Đồ tốt khó sờ?

Đổi mới công nghệ được xem là chìa khóa, nhân tố quyết định những giá trị kinh doanh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… và tạo nền tảng để tăng cường năng lực cạnh tranh. Nhưng trước khi có được công nghệ và làm chủ được công nghệ, nhiều doanh nghiệp phải tự giải bài toán của riêng mình: tiền đâu?

Đầu tư để tiết kiệm

Trong chiến lược vươn đến mục tiêu 3 tỉ USD vào năm 2017, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tập trung ưu tiên hàng đầu là cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế, nhằm gia tăng thị phần trong nước và mở rộng xuất khẩu. Trong năm 2013, Vinamilk liên tiếp đưa vào hoạt động hai nhà máy sữa với những trang, thiết bị công nghệ hiện đại.

Một đặc điểm nổi trội trong quá trình vận hành nhà máy sữa là hệ thống kho hàng thông minh. Đó là ứng dụng công nghệ tự động hóa và điều khiển tích hợp: các robot tự hành điều khiển toàn bộ quá trình từ nhập nguyên liệu đến lưu giữ thành phẩm. Với công nghệ tiên tiến, một ca sản xuất của nhà máy mới sẽ chỉ cần từ 80 – 100 nhân công, trong khi bình thường phải cần số người gấp ba lần. Điều này đã giúp Vinamilk giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm.

Đồ tốt khó sờ?

Làn sóng đổi mới công nghệ đang tạo ra sức mạnh đột phá cho doanh nghiệp.

Nhìn xa hơn, trước khi đưa ra quyết định đẩy mạnh phát triển công nghệ theo như chiến lược phát triển của các công ty sữa lớn trên thế giới, Vinamilk đã “phủ” công nghệ ngay từ đầu vào của các sản phẩm sữa. Đó chính là việc chăn nuôi các đàn bò sữa một cách khoa học. Các trang trại bò sữa của công ty đều do máy tính điều hành, hỗ trợ cho quyết định của con người.

Chẳng hạn, đàn bò sữa được cấy chip thu thập các thông tin gửi về máy tính phân tích: tình trạng sức khỏe, xác định nhóm thức ăn thích hợp để cho ra sản lượng sữa cao nhất. Việc vắt sữa cũng được tự động hóa để đảm bảo vệ sinh. Chưa hết, các mẫu sữa được lưu lại và chuyển về máy tính phân tích với những thông số về thực trạng chất lượng sữa của từng con bò để chuyên gia kịp thời đưa ra cách xử lý. Có thể nói, sữa sạch được đảm bảo kiểm soát an toàn ở mức cao nhất.

Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Nhà máy Sữa Nghệ An thuộc Vinamilk cho biết, nếu không đầu tư về công nghệ sẽ không thể có sản phẩm giá thành hợp lý đến được với người tiêu dùng và cạnh tranh với các tập đoàn sữa nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.

Nếu không đầu tư về công nghệ sẽ không thể có sản phẩm giá thành hợp lý đến được với người tiêu dùng và cạnh tranh với các tập đoàn sữa nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.

Chính sự đầu tư nghiêm túc cho công nghệ mà mới đây, Vinamilk đã được Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp số đăng ký để xuất khẩu hàng vào Mỹ. Đây là một thị trường đầy tiềm năng, nhưng đòi hỏi yêu cầu rất cao và nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm. Sự thông quan này sẽ giúp Vinamilk tự tin khi mở ra tiến trình đưa sản phẩm vào các thị trường xuất khẩu lớn.

Với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), nhờ biết xây dựng quy trình chuẩn từ thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” mà được hưởng lợi từ sự đầu tư công nghệ do một công ty Nhật trực tiếp hỗ trợ. Chính việc triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đã giúp AGPPS đạt sản lượng gạo lớn, ổn định, có chất lượng đồng đều và truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Nhờ đó, Nhật Bản – một thị trường rất khó tính, đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng – đã chấp nhận các sản phẩm của AGPPS.

Công ty Satake, chuyên sản xuất máy chế biến thực phẩm của Nhật Bản nhìn thấy được tiềm năng của AGPPS đã đầu tư công nghệ xay xát và chế biến gạo trên 4 phân đoạn: sấy khô, đánh bóng, phân tích và quản lý chất lượng gạo để sản xuất ra loại gạo chất lượng cao nhất nhằm chiếm lĩnh thị trường Nhật trong tương lai.

Sau khi tiếp nhận công nghệ của Satake, AGPPS đủ khả năng sản xuất gạo GABA – loại gạo chứa nhiều amino acid có lợi cho sức khỏe con người. Trên cơ sở này, AGPPS đặt thêm mục tiêu chiếm lĩnh thị phần gạo cao cấp tại các thị trường như: Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, EU, New Zealand…

Đồ tốt khó sờ?Nhiều lợi ích và những rào cản

Ở một phương diện khác, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM (ECC HCMC) cho biết, đổi mới công nghệ không chỉ giúp cho doanh nghiệp giảm tiêu hao nguyên – nhiên liệu mà còn giúp cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất, giảm tác động xấu đến môi trường và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Với vai trò là đơn vị hỗ trợ đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng mà ECC HCMC chủ trì, theo ông Tước, những doanh nghiệp áp dụng chương trình này đã có những chuyển biến tốt. Chẳng hạn, ECC đã giúp nhiều doanh nghiệp nhựa ứng dụng các giải pháp đổi mới công nghệ như: đầu tư biến tần cho một số máy ép nhựa dùng động cơ thủy lực, lắp vòng điện từ thay cho vòng điện trở máy ép nhựa, vận hành máy móc vào giờ thấp điểm, thay dầu DO cho các lò hơi bằng dầu FO…

Những hỗ trợ tích cực đó đã giúp các công ty này giảm tiêu hao năng lượng từ 12 – 47%. Ông Tước cho biết: “Chương trình này bắt đầu từ năm 2005, đến nay đã giúp mỗi doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng”.

Đầu tư công nghệ rõ ràng tạo nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều rào cản để các doanh nghiệp đạt đến điều đó. Theo các chuyên gia, có thể nhận thấy các yếu tố gây sự trì hoãn đầu tư công nghệ là do thiếu vốn; đầu ra của sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam còn nhỏ hẹp, không hình thành được một kế hoạch bài bản, thiếu khả năng quản lý dự án, không tìm đúng công nghệ…

Các yếu tố gây sự trì hoãn đầu tư công nghệ là do thiếu vốn; đầu ra của sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam còn nhỏ hẹp, không hình thành được một kế hoạch bài bản, thiếu khả năng quản lý dự án, không tìm đúng công nghệ…

Một thống kê gần đây của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho thấy, việc đổi mới công nghệ của doanh nghiệp diễn ra khá chậm chạp. Theo đó, hiện Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) khoảng 0,7% GDP (tương đương khoảng 700 triệu USD), trong đó ngân sách từ Chính phủ chiếm 70%.

Trong khoảng 300.000 doanh nghiệp hiện tại có đến 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn trong số doanh nghiệp này sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Tỉ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu.

Trong khi đó, tỉ lệ đầu tư cho R&D/GDP tại Hàn Quốc là 3,57%, Trung Quốc 1,7% (năm 2009) và Ấn Độ 0,76% (năm 2007). Là người bám sát các vấn đề đầu tư công nghệ, ông Tước cho rằng, các quyết định đầu tư công nghệ phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhưng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Khôi Phục, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (Dofico), đơn vị đầu tư Khu Nông nghiệp công nghệ cao (Agro Park) lại cho rằng, các chính sách của Nhà nước nhiều khi quá chi tiết đến mức gây khó cho nhà đầu tư công nghệ.

Đồng quan điểm, ông Vũ Huy Thắng, Giám đốc Công ty Billco, chuyên đầu tư các bãi đậu xe tự động, chỉ ra vấn đề cụ thể hơn: “Ở trường hợp công ty tôi, điểm hạn chế nằm ở giới hạn các khoản phí trông xe khiến nhà đầu tư khó thu hồi vốn thay vì cho phép nhà đầu tư tính khoản phí này theo cung cầu của thị trường”.

Bên cạnh những khó khăn vừa nêu, vẫn có nhiều giải pháp thông minh là lối ra cho đầu tư công nghệ. Nhìn lại trường hợp của Vinamilk, doanh nghiệp này khi đầu tư các nhà máy mới không vay nợ mà sử dụng vốn tích lũy, điều này giúp cho dự án đầu tư đúng tiến độ.

Mặt khác, có thể thấy sự sáng suốt trong đầu tư công nghệ của Vinamilk là không tập trung nguồn lực tạo ra các công nghệ mới lạ, khác biệt mà mua công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến phù hợp với xu thế chung.

Đồ tốt khó sờ?

Theo ông Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên tìm kiếm sự đầu tư công nghệ từ các quỹ đầu tư. Với chiến lược dài hạn, họ luôn tìm những doanh nghiệp có nhiều tiềm năng để đầu tư.

Doanh nghiệp sẽ có lợi thế lớn khi được các quỹ đầu tư tham gia, vì tiềm lực tài chính và uy tín của quỹ tạo ra độ tin cậy cần thiết, để những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẵn sàng bỏ vốn vào doanh nghiệp.

Đồng thời, với kỹ năng quản trị, nhất là quản lý tài chính, các quỹ đầu tư hoàn toàn có thể tìm được một nhà tư vấn, một nhà quản trị giỏi, lựa chọn đúng công nghệ làm cho doanh nghiệp phát triển. Từ đây, bài toán khó của doanh nghiệp sẽ được giải dần.

Đây cũng là những lời khuyên quý giá dành cho các doanh nghiệp đang ngập ngừng trước những cánh cửa đổi mới.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn