Vì sao WhatsApp trị giá 16 tỷ USD trong mắt Facebook?
Trong khi Tập đoàn thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten mua Viber với 900 triệu USD, Facebook lại thâu tóm WhatsApp với 16 tỷ USD. Những nguyên do sau là lời lý giải cho thương vụ tỷ đô này.
WhatsApp là gì?
WhatsApp là một trong những ứng dụng nhắn tin di động tương tự Viber, LINE, WeChat, Kakao Talk mà người dùng smartphone nghe đến rất nhiều trong 2 năm trở lại đây và chúng đã và đang thay đổi cách thức con người liên lạc với nhau. Đây là dạng ứng dụng OTT, cung cấp dịch vụ miễn phí dựa trên mạng Internet di động, do đó, nó vượt qua rào cản "tính phí" của mỗi tin nhắn SMS hay MMS truyền thống từ nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông.
Chúng cho phép nhắn tin kèm hình ảnh, video, âm thanh hay gọi thoại đến bất kỳ địa chỉ nào trong danh bạ cùng sử dụng chung ứng dụng, thậm chí không cần biết số điện thoại của họ, và hầu hết không phải tốn phí dịch vụ. Chỉ cần kết nối Internet. Người dùng chọn các ứng dụng nhắn tin OTT trên smartphone, bỏ dần thói quen nhắn tin SMS.
Hai đồng sáng lập WhatsApp Jan Koum và Brian Acton từng làm việc tại Yahoo!. Kỹ sư Brian Acton từng bị Facebook từ chối khi tìm việc làm tại mạng xã hội này vào năm 2009 (theo thông tin đăng trên Twitter cá nhân của Brian Acton).
Khác biệt và hạn chế của WhatsApp so với các đối thủ gồm: chỉ miễn phí tải sử dụng trong một năm đầu tiên. Mỗi năm kế tiếp, dịch vụ thu phí 0,99 USD/năm, tương đương bạn phải trả mức phí gần 20.000 VNĐ để nhắn tin không giới hạn trong một năm, nhưng không bao gồm gọi thoại miễn phí giữa người dùng WhatsApp qua mạng Internet (VoIP) với nhau tương tự Skype hay Viber mà chuyển sang cuộc gọi trên mạng viễn thông có tính phí.
Bên cạnh đó, chiến lược của hai đồng sáng lập WhatsApp Jan Koum và Brian Acton chỉ tập trung làm sao để người dùng liên lạc nhanh nhất, không xảy ra trục trặc, giao diện dễ dùng và rõ ràng nhất, thay vì thêm "hoa lá cành" như ảnh sticker, trò chơi (game)...
Về bảo mật, để đảm bảo tính riêng tư, WhatsApp xóa tin nhắn trên máy chủ sau khi chuyển đến người nhận. WhatsApp thu hút được người dùng di động về tin nhắn, tương tự Skype thống lĩnh về gọi thoại và video thoại.
"Người kế tiếp gọi tôi là một doanh nhân sẽ bị đấm vào mặt bởi vệ sĩ của tôi. Nói nghiêm túc" - Trong một tin nhắn đăng trên Twitter của Jan Koum tháng 5-2012.
Vì sao WhatsApp long lanh trong mắt Facebook?
So với 16 tỷ USD của thương vụ Facebook-WhatsApp, 900 triệu USD do Tập đoàn thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten chi ra thâu tóm Viber có vẻ "rất hời". Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra, nguyên nhân nào khiến WhatsApp lại trị giá đến 16 tỷ USD?
WhatsApp thừa nhận không chi một đồng nào cho quảng bá tiếp thị (marketing). Công ty không có một nhân viên Marketing hay PR nào. Thay vào đó, cái tên WhatsApp được lan truyền tự nhiên (viral) giữa những người dùng và từ đó phổ biến ra khắp thế giới.
Trước hết, WhatsApp là người dẫn đầu trên thị trường nhắn tin di động hiện nay. Số lượng người dùng WhatsApp thường xuyên ở mức 450 triệu, cao hơn nhiều so với gần 300 triệu người dùng Viber hay Line, hơn cả con số 270 triệu người dùng sản phẩm từ quốc gia đông dân nhất thế giới WeChat (Trung Quốc). Và dĩ nhiên, bỏ xa các đối thủ còn lại như Kik, ChatON, FB Messenger, thậm chí là "lão làng" BlackBerry Messenger (BBM) ngay trên chính sân nhà Bắc Mỹ.
Số lượng người dùng WhatsApp tăng hàng triệu mỗi ngày (tăng đến 72%), họ gửi cho nhau 20 tỷ tin nhắn (theo nhà phân tích Benedict Evans). Theo CEO Facebook Mark Zuckerberg nhận định, WhatsApp sẽ sớm đạt mốc một tỷ người dùng và là một dịch vụ cho thị trường đại chúng hiếm thấy và "cực kỳ giá trị". Chín tháng trước, WhatsApp tuyên bố có 200 triệu người dùng thường xuyên, qua mặt mạng xã hội Twitter.
WhatsApp tiếp tục tăng trưởng tại những thị trường di động sôi nổi nhất trên thế giới. Tại Ấn Độ, ngay cả người dùng điện thoại di động giá rẻ như dòng Nokia Asha vẫn có thể nhắn tin miễn phí WhatsApp.
Cuối cùng, Dự án Internet.org đưa Internet toàn cầu đến với 2/3 người chưa kết nối do CEO Facebook Mark Zuckerberg khởi xướng đã thuyết phục Jan Koum về đội của mình. Dự án hướng đến các thị trường đang phát triển, nơi mà WhatsApp đã trở nên phổ biến. Do đó, WhatsApp đóng một vai trò chiến lược trong Dự án này.
Và câu chuyện giữa hai CEO
"Gia đình Jan Koum từng sống dựa vào tem phiếu thực phẩm" - Jim Goetz từ Sequoia Capital, quỹ đầu tư "bơm vốn" cho WhatsApp chia sẻ câu chuyện thành công của WhatsApp trên blog Tumblr.
Thương vụ thâu tóm này đã bắt đầu từ cuộc gọi của CEO Facebook Mark Zuckerberg cho CEO WhatsApp Jan Koum vào đầu năm 2012. Những cuộc gặp gỡ thảo luận bắt đầu từ một tháng sau đó nhưng không thành.
Đến ngày 9-2-2014, Jan Koum được mời ăn tối cùng gia đình Mark Zuckerberg kèm lời đề nghị: "Chúng ta hãy cùng kết nối thế giới!", không phải là một thương vụ thâu tóm công ty khởi nghiệp mà là một sự hợp tác. Tỷ phú trẻ bày tỏ mong muốn đưa Jan Koum vào ban giám đốc Facebook.
Vào Ngày Lễ tình nhân (14-2), trong dịp ăn tối cùng gia đình Mark Zuckerberg, Jan Koum đồng ý, và bắt đầu thảo luận các điều khoản.
Ngày 19-2, thương vụ được công bố, dự kiến sẽ hoàn tất trong hai năm.