, hoặc chỉ cần xem lướt hệ thống web nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào các website tương quan.
3. Xây dựng liên kết (11:30 – 1:00)
Như đã nói ở trên, một liên kết chất lượng sẽ cần nhiều nỗ lực hơn một câu bình luận đơn giản hoặc công việc copy-paste. Tuy nhiên, mỗi website sẽ có một độ khó khác nhau. Nói chung, mức độ khó càng cao, backlink sẽ càng giá trị, nhưng tất nhiên, độ khó này cần phù hợp với các tiêu chí đánh giá khác như DA, PR, và lượt like. Bạn có thể tận dụng các dịch vụ cung cấp bởi những người chuyên viết nội dung để nhờ họ viết guest post, nhờ chuyên viên thiết kế tạo hình đồ họa thông tin, hoặc nhờ lập trình viên tạo widget để thu hút liên kết, tuy nhiên, nhiệm vụ của bạn là chuẩn bị cho phần nội dung và gợi ý đề tài viết bài, các hướng viết bài, thông tin cần cung cấp trong hình đồ họa, tài liệu hướng dẫn, wireframe (bản phác thảo framework của một website), hoặc bất cứ điều gì cần thiết cho công việc.
Và tất nhiên, các nỗ lực xây dựng liên kết của bạn sẽ không giới hạn trong việc viết guest post hay tạo ra mồi câu liên kết. Có ít nhất hàng trăm phương pháp xây dựng liên kết và một chiến lược xây dựng liên kết sẽ được đánh giá là lý tưởng nếu áp dụng hầu hết (không muốn nói là tất cả) các phương pháp này (nếu bạn không thể suy nghĩ xa hơn ngoài những phương pháp đang cố gắng áp dụng, bạn cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc đọc hiểu và nghiên cứu).
4. Giải lao (1:00 – 2:00)
Dù làm gì đi nữa, để có một sức khỏe và tinh thần thoải mái, đừng bao giờ dành khoảng thời gian nghỉ ngơi này để ngồi trước máy tính của bạn nhé.
5. Đào tạo cấp dưới (2:00 – 3:00)
Trừ phi bạn đang làm việc với tư cách là tư vấn SEO hành nghề tự do (chỉ đưa ra lời khuyên thay vì thực hiện công việc), bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ. Bạn sẽ không thể phát triển thành chuyên gia SEO hành nghề tự do hoặc công ty SEO thành công nếu không sẵn sàng giao phó trách nhiệm cho cấp dưới để có nhiều thời gian thực hiện các việc quan trọng khác, như tìm kiếm hoặc thương lượng với khách hàng mới.
SEO liên quan đến nhiều thủ thuật, và một vài trong số chúng không đòi hỏi trình độ chuyên sâu. Hơn nữa, bạn cần đào tạo các trợ lí của mình thành chuyên gia SEO thay vì biến họ thành người phụ tá chỉ đâu làm đấy, để bạn có thể tin cậy vào họ khi đương đầu với giai đoạn khó khăn, hoặc khi bạn không có thời gian hay sức lực phân tích hàng đống dữ liệu nhằm giải mã các thay đổi trong thuật toán. Việc sở hữu một cánh tay phải đắc lực luôn là lợi thế của công việc SEO – một nghề luôn phải giải quyết các công việc tràn ngập, và luôn phải đối mặt với nguy cơ quá tải.
6. Mạng xã hội (3:00 – 4:00)
Một phần khá lớn các webmaster hoặc người làm SEO không thực sự thích thú với các mạng xã hội; tuy nhiên, bạn không thể ngó lơ các platform như Facebook – được cho là có lượng người dùng đâu đó đạt mốc 1 tỉ người, hay YouTube có lượng người sử dụng hơn 800 triệu. Đó là chưa kể đến các nhân vật mới xuất hiện như Pinterest. Đây chỉ là các platform chính thống, vẫn có hàng trăm mạng xã hội chỉ nhắm đến một thị trường cụ thể nào đó, như du lịch, tập thể dục, tiểu thương nghiệp, v.v.
Các lợi ích mà mạng xã hội đem lại sẽ biến đổi khác nhau theo từng doanh nghiệp. Tức là, các doanh nghiệp khác nhau cần áp dụng những phương pháp khác nhau nhằm khai thác triệt để sức mạnh của các platform đó. Không có một phương pháp nào có thể phù hợp cho tất cả mọi người. Vì vậy, bạn cần tham quan các mạng lưới này, phân tích kĩ người dùng, sau đó phác họa ý tưởng tận dụng platform để đem lại lợi ích cho mình mà không trở thành spammer.
7. Webmaster tools & analytics (4:00 – 5:00)
Có rất nhiều thông tin bạn có thể tìm hiểu và cải thiện website, chỉ cần xem xét các thông số thống kê như khách truy cập duy nhất, nguồn gốc lưu lượng truy cập, bounce rate, loại khách truy cập, phân tích xã hội, tỉ lệ chuyển đổi, và lượt like. Bạn sử dụng công cụ nào không quan trọng, luôn có một biển dữ liệu và thông số thống kê có thể giúp bạn đưa ra các quyết định có hiểu biết hơn. Bất cứ một chiến lược Internet Marketing nào không được hỗ trợ bởi những dữ liệu tương quan hoặc thông tin thu được từ những công cụ như Google Analytics sẽ như một mũi tên bắn vào không khí. Hơn nữa, đừng quên thỉnh thoảng truy cập Google Webmaster Tool nhé, đặc biệt là phần Top Search Queries và Errors.