Định giá Mobifone

Thị trường viễn thông Việt Nam có khoảng 95% thị phần thuộc các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100%, các doanh nghiệp nhỏ còn lại chia nhau thị phần 5% ít ỏi khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoặc phải sáp nhập.

Chẳng hạn, Hanoi Telecom tuyên bố có khoảng 10 triệu thuê bao; SPT gần như không có bất cứ hoạt động gì. Còn Gtel sau gần 2 năm mua lại 49% cổ phần của Tập đoàn VimpelCom tại Beeline với giá 45 triệu USD và gần 1 năm chia sẻ hạ tầng viễn thông với VinaPhone, hiện có số thuê bao chỉ đạt khoảng 4 triệu.

Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn CMC cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn tình trạng độc quyền, xét về tỷ trọng doanh số toàn thị trường. "Tại sao các doanh nghiệp viễn thông mới, như Gtel và đối tác Beeline, HTMobile với đối tác Hutchison cứ vào Việt Nam là thua?", ông Chính đặt vấn đề.

Định giá MobifoneRõ ràng, sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam chưa chuyên nghiệp và chưa cạnh tranh thực sự lành mạnh. Vì thế, để khắc phục, Quy hoạch Phát triển viễn thông Quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt đưa ra mục tiêu phải phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh, với những dịch vụ quan trọng như di động, cố định, internet phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng, phải xây dựng được các tập đoàn viễn thông mạnh để đầu tư ở nước ngoài.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, hiện Bộ Truyền thông và Thông tin đang tái cơ cấu toàn bộ thị trường viễn thông, trong đó xác định tái cơ cấu VNPT là một trong những nội dung quan trọng.

Theo đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông đã đực trình Chính phủ, Công ty Thông tin Di động VMS (Mobifone) sẽ tách khỏi VNPT và thành lập Tổng công ty Thông tin di động.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT, Mobifone được chọn để tách khỏi VNPT vì đang sở hữu một thương hiệu khá mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone, nên khi tách ra vẫn đảm bảo VNPT có tài chính lành mạnh, vừa đảm bảo Mobifone tiếp tục phát triển.

Mobifone phải cổ phần hóa để tìm các nhà đầu tư chiến lược có công nghệ tốt, gây áp lực cạnh tranh cho 2 doanh nghiệp còn lại, buộc các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam phải cung cấp dịch vụ cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, Mobifone đang đóng góp khoảng 30% doanh thu và 80% lợi nhuận của VNPT, nên khi tách khỏi Tập đoàn, Mobifone sẽ chịu trách nhiệm gánh rất nhiều doanh nghiệp yếu kém với khoản lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng. Vì thế, nhiều người lo ngại Mobifone sẽ không hoạt động hiệu quả, nên việc tách Mobifone lại trở thành gánh nặng của thị trường.

Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Mobifone khẳng định: "Tách ra sẽ là cơ hội cho Mobifone bởi với những gì đang làm được, chúng tôi có thể cạnh tranh trên thị trường". Ông Minh cho biết, sau khi được phê duyệt tách khỏi VNPT, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, tạo thay đổi về công nghệ, quản trị tốt hơn và tầm nhìn xa là tạo ra thị trường cạnh tranh.

Giá trị của thương vụ cổ phần hóa Mobifone không nằm ở số tiền bao nhiêu mà là sự tác động của nó tới tương lai thị trường viễn thông Việt Nam.

Theo ông Phạm Hồng Hải, giai đoạn 2014 - 2015 hoặc đầu năm 2016 sẽ hoàn tất quá trình cổ phần hóa Mobifone. Trước đó, trong giai đoạn 2005-2006, thông tin Mobifone sẽ được cổ phần hóa đã khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt nhiều hy vọng.

Vào thời điểm năm 2009, Tập đoàn Credit Suisse, đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho Mobifone định giá sơ bộ giá trị của mạng di động này vào khoảng 2 tỷ USD. Suy thoái kinh tế cùng với đà giảm sút của thị trường chứng khoán hiện tại (cả trong nước và thế giới) có thể tác động đến kết quả định giá này.

Với những điều kiện bình thường và chưa tính đến những lợi thế cạnh tranh thì Mobifone cũng có thể định giá ít nhất là 3 tỷ USD. Thời điểm này, Mobifone cho hay ngoài kế hoạch cổ phần hóa, họ đã chốt danh sách 6 nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, hãng viễn thông France Telecom (Pháp) khẳng định mong muốn mua cổ phần của mạng di động Mobifone khi doanh nghiệp này cổ phần hóa.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn