McDonald’s vào VN: Ai mừng, ai đắn đo?
Khi cửa hàng đầu tiên của McDonald's vừa mở cửa tại Sài Gòn, thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng của Mỹ này nói riêng và "văn hóa đồ ăn nhanh" ở Việt Nam nói chung trở thành đề tài được dư luận quan tâm.
22 năm và một sự khởi động lại
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), ngày 20.10.1979, McDonald's chính thức chào sân Singapore. Sau 34 năm, thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ này đã rất phổ biến ở Đông Nam Á với khoảng 400 cửa hàng ở Philippines, khoảng 260 cửa hàng ở Malaysia, khoảng 195 cửa hàng ở Thái Lan, khoảng 150 cửa hàng ở Indonesia...
Tuy nhiên, từ năm 1992, sau khi khai trương một cửa hàng ở Brunei, McDonald's đã tạm ngưng sự "bành trướng" của mình ở Đông Nam Á. Cửa hàng khai trương ở TP.HCM hôm 8.2 chính là sự khởi động lại của McDonald's ở Đông Nam Á sau hơn 22 năm.
Hãng AFP phân tích, là thị trường có hơn 90 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người tăng ấn tượng từ mức 402 USD/người vào năm 2000, lên mức 1.896 USD/người vào năm 2013 (theo số liệu thống kê của Blomberg), Việt Nam đang "lọt vào tầm ngắm" của các thương hiệu Mỹ. Đó cũng chính là lý do then chốt để McDonald's lựa chọn Việt Nam sau một thời gian dài có phần không mặn mà với các dự án mới ở Đông Nam Á.
Blomberg cũng dẫn lời ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành khu vực Mekong của hãng nghiên cứu TNS Vietnam, phân tích: McDonald's sẽ tập trung vào các gia đình có thu nhập trung bình từ 500 - 1.000 USD mỗi tháng. Trẻ em sẽ là đối tượng khách hàng được ưu tiên số 1.
Ngay từ giữa năm 2013, McDonald's đã rầm rộ công bố dự án "đổ bộ" vào TP.HCM. Là "người đến sau", McDonald's chắc chắn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt cùng hàng loạt các thương hiệu đồ ăn nhanh: KFC, Lotteria, Burger King, Subway, Jollibee, Pizza Hut, Domino's Pizza... đang có chỗ đứng khá tốt ở Việt Nam.
Tuy nhiên, McDonald's lại có thể lợi thế hơn khi thói quen ăn uống sử dụng đồ ăn nhanh đã được định hình trong một bộ phận người Việt trẻ. Đây là lợi thế không hề nhỏ mà các đối thủ như KFC không thể có được khi đặt chân đến Việt Nam cách đây 17 năm.
Ăn nhanh chỉ là ăn chơi?
Theo thống kê của Bộ Công thương Việt Nam, tổng doanh số của ngành thức ăn nhanh ở Việt Nam năm 2011 ước tính đạt 870 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2010. Với mức tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, thị trường thức ăn nhanh đang trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong các ngành hàng tiêu dùng thực phẩm hiện nay.
Vì sao đồ ăn nhanh lại ngày càng được hưởng ứng? Với khẩu vị của đại đa số người Việt, có thể những chiếc hamburger không quá hấp dẫn họ, nhưng những cửa hàng đồ ăn nhanh lại là điểm hẹn họ, giải trí, thư giãn hợp lý vào dịp lễ, tết, cuối tuần.
Giáo sư Markus Taussig, giảng viên Đại học Quốc gia Singapore, nhận định với Blomberg: "McDonald's vào Việt Nam sẽ được các bậc phụ huynh hưởng ứng. Có thể McDonald's không hấp dẫn họ nhưng họ lại hạnh phúc khi nhìn thấy con mình ngấu nghiến chiếc bánh mì kẹp thịt. Điều này khiến họ cảm thấy hòa nhập vào cuộc sống hiện đại, tích cực".
Nếu như ở Mỹ, đồ ăn nhanh được coi là đồ ăn bình dân, ăn nhanh để tiết kiệm thời gian, thì ở Việt Nam khái niệm "ăn nhanh" đã có phần thay đổi. Thậm chí, nhiều người vẫn quan niệm đi ăn KFC, Lotteria... là ăn sang và rất sành điệu. Đồ ăn nhanh đáp ứng một phần nhu cầu tiếp cận dịch vụ phong cách Tây của hàng triệu cư dân trẻ tại các thành phố lớn.
Lẽ dĩ nhiên McDonald's vào TP.HCM làm thị trường đồ ăn nhanh sẽ càng thêm hấp dẫn, sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh những sự háo hức được thưởng thức hương vị của "gã khổng lồ" McDonald's, cũng có không ít đắn đo rằng khi mà thế giới đang dần chuyển từ thức ăn nhanh, đông lạnh sang các thực phẩm có lợi cho sức khỏe thì Việt Nam lại đang tiếp nhận khá nhiều chuỗi thức ăn nhanh.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho rằng: Điều rất đáng ngại là thức ăn nhanh có sức hấp dẫn, dễ trở thành "phong trào sành điệu" đối với trẻ em hay thanh thiếu niên.
Đặc biệt, trong vòng 10 năm nay, tình trạng thừa cân béo phì tại TP.HCM gia tăng nhanh chóng, tăng đến 9 lần. Nếu như thiếu kiểm soát, thức ăn nhanh có thể góp phần hình thành thói quen ăn uống không tốt cho giới trẻ.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra lạc quan đồ ăn nhanh chỉ là đồ ăn chơi, không thể ăn thường xuyên được. Với mức giá của một chiếc hamburger, cộng thêm khẩu vị của người Việt, thì không dễ gì lựa chọn hamburger cho mỗi ăn sáng. Còn để ăn bữa chính vào buổi trưa hay buổi tối lại càng khó khả thi.
"Ở Việt Nam, có thể tạm gọi xôi, những loại bánh mì kẹp trứng, kẹp thịt, cá hộp, chà bông, kèm với dưa leo, cà chua... là một dạng "thức ăn nhanh" nhưng lại là các loại thức ăn lành mạnh đối với sức khỏe. Thế thì, nếu vì lý do "nhanh" và "tiện lợi" thì hãy chọn các loại thức ăn nhanh kiểu Việt hơn là các loại thức ăn nhanh kiểu Mỹ nói trên", tiến sĩ Minh Hạnh khuyên.
Tiến sĩ Minh Hạnh khuyến cáo: "Phải nhấn mạnh rằng thức ăn nhanh chứa rất nhiều chất đạm, chất béo no, nhiều muối, nhưng lại thiếu chất xơ, vitamin. Ngoài ra, thức ăn nhanh còn thường kèm theo các loại nước uống có ga, khoai tây chiên chứa rất nhiều năng lượng. Bởi vậy, nếu bạn thường xuyên ăn thức ăn nhanh sẽ làm tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì".