McDonald’s và mục tiêu 100 cửa hiệu tại Việt Nam
Khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 8/2, chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald’s sẽ làm nóng thêm “cuộc chiến” fastfood tại đây. McDonald’s cho biết có thể sẽ mở 100 cửa hiệu tại Việt Nam trong vòng một thập kỷ tới.
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, việc đặt chân tới Việt Nam đánh dấu lần đầu tiên trong vòng hơn hai thập kỷ trở lại đây McDonald’s “khai phá” một thị trường mới trong khu vực Đông Nam Á. Cửa hiệu McDonald’s tại Việt Nam đầu tiên, đặt tại Tp.HCM, sẽ khai trương vào ngày thứ Bảy tuần này.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Nguyễn Bảo Hoàng, người đưa McDonald’s tới Việt Nam thông qua công ty Good Day Hospitality, cho biết, cửa hiệu McDonald’s đầu tiên tại Việt Nam sẽ có 350 chỗ ngồi. Ông Hoàng cũng nói rằng, việc mở rộng quy mô của McDonald’s tại Việt Nam lên mức 100 trong vòng một thập kỷ là một mục tiêu dù khó nhưng hoàn toàn có thể đạt được. Theo ông Hoàng, McDonald’s sẽ đến lúc có hàng nghìn thậm chí là hàng chục nghìn nhân viên ở Việt Nam.
Trước McDonald’s, đã có hàng loạt gương mặt “sừng sỏ” của ngành đồ ăn nhanh Mỹ đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2010. Trong số đó phải kể tới International Dairy Queen Inc của tập đoàn Berkshire Hathaway; Carl’s Jr. của CKE Inc; Domino’s Pizza Inc; Dunkin’ Donuts and Baskin Robbins của Dunkin’ Brands Goup Inc; Popoyes Louisiana Kitchen Inc.; Subway Restaurants; Starbucks…
“McDonald’s ở Việt Nam sẽ rất đông khách là các bậc cha mẹ, trong đó có nhiều người không thích dùng đồ ăn McDonald’s nhưng muốn cho con tới ăn để cảm nhận điều gì đó hiện đại”, giáo sư Markus Taussig thuộc Đại học Quốc gia Singapore, một người từng sống ở Việt Nam, nhận xét.
Chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh Burger King, một đối thủ đáng gờm của McDonald’s, đã có 29 cửa hiệu tại Việt Nam kể từ khi mở cửa hiệu đầu tiên ở đây vào năm 2011. Trong khi đó, KFC của Yum! Brands đã có mặt ở Việt Nam kể từ năm 1997.
Không đưa ra bình luận gì về đối thủ cạnh tranh, phát ngôn viên của Burger King chỉ nói rằng, Việt Nam là một thị trường “then chốt trong các mục tiêu phát triển toàn cầu của chúng tôi”.
Ông Paul Stoll, một người từng hỗ trợ việc thành lập Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói rằng, việc McDonald’s tới Việt Nam đưa thị trường tiêu dùng Việt Nam lên một sân chơi toàn cầu. “Đây là một thương hiệu toàn cầu quen thuộc và điều đó sẽ đem tới cho mọi người sự tin tưởng. Mọi người sẽ muốn tận mắt chứng kiến sự thể hiện của McDonald’s”, ông Stoll nói.
Hiện đã có khoảng 400 cửa hiệu McDonald’s ở Philippines, 260 ở Malaysia, 195 ở Thái Lan và 150 ở Indonesia. Việt Nam là ở thị trường Đông Nam Á mới nhất của McDonald’s kể từ khi hãng này mở cửa hiệu đầu tiên ở Brunei vào năm 1992.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng sinh ra tại Sài Gòn rồi sang Mỹ sau khi miền Nam được giải phóng. Ông lớn lên ở Mỹ và đã có thời gian làm thêm ở McDonald’s vào mùa hè các năm 1988-1989. Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, ông Hoàng trở về Việt Nam 2001. Ông là một trong các nhà quản lý của quỹ đầu tư công nghệ IDG Ventures Vietnam.
Vào năm 2012, các thị trường ngoài Mỹ đóng góp khoảng 68% doanh thu của McDonald’s, so với tỷ lệ 49% vào năm 2000, theo dữ liệu của Bloomberg.
Theo nhận định của ông Ralf Matthaes, một chuyên gia thuộc công ty nghiên cứu TNS Vietnam, việc mở 100 cửa hiệu McDonald’s trong vòng 10 năm ở Việt Nam là “rất khả thi”.
“Mức thu nhập và thu nhập khả dụng ở Việt Nam đang tăng nhanh. McDonald’s sẽ hướng tới tầng lớp người Việt Nam trung lưu, có thu nhập hộ gia đình trong khoảng từ 500-1.000 USD mỗi tháng, và họ sẽ thành công. Trẻ em sẽ là đối tượng khách hàng chính. McDonald’s sẽ là nơi tổ chức sinh nhật cho nhiều trẻ em Việt Nam”, ông Matthaes nói.