Cà phê hòa tan: Cuộc chiến thị phần
Ba thương hiệu cà phê hòa tan (CPHT) hàng đầu Việt Nam hiện nay là Vinacafé của Cty cổ phần Cà phê Biên Hòa, Nescafé của tập đoàn thực phẩm số 1 thế giới Nestlé và G7 của Cty TNHH Trung Nguyên.
Nắm ưu thế là đơn vị quốc doanh đầu tiên sản xuất CPHT do tiếp quản nhà máy công suất thiết kế 80 tấn/năm sau ngày đất nước thống nhất, Vinacafé từng có hơn 2 thập kỷ thảnh thơi một mình một chợ. Năm 1997, Vinacafé đầu tư thêm dây chuyền 800 tấn/năm.
Nescafé tựa vào tấm lưng khổng lồ của Cty mẹ - Nestlé, tập đoàn nổi tiếng của Thụy Sĩ có 30 vạn nhân công, doanh thu 47 tỷ USD/năm, sở hữu 8.000 mác sản phẩm trên toàn thế giới, hàng trăm nhà máy tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Cty TNHH Nestlé Việt Nam đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa 2.
10 năm hoạt động tại Việt Nam đủ để Nestlé hiểu rõ thị trường Việt và rải khắp đất nước này nhiều mặt hàng chất lượng cao. Vào thời điểm cuối năm 2003 họ từng chiếm lĩnh quá nửa thị phần CPHT nội địa. Mỗi năm Nestlé VN tiêu thụ đến 25% sản lượng cà phê nguyên liệu VN sản xuất.
Trẻ trung, năng động, táo bạo là đòn bẩy mạnh mẽ đưa Trung Nguyên - Doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam giành thắng lợi lớn trong việc áp dụng hình thức Franchising (nhượng quyền thương mại).
Chỉ sau 9 năm thành lập, thương hiệu Trung Nguyên đã nổi danh với hệ thống trên 500 quán nhượng quyền khắp trong ngoài nước. Vừa vươn lên hàng đầu về chế biến cà phê rang xay, Trung Nguyên đã lập tức tiến công vào thị trường CPHT.
Tháng 11/2003, CPHT mang tên G7 vừa ra đời đã được Trung Nguyên tiếp thị tưng bừng trên đường phố, tổ chức “Ngày hội tuyệt đỉnh” tại Dinh Thống Nhất (TP HCM) mời hàng vạn người tiêu dùng tham gia “thử mù” (nếm không biết nhãn hiệu) để đối chiếu khẩu vị với sản phẩm cùng loại của một Cty nổi tiếng khác.
Kết quả, tới 89% người tiêu dùng chọn G7... Những chiêu cạnh tranh lợi hại này lập tức phát huy tác dụng. Chỉ vài tháng sau, G7 đã chiếm lĩnh được 35% thị phần CPHT.
Từ đó đến nay, cuộc chiến giành thị phần CPHT ngày càng gay gắt. Tỷ lệ thị phần CPHT giữa các thương hiệu mạnh biến đổi không ngừng, phần lớn dịch chuyển theo các cao điểm khuyến mãi tiếp thị của các Cty.
Tháng 11/2005 Trung Nguyên khánh thành nhà máy CPHT ở Bình Dương trị giá 10 triệu USD. Vinacafé lắp thêm dây chuyền CPHT thứ ba trị giá hơn 20 triệu USD, công suất 3.000 tấn/năm, sẽ đưa vào hoạt động năm 2006.
Vinamilk sau những bước thăm dò đã giành 160 tỷ đồng xây nhà máy chế biến cà phê rang xay và CPHT dự kiến khánh thành tháng 9/2006. Ngoài ra, hàng chục loại CPHT nội địa khác cũng lần lượt xuất hiện.
Riêng ở Đăk Lăk có thêm CADA (Cty CP Phước An), VICA (Cty Cao su Krông Buk), An Thái...
Mỗi nhãn hiệu xuất hiện lại kéo theo hàng loạt phương thức chào hàng mới mà có thể nói, người châm ngòi cho cuộc chiến thị phần CPHT này không ai khác, chính là Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng Giám đốc Cty Cà phê Trung Nguyên.
Festival Cà phê Buôn Ma Thuột thu hút hàng vạn công chúng. Dù rất nhiều doanh nghiệp mời khách thưởng thức miễn phí cà phê tuyệt ngon, nhưng đông đúc ồn ào nhất vẫn là gian hàng Trung Nguyên với nghệ sĩ, doanh nhân, sinh viên học sinh tấp nập ra vào.
Bên tách CPHT G7, Đặng Lê Nguyên Vũ vui vẻ trả lời câu hỏi Trung Nguyên được và mất gì qua cuộc chiến này của phóng viên báo Tiền Phong: “Trung Nguyên phải dồn tổng lực cho cuộc cạnh tranh, nhờ đó G7 đã chiếm một thị phần nội địa đáng kể về CPHT.
Nhưng lớn hơn cái lợi kinh tế vì CPHT Trung Nguyên chủ yếu xuất khẩu, là qua đó G7 đã góp phần đáng kể vào phong trào người Việt dùng hàng Việt, nâng cao ý thức doanh nghiệp trẻ dám đương đầu với các tập đoàn quốc tế ngay trên sân nhà.
Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, ông Pie Chaufel Berger, sau lời phát biểu chào mừng hôm khai mạc Festival đã vui vẻ trò chuyện với tôi, khen Trung Nguyên là một thương hiệu tốt của Việt Nam: “Tôi nghĩ, doanh nhân chân chính nào cũng sẵn lòng bước vào cuộc cạnh tranh sòng phẳng, bởi nó tốt cho người tiêu dùng và là xu thế tất yếu hội nhập kinh tế toàn cầu