Các hãng xe máy tìm lối đi
Kết thúc năm 2013, lượng xe máy bán ra ở thị trường trong nước tiếp tục giảm, khoảng 10% so với năm 2012, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp thị trường xe máy bị giảm. Các nhà sản xuất xe máy đang tìm cách “lấp đầy” năng lực sản xuất hiện nay.
Cạnh tranh khốc liệt
Tiêu thụ xe máy của toàn thị trường trong năm qua đạt 2,79 triệu xe, giảm khoảng 10% so với năm 2012. Năm 2012, thị trường xe máy cả nước tiêu thụ 3,11 triệu xe, giảm 6,6% so với năm 2011. Mặc dù các nhà sản xuất, các đại lý liên tiếp đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng thị trường vẫn khá ảm đạm, ngay cả trong những mùa có cơ may “ăn nên làm ra” như mùa mua sắm cuối năm hay mùa tựu trường của sinh viên.
Theo ông Kiyokazu Sasabe, Phó tổng giám đốc Honda Việt Nam, năm 2013, hai nhà máy của Honda tại Vĩnh Phúc đã phải cắt giảm 500 lao động. Các hãng xe khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Các đại lý của các hãng lớn như Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio cho biết việc kinh doanh gần hai năm nay liên tục sút giảm, buộc họ phải “hy sinh” phần chiết khấu để giảm giá trực tiếp cho khách hàng nên không còn lợi nhuận. Thậm chí, có những mẫu xe phải bán dưới giá thành của nhà sản xuất để đạt doanh số. Theo các đại lý này, lợi nhuận hiện nay phần lớn dựa vào dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng xe là chính.
Không chỉ xe lắp ráp trong nước, chủ các cửa hàng bán xe máy nhập khẩu cũng than khó vì kinh doanh quá ế ẩm. Ngoài khó khăn chung, các cửa hàng này còn bị cạnh tranh bởi các dòng xe mới, cao cấp tương đương xe nhập khẩu của các nhà sản xuất trong nước như Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam... Nhiều cửa hàng bán xe máy nhập khẩu tại TPHCM ở khu vực vòng xoay Phù Đổng (quận 1) hay trên đường An Dương Vương (quận 5) đã phải chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, chỉ có 18.866 xe máy nguyên chiếc được nhập khẩu trong năm 2013, giảm đến 49,5% so với năm 2012; kim ngạch gần 42,3 triệu đô la Mỹ, giảm 40,3%.
Theo các đại lý kinh doanh xe máy, suy thoái kinh tế tác động rất lớn đến quyết định mua xe của khách hàng. Bên cạnh đó, việc các hãng liên tiếp tung ra nhiều mẫu xe hay phiên bản mới đã làm cho thị trường bán nhiều hơn mua. Mặt khác, sự mở rộng hệ thống đại lý rộng khắp của các hãng xe cũng phần nào chia bớt thị phần.
Trong bối cảnh thị trường bão hòa, các hãng xe cố gắng tìm thị phần bằng cách khai thác thị trường ngách, và “né” cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đang nắm giữ thị phần lớn.
Tìm thị trường ngách
Trong bối cảnh thị trường bão hòa, các hãng xe cố gắng tìm thị phần bằng cách khai thác thị trường ngách, và “né” cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đang nắm giữ thị phần lớn. Với ưu thế thương hiệu được ưa thích và thị phần hơn 60%, “phủ kín” các dòng xe từ cao cấp đến các hạng trung và phổ thông, Honda khiến các hãng xe khác phải tìm cách “đánh” sang những thị trường ngách. Năm ngoái, Suzuki, Yamaha và SYM hướng vào xe côn tay thể thao và xe dưới 50 phân khối, nơi Honda đang bỏ trống.
Khi quay lại với phân khúc xe 50 phân khối, SYM được đánh giá là đã nhạy bén đáp ứng một số nhu cầu trên thị trường, như người sử dụng không cần bằng lái, giá mềm hơn. Hai mẫu xe số Elegant và Angela của hãng này đang thu hút sự chú ý của đối tượng khách hàng là học sinh phổ thông, các bà nội trợ, người có vóc dáng nhỏ...
Suzuki cũng rất đột phá khi tung ra hàng loạt dòng xe côn tay mà hiện chưa có liên doanh hay nhà sản xuất trong nước nào dám làm. Đầu tiên là dòng xe nackedbike EN150, rồi đến Axelo và sau đó là Raider 150. Các mẫu xe này lập tức thu hút sự chú ý của các chàng trai trẻ cũng như những người thích xe thể thao.
Ngoài xe côn tay, Suzuki cũng trình làng dòng xe số Viva phun xăng điện tử, tiết kiệm nhiên liệu hơn các dòng xe số của các hãng khác.
Và lối ra xuất khẩu
Thị trường xe máy năm 2014 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn với lượng bán thấp và cạnh tranh khốc liệt. Ông Masayuki Igarashi, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam, nhận định: “Năm 2014, các chỉ số kinh tế vĩ mô chưa có gì sáng sủa, nên chắc chắn thị trường xe máy vẫn khó khăn”. Ông dự đoán trong năm nay, Honda Việt Nam cũng chỉ tiêu thụ khoảng 1,8-1,9 triệu chiếc, bằng với năm 2013.
Với con số đó thì hai nhà máy tại tỉnh Vĩnh Phúc của doanh nghiệp này cũng chưa chạy hết công suất. Tuy nhiên, Honda vẫn quyết định sẽ đưa nhà máy thứ ba tại tỉnh Hà Nam đi vào hoạt động trong năm nay (trễ hơn khoảng một năm so với kế hoạch). Dự kiến sản lượng của nhà máy này tính đến hết năm sẽ vào khoảng 10.000-15.000 xe so với công suất thiết kế là 500.000 xe/năm.
Trong bối cảnh thị trường xe máy trong nước còn khó khăn, Honda Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh xuất khẩu những dòng xe số và linh kiện các loại đi các thị trường truyền thống, Honda Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các dòng xe tay ga cao cấp như SH, SH mode, Lead và PCX đi những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Riêng PCX, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm đầu tiên này 30.000 xe, tới 14 thị trường tại châu Á, châu Phi và châu Âu.
Trước sự xuống dốc của thị trường nội địa và tình trạng dư thừa công suất, hướng xuất khẩu xe máy được xem là lối ra của các nhà sản xuất. Trước đây, hàng loạt doanh nghiệp xe máy có vốn đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư nâng công suất sản xuất. Ngoài Honda Việt Nam hiện có ba nhà máy với công suất 2,5 triệu xe/năm, Yamaha Việt Nam có hai nhà máy với công suất 1,5 triệu xe/năm; SYM có ba nhà máy với công suất 500.000 xe/năm; Suzuki và Piaggio mỗi doanh nghiệp đều có hai nhà máy và đều có tổng công suất 300.000 xe/năm. Chỉ tính riêng năm nhà sản xuất này, công suất đã vượt 5 triệu xe/năm, chưa kể các doanh nghiệp khác như Kymco và các doanh nghiệp có vốn 100% trong nước. Đối chiếu với khả năng tiêu thụ của thị trường trong hai năm qua, dễ nhận thấy hiện công suất dư thừa có tới 50% nên các hãng đều đang nhìn tới lối thoát xuất khẩu. Lãnh đạo Piaggio Việt Nam cũng cho biết đang khai thác thêm các thị trường mới sau khi đã xuất khẩu xe tay ga của hãng đi nhiều nước trong khu vực.
Theo ông Masayuki Igarashi, kinh tế khó khăn cũng làm cho đồng tiền Việt Nam ổn định hơn và tạo ra lợi thế về xuất khẩu. Thời gian tới, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất xe máy toàn cầu tại châu Á. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cũng sẽ không dễ dàng bởi các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia... đều đã trở thành những trung tâm sản xuất xe máy lớn và cũng đang hướng tới xuất khẩu.