Satya Nadella có gánh nổi Microsoft?

Cuối cùng sau gần 6 tháng kể từ khi Steve Ballmer tuyên bố từ chức Tổng Giám đốc (CEO), Microsoft đã tìm được người thay thế. Đó là Satya Nadella, đứng đầu bộ phận doanh nghiệp và điện toán đám mây, một kỹ sư phần mềm đã có 22 năm làm việc tại Microsoft.

Sau tuyên bố này, đã có không ít người thất vọng. “Đó rõ ràng là một lựa chọn an toàn. Việc chọn Nadella sẽ làm thất vọng những ai đang muốn có một nhà điều hành từ bên ngoài để có thể tạo ra thay đổi đáng kể và táo bạo cho Microsoft”, Dan Fletcher, một nhà đầu tư vào Microsoft, cho biết.

Microsoft vẫn là một gã khổng lồ. Tập đoàn đã tạo ra 27 tỉ USD lợi nhuận trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30.6.2013 và đang nắm giữ 84 tỉ USD tiền mặt. Windows của Microsoft vẫn còn chạy trên 9/10 máy tính để bàn (PC) và xách tay trên toàn cầu. Tuy vậy, Microsoft lại chiếm lĩnh một thị trường đang suy giảm. Lượng PC bán ra trên toàn cầu đã giảm trong 7 quý liên tiếp, dẫn đến nhu cầu phần mềm cho PC cũng giảm theo.

Không những thế, Microsoft còn phải cạnh tranh cùng lúc với Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh, Google trong mảng tìm kiếm web, Amazon trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ web, Oracle trong lĩnh vực cơ sở dữ liệu, Salesforce.com trong phần mềm doanh nghiệp dựa trên internet, Sony trong lĩnh vực trò chơi video...

Satya Nadella có gánh nổi Microsoft?

Satya Nadella, tân Tổng Giám đốc Microsoft.

Trong đó, mảng di động đang là một vấn đề đau đầu. Hệ điều hành di động của Microsoft chạy trên điện thoại thông minh chưa tới 4% của toàn cầu. Nỗ lực gần đây nhất của Microsoft để bành trướng trên thị trường này là việc mua lại bộ phận di động của Nokia với giá 7,3 tỉ USD vào tháng 9.2013. Thương vụ này đã bị ngưng trệ khi Steve Ballmer tuyên bố từ chức CEO và giờ đây là gánh nặng của Nadella.

Với những thách thức trên, một CEO dám thực hiện chiến lược táo bạo đang là điều Microsoft cần có. Một cái nhìn vào các quyết định của Nadella khi đứng đầu bộ phận máy chủ và các công cụ đã cho thấy ông có thể sẵn sàng đi ngược lại truyền thống của Microsoft khi cần thiết. Nadella đã cho phép các nhà phát triển bên ngoài sử dụng các ngôn ngữ lập trình không phải của Microsoft trên nền tảng dịch vụ điện toán đám mây của Tập đoàn. Cách làm của Nadella được Bill Hiff, từng là nhà quản lý ở bộ phận điện toán đám mây của Microsoft, đánh giá là “khác thường” hồi cuối năm 2012.

Chuyên gia phân tích Forrester Research Ted Schadler cũng đánh giá cao Nadella. Theo ông, Nadella đã giúp nâng doanh số bán và đảm bảo về vốn để xây dựng hệ thống máy chủ nhằm hỗ trợ cho bộ phận điện toán đám mây. Nhờ những thay đổi này mà mảng bán các dịch vụ và công nghệ máy tính qua internet đã mang về khoản doanh thu hơn 1,1 tỉ USD cho Microsoft trong 6 tháng kết thúc vào ngày 31.12.2013, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Một câu hỏi quan trọng là liệu ông có sẵn sàng cho một trọng trách lớn đòi hỏi phải đưa ra những quyết định khó khăn về vấn đề tổ chức.

Nadella cũng là người đã đưa bộ phận máy chủ và các công cụ chuyển hướng thành công sang nền tảng đám mây như Windows Azure. Trong 3 năm lèo lái bộ phận này, ông đã đưa nó trở thành một phần quan trọng của Microsoft, mang về 20 tỉ USD doanh thu hằng năm, chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của Tập đoàn trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 6 năm ngoái.

Tuy nhiên, những ai đã biết và từng làm việc với Nadella đều cho rằng ông thường đi theo lộ trình đã vạch sẵn của Microsoft hơn là liều lĩnh đặt cược vào công nghệ mới. Năm 2009, ông đã cải tổ công cụ tìm kiếm Bing để cạnh tranh với Google. Phiên bản mới được đánh giá tốt về mặt công nghệ, nhưng lại không khác gì mấy so với Google. Ở bộ phận điện toán đám mây, Nadella đã chuyển đổi các sản phẩm theo hướng làm cho chúng trở nên giống hơn với các dịch vụ web đang được ưa chuộng của Amazon.

Những người làm việc chung với Nadella cho rằng tài sản đáng quý nhất của ông là ở sự nhã nhặn và tính cộng tác. Tính cách này cùng với nền tảng về kỹ thuật và khoa học máy tính của ông có thể giúp giữ chân các kỹ sư hoặc các nhà lập trình chủ chốt. Nhưng một câu hỏi quan trọng là liệu ông có sẵn sàng cho một trọng trách lớn đòi hỏi phải đưa ra những quyết định khó khăn về vấn đề tổ chức.

Dan Ives, Phó Chủ tịch tại FBR Capital Markets, cho rằng: “Nadella đã làm tốt trong mảng đám mây. Đó chắc chắn là ưu điểm lớn nhất và là lý do vì sao ông được giao vị trí CEO, nhưng dù sao ông vẫn là người trong Microsoft. Tôi không tin rằng ông sẽ dám thực hiện các chiến lược táo bạo mà một số nhà đầu tư kỳ vọng”.

Một điều nữa là dù Nadella đã trải qua nhiều vị trí khác nhau trong lĩnh vực kỹ thuật và doanh nghiệp, nhưng ông lại hầu như không can thiệp vào các thiết bị và di động của Microsoft. Satya Nadella có gánh nổi Microsoft?Vì thế, ông cần phải chứng tỏ mình trong mảng này để có thể thực hiện sứ mệnh mới của Microsoft: trở hành một công ty thiết bị và dịch vụ.

Đó cũng là lý do Nadella sẽ phải cần được giúp đỡ. Và Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, chính là người được chỉ định. Hồi đầu tháng 2, khi xướng tên CEO mới, Microsoft cũng cho biết Bill Gates sẽ rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị và trở thành nhà cố vấn công nghệ cho Nadella. Gates cho biết sẽ dành 1/3 thời gian (Gates hiện chủ yếu dành thời gian làm từ thiện), để giúp Nadella vạch ra chiến lược sản phẩm cho Microsoft.

Sự quay trở lại của Gates đã đặt ra một câu hỏi rằng liệu Nadella sẽ có bao nhiêu quyền hành trong tay. Gates, mặc dù có tiếng về kỹ thuật, cũng đã liên quan đến nhiều lần vấp ngã của Microsoft. Gates cũng không rành các lĩnh vực như điện thoại thông minh, vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Microsoft.

Chính Ballmer đã đối mặt với thách thức tương tự khi đảm nhận vị trí CEO từ Gates vào năm 2000. Cuộc chạm trán quyền lực trong những năm đầu tiên đã khiến một số quyết định của Tập đoàn bị hoãn lại. Thành viên hội đồng Quản trị David Marquardt của Microsoft và những người khác đã phải nhảy vào can thiệp để giúp giải tỏa căng thẳng giữa Ballmer với Gates.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư