Giá sữa, nguyên liệu và bài toán quản lý
Đến thời điểm này có thể khẳng định, thông tư 30 mà bộ Tài chính ban hành hồi cuối năm ngoái về quản lý giá sữa đã không thể “kìm” được giá sữa như kỳ vọng. Ngày 10.2 vừa qua, các hãng sữa nội đồng loạt tăng giá từ 6 đến hơn 10% trên hàng loạt sản phẩm. Trước đó, ngay thời điểm mà thông tư 30 ra đời chưa ráo mực, các hãng sữa nước ngoài cũng đã đồng loạt tăng giá với mức tăng từ 6 – 8% của sữa Abbott, 5 – 7% của Mead Johnson, hay Nestlé từ 7 – 10%...
Lý do tăng giá sữa đợt này cũng được doanh nghiệp biện minh do nguyên liệu đầu vào tăng. Theo lý giải của một doanh nghiệp kinh doanh sữa, từ quý 3/2013, giá lương thực thực phẩm, trong đó có nguyên vật liệu sữa trên thị trường thế giới biến động tăng liên tục. Nguyên liệu sữa trên thế giới tăng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất sữa trong nước vì nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu vẫn là nhập khẩu. Việc điều chỉnh giá bán sữa là không tránh khỏi.
Việc ngành sữa đang phụ thuộc gần như toàn bộ vào nguyên liệu nhập khẩu đã và đang khiến cho giá mặt hàng này bị “lờn” trước hầu hết các thể chế luật pháp về quản lý giá. Theo thống kê của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau hàng chục năm phát triển chăn nuôi, đến nay, tổng đàn bò sữa cả nước chỉ có khoảng 160.000 con, cho ra khoảng 410 triệu kg sữa/năm, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ nội địa. Hàng năm, 80% các loại nguyên liệu sữa bột trích ly từ sữa bò tươi phải nhập khẩu. Lượng sữa nguyên liệu nhập luôn ở trong tình trạng năm sau tăng hơn năm trước do nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng tăng. Doanh nghiệp phải bỏ ra hàng tỉ đôla mỗi năm để nhập. Vừa tốn kém tiền bạc, vừa không thể chủ động được chi phí sản xuất do giá sữa thế giới “nóng, lạnh” thất thường. Với tình trạng phát triển đàn bò sữa như hiện nay, manh mún quy mô, thiếu tầm nhìn về quy hoạch, lạc hậu về công nghệ, kỹ thuật, rời rạc về chính sách, nên thời gian tới, dự báo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn sẽ là vấn đề đau đầu cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa.
Trong điều kiện như vậy, vấn đề còn lại là doanh nghiệp ngành sữa cần có sự tự giác, minh bạch chi phí đầu vào, nguyên liệu và giá bán sữa ở mức sao cho hợp lý. Yếu tố này, không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong luật kê khai giá (bởi sữa là một trong số 14 mặt hàng đang bị kiểm soát giá), mà còn thể hiện trách nhiệm, uy tín trước hàng triệu người dùng. Về phía cơ quan quản lý, nhất là bộ Tài chính, việc chấp thuận cho bất kỳ doanh nghiệp nào tăng giá sữa, phải căn cứ trên yếu tố đầu vào, đồng thời cơ quan hải quan phải đối chiếu giá thực nhập nguyên liệu với mặt bằng giá chung trên thị trường thế giới, nhằm tránh tình trạng gian lận chuyển giá.
Và cuối cùng, như lời ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng cục Quản lý giá: người tiêu dùng cũng phải thể hiện quyền năng của mình. Chọn mua những sản phẩm có giá hợp lý.