Saigon Co.op đa dạng hóa mô hình bán lẻ hiện đại
Với việc cho ra đời chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) Sense City, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đang dần phủ kín các mô hình bán lẻ hiện đại, nhắm tới khai thác mọi phân khúc khách hàng.
Sense City với khách hàng trung bình, khá
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, trong lúc thị trường bán lẻ, đặc biệt là các trung tâm mua sắm chưa thoát khỏi khó khăn, sự ra đời của chuỗi TTTM Sense City là nhằm thực thi chiến lược đa dạng hóa mô hình kinh doanh bán lẻ của Saigon Co.op. Điều này góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm phong phú, đa dạng theo xu hướng phát triển chung của thị trường.
Ông Hòa cho biết hiện nhiều người tiêu dùng ưa chuộng mô hình mua sắm kết hợp các dịch vụ thư giãn, giải trí, nhưng nguồn cung đáp ứng nhu cầu này ở các địa phương chưa nhiều. Do đó, Saigon Co.op muốn hướng tới phân khúc khách hàng mới mà trước đây chưa tập trung khai thác, nhất là những người trẻ, năng động, có thu nhập khá, thích sắm sửa và làm đẹp cho bản thân, gia đình.
Khu trung tâm thành phố Cần Thơ là nơi Saigon Co.op chọn để ra mắt TTTM Sense City đầu tiên tọa lạc tại số 1 đại lộ Hòa Bình, phường Tân An, quận Ninh Kiều, sẽ chính thức khai trương vào ngày 20-1 tới đây. Với diện tích rộng trên 22.000 mét vuông bao gồm bốn tầng kinh doanh và một tầng hầm để xe, Sense City kinh doanh các ngành hàng thời trang, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện, đồ dùng gia đình, vui chơi giải trí, bowling, chiếu phim, siêu thị Co.opmart, khu ẩm thực (foodcourt)... Theo kế hoạch, sau Cần Thơ, Saigon Co.op sẽ có một Sense City tiếp theo ở Bến Tre trong năm nay và ở Cà Mau vào năm tới.
Giải thích việc phát triển chuỗi TTTM Sense City bắt đầu từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, ông Hòa cho biết hiện khu vực này còn thiếu các trung tâm mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí. Mặt khác, do nhắm đến phân khúc khách hàng là những người có thu nhập trung bình - khá, mô hình Sense City được xem là rất phù hợp với tình hình phát triển kinh tế ở các đô thị miền Tây.
Đơn vị phát triển và trực tiếp quản lý, điều hành chuỗi TTTM Sense City là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Saigon Co.op (SCID), một thành viên được thừa hưởng từ Saigon Co.op sự am hiểu về thị trường bán lẻ và thói quen mua sắm của khách hàng trong nước, cũng như những kinh nghiệm từ các đối tác liên doanh có tiềm lực và năng lực quản lý, điều hành các TTTM tiêu chuẩn quốc tế. Theo bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng giám đốc SCID, Sense City chủ yếu thu hút những sản phẩm, nhãn hàng thời trang cao cấp trong nước được chọn lọc kỹ càng hơn so với những sản phẩm tầm trung mang tính phổ thông được bày bán ở hệ thống các siêu thị Co.opmart. Bên cạnh đó là những nhà cung cấp dịch vụ giải trí, ẩm thực, làm đẹp... với cung cách phục vụ tốt và trẻ trung hơn.
"Những mô hình đã và đang được phát triển vẫn là chưa đủ, người tiêu dùng Việt Nam cần được chăm sóc nhiều hơn bởi các mô hình hiện đại mới."
Bà Tranh chia sẻ, với kinh nghiệm phát triển nhiều dự án hạ tầng siêu thị Co.opmart, SCID tin tưởng sẽ phát triển tốt chuỗi TTTM Sense City theo kế hoạch mỗi năm đưa vào hoạt động 1-2 trung tâm. Bên cạnh đầu tư các Sense City hoàn toàn mới, một số siêu thị Co.opmart có diện tích lớn ở những địa phương phù hợp sẽ được chọn để từng bước nâng cấp lên mô hình TTTM Sense City.
Đa dạng mô hình bán lẻ
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, hiện nay cuộc cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ đang diễn ra rất quyết liệt, không chỉ trong chuyện mở rộng mạng lưới bán lẻ mà còn ở việc đa dạng mô hình kinh doanh để khai thác mọi phân khúc khách hàng và đáp ứng nhu cầu ngày càng nâng cao của người tiêu dùng. Trên thực tế, đa dạng hóa mô hình bán lẻ là xu hướng của thế giới và Saigon Co.op cũng đang đi theo hướng này. “Tùy theo từng mô hình mà Saigon Co.op sẽ quyết định tự phát triển hay liên kết với các đối tác nước ngoài”, ông Hòa chia sẻ.
Ngay từ những năm đầu hoạt động, Saigon Co.op đã chọn đối tượng mục tiêu là tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và công nhân viên chức - lực lượng chiếm số đông trong xã hội. Từ định hướng đó, Saigon Co.op đã xây dựng hình ảnh Co.opmart là siêu thị vừa có tính hiện đại văn minh của phương thức bán hàng tự chọn, vừa có nét giản dị bình dân gần gũi với người tiêu dùng. Dần dà, Co.opmart đã góp phần thay đổi bộ mặt phố phường, thay đổi cung cách mua bán, thói quen tiêu dùng và nâng cao chất lượng sống của mỗi gia đình.
Tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, năm 2008, Saigon Co.op đã khai trương chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food. Đây là giải pháp cung cấp thực phẩm an toàn và tiện lợi cho bữa ăn hàng ngày. Đến nay, Saigon Co.op đã có hơn 70 cửa hàng Co.op Food trên địa bàn TPHCM. Kết quả đo lường chỉ số hài lòng và khảo sát thói quen mua thực phẩm của những hộ dân quanh các cửa hàng Co.op Food cho thấy có đến hơn 90% khách hàng cho rằng Co.op Food thay đổi thói quen mua thực phẩm của họ.
Năm 2013, Saigon Co.op còn ra mắt mô hình kinh doanh mới: đại siêu thị. Saigon Co.op đã cùng với đối tác NTUC FairPrice (một đơn vị hợp tác xã tại Singapore) đầu tư một đại siêu thị mang tên Co.opXtra Plus tại quận Thủ Đức, TPHCM, vừa bán lẻ, vừa phân phối hàng hóa số lượng lớn. Đây là đại siêu thị đầu tiên tại TPHCM, đánh dấu cột mốc quan trọng của Saigon Co.op trên tiến trình phát triển của thị trường bán lẻ.
Nhắm tới đối tượng khách hàng cao cấp hơn, Saigon Co.op cũng đã hợp tác với Mapletree (Singapore) khởi công dự án TTTM (shopping mall) SC VivoCity trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TPHCM. Với số vốn đầu tư 100 triệu đô la Mỹ, SC VivoCity sẽ cung cấp cho thị trường 72.000 mét vuông diện tích bán lẻ.
Chủ đầu tư kỳ vọng khi hoàn thành vào năm 2015, SC VivoCity với các thương hiệu nổi tiếng, cụm rạp chiếu phim hiện đại, khu vui chơi giải trí và ẩm thực, sẽ là điểm đến dành cho những gia đình có thu nhập khá và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, những mô hình đã và đang được phát triển vẫn là chưa đủ. Người tiêu dùng Việt Nam cần được chăm sóc nhiều hơn bởi các mô hình hiện đại mới mà ở đó, khách hàng không chỉ được thỏa mãn mọi nhu cầu với giá cả hợp lý mà còn được cùng nhau trải nghiệm không gian mua sắm thú vị, được phục vụ tốt hơn với nhiều dịch vụ giải trí đi kèm. Đó là lý do Saigon Co.op cho ra đời mô hình TTTM Sense City nhắm tới đối tượng khách hàng tầm trung.
Như vậy, chỉ còn loại hình bán lẻ cửa hàng tiện lợi 24/24 là Saigon Co.op chưa có. Ông Hòa cho biết, Saigon Co.op cũng sẽ phát triển chuỗi cửa hàng này khi thấy điều kiện thị trường thích hợp.
“Việc phát triển và đa dạng hóa các loại hình bán lẻ không nằm ngoài mục đích đem đến sự tiện nghi, phong phú cho nhu cầu lựa chọn hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả thị trường và phát triển hơn thị trường bán lẻ hiện đại trong nước. Đây cũng là định hướng chiến lược phát triển xuyên suốt của Saigon Co.op”, ông Hòa chia sẻ.