Định nghĩa lại khái niệm về lợi nhuận
Có một cái nhìn hạn chế khi coi "lợi nhuận" là một từ mang ý nghĩa xấu vì cho rằng nhiều doanh nghiệp (DN) theo đuổi mức lợi nhuận cao hơn bằng cách bóc lột người lao động và gây tác động xấu đến xã hội.
Lợi nhuận phải được xem là kết quả từ tài lãnh đạo và sự hợp tác của cả đội nhóm thay vì là một mục tiêu. Bởi vậy, rõ ràng là thật thiếu sáng suốt nếu đơn thuần nhìn vào kết quả giảm sút lợi nhuận và coi đó là dấu hiệu của việc DN đang hoạt động yếu kém thay vì rà soát tất cả các yếu tố khác.
Tuy nhiên, chỉ có một vài công ty đặc biệt trên thế giới đã từng thoát khỏi sự giận dữ của các nhà đầu tư và thay vào đó là có được sự ủng hộ của họ ngay cả khi tỷ suất lợi nhuận đạt được rất thấp. Đáng chú ý nhất trong số đó là Amazon.
Jeff Bezos đã xoay xở để mở rộng dịch vụ của Amazon qua nhiều năm lợi nhuận thấp, nhưng ông cũng đã rất khôn khéo "bán" tầm nhìn của ông về Amazon sẽ chiếm ngự thị trường thương mại điện tử cho các nhà đầu tư.
Nhưng không nhiều lãnh đạo DN có thể đi theo cách thức Jeff Bezos đã làm, bởi vậy các CEO dễ dàng bị nản chí sau 1 năm giảm sút biên lợi nhuận. Điều này vô cùng đáng tiếc bởi trong thực tế, cần thời gian để định hình một tầm nhìn và để các lãnh đạo có thể gây dựng một đội nhóm vĩ đại.
Đây chính là lý do tại sao Michael Dell đã quyết định rút Dell khỏi thị trường chứng khoán để ông có thể tái cấu trúc Dell một cách thầm lặng và dẫn dắt Dell vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Thông qua kinh nghiệm đồng hành trợ giúp các DN vươn lên hình thành thế giới, chúng tôi hiểu ra rằng khi các DN tạo ra 3 hình thức lợi nhuận sau đây, nghĩa là họ đang xây dựng những nền tảng bền vững cho chính mình và có sức mạnh để tái định dạng các ngành công nghiệp cũng như tương lai thế giới:
1. Lợi nhuận có tính chiến lược
Hình thức này có thể định nghĩa là lợi nhuận được tạo ra từ sự đầu tư con người và nguồn lực vào các ngành công nghiệp có khả năng thay đổi cuộc chơi toàn cầu.
Trong khi rà soát hiệu quả hoạt động của các DN, chúng tôi thấy rằng không phải tất cả các lợi nhuận đều bằng nhau và một điều rất quan trọng đó là cần phải nhìn nhận xem DN đang phát triển chiếc bánh lợi nhuận như thế nào xét về các cơ hội mới.
Chúng tôi nhận thấy các DN đơn thuần dựa vào một sản phẩm/dịch vụ truyền thống đem lại lợi nhuận cao và không có động lực tìm kiếm lợi nhuận từ những lĩnh vực mới, họ sẽ bị rơi vào trạng thái không chuẩn bị cho tương lai.
Đây chính là bi kịch đã xảy ra với Nokia và Blackberry khi hai người khổng lồ này ở thời kỳ vàng son của chính mình không chuẩn bị trước cho sự thay đổi của thị trường cũng như trong nhu cầu của người tiêu dùng.
Lợi nhuận có tính chiến lược là lợi nhuận được tạo ra từ sự đầu tư con người và nguồn lực vào các ngành công nghiệp có khả năng thay đổi cuộc chơi toàn cầu.
Mỗi DN cần chú ý xem lợi nhuận của họ đến từ đâu và làm cách nào để thu hút nhân tài tốt nhất để nhận dạng những lĩnh vực tạo ra tăng trưởng và cần có nguyên tắc biến những sự đầu tư này thành những trung tâm tạo ra lợi nhuận.
Một thái cực khác đó là một vài DN lại tỏ ra khá hài lòng rằng họ đã có những nguồn lực đầu tư vào những khía cạnh tăng trưởng mới này, nhưng vẫn chưa thể tạo ra lợi nhuận. Đây là điều nguy hiểm bởi gần như có ý nghĩa rằng DN này không hề đặt thứ tự ưu tiên trong các cấp độ quản trị cấp cao.
Đây chính là xu hướng đang diễn ra ở Google, nếu như quảng cáo trực tuyến không còn hiệu quả, mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh chóng. Bởi vậy, con đường bền vững để đi lên phía trước là: luôn không ngừng tìm kiếm những con đường khác nhau để tăng trưởng lợi nhuận của bạn nhằm đảm bảo tương lai tốt hơn.
2. Lợi nhuận về tinh thần
Có thể định nghĩa đây là khả năng tạo ra ý nghĩa và niềm tin mới nhằm tái định nghĩa những mục tiêu của thời đại. Có thể nói, mọi người tham gia vào kinh doanh để tạo ra lợi nhuận theo một hình thức nào đó. Tuy nhiên, rất ít người có khả năng đúc rút hành động của họ thành một sự kêu gọi thay đổi trong lĩnh vực đang tham gia.
Nhưng những cá nhân không ngừng theo đuổi điều này cuối cùng đã trở thành những người dẫn dắt những ngành công nghiệp họ tham gia. Đây là điều đã diễn ra ở những công ty như Apple hay Amazon, đều coi những hành động của mình như một phần trong cuộc chiến vĩ đại hơn để tái định dạng những thị trường họ đang tham gia.
Apple đã chiến thắng trong việc tái định nghĩa vai trò của chiếc máy tính cá nhân và Amazon đang chiến thắng thông qua việc tái định nghĩa khái niệm về vận chuyển hàng hóa và dịch vụ.
Chỉ cần theo dõi những tuyên bố, những bài phát biểu hay thuyết trình của các DN này trước công chúng, bạn có thể dễ dàng hình dung những lợi ích về mặt tinh thần mà các DN này đang tạo ra cho xã hội.
Hãy chú ý khi họ chia sẻ những quan điểm hay kiến thức chuyên sâu của họ, bạn sẽ thấy họ hiểu rõ nhu cầu đang thay đổi từng giờ của thị trường và vai trò của họ trong việc đáp ứng những nhu cầu này như thế nào.
Sau đó, kết nối tất cả những điều này với sản phẩm, dịch vụ DN họ cung cấp, bạn sẽ thấy rõ những phản ánh về thay đổi trong hướng đi của họ. Cuối cùng hãy nhìn vào lực lượng nhân tài của họ đã phát triển như thế nào để đáp ứng được tầm nhìn được đặt ra bởi người lãnh đạo DN.
Một khi tầm nhìn của tổ chức được gắn với các sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng và có khả năng thu hút những nhân tài phù hợp để tham gia vào mục đích họ đang chiến đấu, nó sẽ châm ngòi cho một làn sóng trong người tiêu dùng cũng như hiệu ứng ủng hộ bởi giới truyền thông vô cùng mạnh mẽ.
3. Lợi nhuận xã hội
Có thể định nghĩa đây là khả năng tạo ra hệ sinh thái gồm những đối tác có thể thu lợi từ chính mô hình kinh doanh của bạn. Bill Gates đã đạt được điều này khi tạo ra nền tảng Windows và Steve Jobs khi tạo ra App Store.
Rất ít DN có thể vươn lên trở thành những người dẫn đầu mà không tạo ra một làn sóng những đối tác và nhà cung cấp mới. Bạn có thể đo lường bao nhiêu lợi nhuận xã hội một DN đang tạo ra bằng cách rà soát xem mô hình kinh doanh của họ có cho phép họ tái định nghĩa mối quan hệ với các đối tác.
Ở một khía cạnh rộng hơn, việc tạo ra lợi ích xét về thị phần không phải là điều quan trọng, mà việc tạo ra hình thức lợi nhuận cuối cùng sẽ tạo ra sáng tạo tốt hơn cho một xã hội tốt đẹp hơn và tạo ra cơ hội cho mọi người thành công, sẽ giúp củng cố sự trường tồn cho tổ chức của bạn.
Ba hình thức lợi nhuận này, khi được coi là một bộ công cụ đo lường tổng thể hơn xét về đánh giá các DN, sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững hơn.