Thủ Thuật SEO: Sàng Lọc Nội Dung – Dùng Category hay Tag?
Một trong những đề tài chúng tôi nhận thấy được thảo luận nhiều nhất trong WordCamps và các sự kiện khác chính là: thủ thuật nào đem lại lợi ích cho SEO nhiều hơn – “Category hay Tag”? Sự khác biệt giữa Category và Tag như thế nào? Một website WordPress dùng bao nhiêu Category là đủ? Bao nhiêu lại quá nhiều? Ta có thể đăng một bài viết trong nhiều Category khác nhau hay không? Liệu có giới hạn nào trong việc sử dụng số lượng Tag cho từng bài viết không? Các Tag có hoạt động như các meta từ khóa không? Có lợi ích SEO nào nhận được nếu chúng ta sử dụng số Category vượt trội số lượng Tag, và ngược lại không? Tuy một số người có đăng bài bình luận về chủ đề này trên một số website, nhưng chúng thường không nhất quán và thiếu triệt để. Nếu bạn cũng đang gặp phải khúc mắc trong những câu hỏi này, hy vọng bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho mình sau khi đọc xong bài viết, để từ đó tạo các thay đổi cần thiết cho trang blog.
Trước khi thảo luận bất cứ câu hỏi nào được nêu ở trên, chúng ta cần tìm hiểu Category và Tag là gì? Trong WordPress, cả Category và Tag đều được hiểu là sự phân loại nội dung. Mục tiêu duy nhất của chúng là sàng lọc nội dung để cải thiện tính tiện dụng cho website. Tức là khi người dùng truy cập website, họ có thể xem lướt nội dung theo chủ đề thay vì xem theo trình tự thời gian các bài viết được đăng tải.
Đâu là sự khác biệt giữa Category và Tag?
Category có chức năng nhóm các bài viết của bạn theo các chủ đề tổng quát. Hãy xem chúng là các chủ đề chung chung, hay mục lục nội dung trên website của bạn. Category giúp người đọc nắm được nội dung chủ đạo của trang blog. Nó giúp khách truy cập tìm đúng loại nội dung cần tìm trên website. Category là một hệ thống cấp bậc, do đó, bạn có thể tạo ra các Category con.
Tag mô tả các chi tiết thông tin mang tính cốt lõi của bài viết. Hãy xem chúng như các từ khóa phân loại nội dung của website. Chúng là các từ bạn có thể sử dụng để phân nhỏ nội dung của bạn. Tag không mang tính cấp bậc.
Giả sử bạn có một trang blog cá nhân – nơi bạn tự do viết về cuộc sống của mình, với các Category như: Âm nhạc, Ẩm thực, Du lịch, Bài viết ngẫu hứng và Sách yêu thích. Khi bạn viết một bài về những gì bạn đã ăn, bạn sẽ bỏ nó vào Category Ẩm thực, và chèn các tag như pizza, mì ống, bò nướng, v.v
Một trong những khác biệt lớn nhất giữa Tag và Category chính là: bạn phải dùng Category để phân loại bài viết của bạn. Nhưng bạn không cần phải bổ sung các Tag. Nếu bạn không phân loại bài viết, nó sẽ được xếp vào mục “Uncategory” – “Chưa được phân loại” của website – mà người ta thường đặt tên chúng là Các Bài Viết Khác, Không Đề, v.v
Một khác biệt khác nữa chính là cấu trúc permalink (url) của Tag và Category. Nếu bạn đang sử dụng cấu trúc permalink (URL) tùy chỉnh, khi đó phần tiếp đầu ngữ nội dung sẽ rất khác biệt. Ví dụ:
https://yoursite.com/category/food/ và https://yoursite.com/tag/food/
Website WordPress nên có tối đa bao nhiêu Category?
Chúng ta vẫn chưa được hỗ trợ chức năng chèn Tag cho đến khi phiên bản WordPress 2.5 ra mắt. Chúng ta từng có các danh sách Category rất dài, vì người ta buộc phải dùng chúng để xác định các tiểu chi tiết. Sau đó, các Tag được bổ sung để cải thiện tính tiện dụng cho website. Và như thế, chúng tôi nghĩ rằng việc tạo các Category sẽ không có con số tối ưu cụ thể. Con số này thay đổi tùy theo độ phức tạp của website. Tuy nhiên, để đảm bảo một cấu trúc nội dung hợp lý và tính tiện dụng cho trang web, bạn cần dùng đến các Tag và Sub-category.
Category được dùng để nhóm các bài viết với nhau theo từng chủ đề. Tốt nhất, bạn nên bắt đầu từ các Category tổng thể, rồi tiếp tục mở rộng các Sub-category khi website phát triển hơn. Với kinh nghiệm quản lý khá nhiều trang blog, chúng tôi nhận ra các trang blog luôn luôn phát triển. Bạn chẳng thể nào xác định các Category chính xác ngay từ đầu. Vì khi mới bắt đầu, bạn chỉ có thể viết một bài mỗi ngày. Thậm chí từ 3-5 bài/ngày. Việc tạo ra 30 Category chính sẽ trở nên vô nghĩa, đặc biệt là khi một vài trong số chúng chỉ chứa một hoặc hai bài viết. Tốt nhất, bạn nên bắt đầu với năm Category tổng thể nhưng cung cấp nội dung mới, thay vì 30 Category nhưng hầu hết đều không được cập nhật.
Lấy ví dụ như thế này: giả sử chúng ta bắt đầu xây dựng một trang blog mạng xã hội vào năm 2012 để chia sẻ các tài liệu hướng dẫn, tin tức, công cụ, case study, v.v. Chúng ta muốn tạo các Category chính như Twitter, Facebook, Google+, LinkedIn, v.v. Và với mỗi Category chính, chúng ta sẽ tạo các Sub-category như công cụ, tài liệu hướng dẫn, case study, tin tức, v.v. Tuy nhiên, lối tư duy này chỉ đem lại hiệu quả ngắn hạn, chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải các vấn đề phát sinh trong tương lai. Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong các mạng xã hội này chết đi và một mạng khác bước vào cuộc chơi? Khi đó, bạn buộc phải bổ sung thêm một Category chính và các Sub-category tương ứng khác.
Tốt hơn hết là bạn nên tạo ra các Category tổng quát có thể tính trước mọi khả năng và liệu cách ứng phó ngay từ đầu. Bạn có thể tạo các Category như Tài Liệu Hướng Dẫn, Tin Tức, Case Study, Công Cụ, v.v. Nhưng, làm sao để người ta biết rằng chúng nói về Twitter? Các Category của bạn không nhất thiết phải đảm trách toàn bộ công việc này. Đây chính là lúc các Tag xuất hiện. Giả sử bạn viết một bài hướng dẫn về Twitter, bạn chỉ cần chèn Tag ‘twitter’ là được. Trong bản thiết kế, bổ sung thêm phần Các Chủ Đề Thông Dụng và dùng thao tác tay tạo liên kết trỏ đến các Tag phổ biến như Twitter, Facebook, Google+, v.v.
Khi nào cần bổ sung Sub-category?
Giả sử bạn là người thường viết Case study và thỉnh thoảng, bạn cũng phỏng vấn các chuyên gia để làm Case study. Vì không có Category nào với tên gọi “phỏng vấn các chuyên gia”, nên bạn cần chèn Tag này cho Case study đó. Nếu bạn thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn như thế này và tag ‘phỏng vấn chuyên gia’ có hơn 10 bài viết nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, bạn cần cân nhắc đến việc bổ sung Sub-category ‘phỏng vấn chuyên gia’ cho Category chính “Case Study” này.
Tất nhiên, bạn cần phải coi lại các bài viết cũ để chỉnh sửa chúng. Nếu cấu trúc URL của bạn là /danhmuc/tenbaiviet/, khi đó, cần đảm bảo bạn có sử dụng plugin Chuyển Hướng. Nó sẽ tự động chuyển hướng các bài viết được chỉnh sửa này sang URL mới nhưng vẫn đảm bảo thứ hạng hiện có.
Có nhất thiết phải dùng Sub-category không?
Dĩ nhiên là không. Bạn luôn có thể dùng các Tag phổ biến để làm Tag. Trong ví dụ trên, hầu hết các bài viết đều dùng một Tag cho một mạng xã hội nào đó như twitter, facebook, v.v. Nhưng chúng ta không tạo chúng như các Category. Lý do duy nhất để bạn chèn thêm Sub-category là để giúp người dùng dễ dàng tìm thấy nội dung hơn. Và bạn luôn có thể chèn Tag Phỏng Vấn Chuyên Gia ở đâu đó trên website của bạn.
Nhưng nên nhớ, mục tiêu cốt yếu của cả Category và Tag là giúp người dùng dễ dàng xem lướt website của bạn hơn.
Đăng cùng một bài viết cho nhiều Category liệu có được không?
Có lẽ bạn đã đọc được đâu đó trên các website khác rằng: nếu chèn cùng một bài viết cho nhiều Category khác nhau, bạn có thể gây tổn hại cho SEO. Có người còn nói, bạn sẽ bị phạt penalty vì tội tạo ra nội dung trùng lắp. Chúng tôi nghĩ rằng các phát biểu này không phải lúc nào cũng đúng. Trước hết, bạn không nên lạm dụng SEO. Nên nhớ, bạn sàng lọc nội dung là để giúp người dùng tìm thấy chúng dễ dàng hơn. Tùy theo các chủ đề mà Category được thành lập, bạn sẽ có khuynh hướng đăng cùng một bài viết cho nhiều Category hay không. Chẳng hạn như, nếu trang blog của bạn có ba Category: Quảng Cáo, Marketing, và SEO. Các bài viết của bạn sẽ có xu hướng rơi vào nhiều Category khác nhau. Phải chăng bạn nên cần đến một Category tổng thể cho cả ba Category này? Phải chăng chúng nên nằm trong Category Kinh Doanh? Hoặc bạn có thể tạo một Category với tên gọi Quảng Cáo & Marketing. Sau đó tạo Sub-category SEO cho Category đó.
Không hề có lợi ích SEO nào ở đây khi bạn chèn bài viết cho nhiều Category. Nhưng nếu bạn nghĩ điều này có thể giúp ích cho người dùng của bạn, hãy cứ chèn bài viết một cách thoải mái. Tuy nhiên, nếu nhận thấy vấn đề này thường xuyên xảy ra, đã đến lúc bạn phải cấu trúc lại các Category của bạn. Có lẽ bạn cần chuyển một số Category này thành Tag hoặc là chuyển thành Sub-category của một Category chính nào đó. Tất cả đều nhằm mục đích cải thiện trải nghiệm người dùng tốt hơn.
Nếu bạn thực sự quan tâm đến hình phạt penalty vì nội dung trùng lắp, khi đó chỉ cần đánh dấu ô (noindex, follow) trong phần Taxonomies bằng cách sử dụng WordPress SEO bởi Yoast plugin.
Nếu bạn muốn (noindex, follow) một Category cụ thể, chỉ cần điều chỉnh lại Category đó. Yoast plugin có phần cài đặt vượt trội hơn hẳn phần cài đặt tổng thể.
Nói chung, khi bạn (noindex, follow) một yếu tố nào đó thì chip thu thập của Google và các công cụ tìm kiếm khác sẽ đi theo tất cả các liên kết bài viết trong các category này để đánh chỉ mục tất cả các bài viết. Tuy nhiên, không đánh chỉ mục các thư mục Category chính để tránh trường hợp nội dung trùng lắp.
Tóm lại như thế này: WordPress cho phép bạn chèn một bài viết cho nhiều Category tùy thích. Bạn có thể tùy ý chèn bài viết cho nhiều Category khác nhau, miễn điều đó hữu ích cho người dùng của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn xem các Category như Mục Lục, Nội Dung mà trong đó, các bài viết là các chương khác nhau thì theo bạn, liệu một chương có thể nằm trong hai phần khác nhau không? Câu trả lời đã quá rõ ràng là KHÔNG THỂ.
Số lượng Tag trong từng bài viết có giới hạn hay không?
Câu trả lời rất ngắn gọn là: KHÔNG. WordPress KHÔNG giới hạn số Tag mà bạn có thể chèn vào một bài viết cụ thể. Bạn có thể chèn cả ngàn Tag nếu thích. Tuy nhiên, mục đích của việc dùng Tag là liên kết các bài viết lại với nhau. Một lần nữa, hãy xem các Tag như bảng phụ lục trong cuốn sách của bạn. Chúng là những từ khóa phổ biến bạn có thể sử dụng để kết nối sơ các bài viết với nhau. Người dùng sẽ dễ dàng tìm thấy bài viết của bạn hơn, đặc biệt là khi họ sử dụng chức năng tìm kiếm WordPress. Sẽ rất hữu ích nếu bạn dùng Tag để phục vụ cho người dùng. Nhưng bạn không nên chèn quá 10 Tag trừ khi có lý do chính đáng. Chẳng hạn như: nếu bạn đang quản lý trang blog bình luận phim, bạn có thể chèn rất nhiều Tag: tên diễn viên nam / diễn viên nữ (riêng yếu tố này cũng chiếm hơn 10 Tag), vì bạn có thể bình luận rất nhiều phim liên quan đến Adam Sandler. Nhưng với các trường hợp ít nổi tiếng khác, bạn nên giới hạn số lượng Tag sử dụng. Nếu không, bạn sẽ nhận thấy rằng có thể mình đã dùng đến 10.000 tag nhưng chỉ có 300 bài viết trên website.
Tag có hoạt động như Meta từ khóa?
Người ta thường nhầm lẫn các Tag như các Meta từ khóa trên trang blog. Đó là lý do tại sao họ luôn cố gắng chèn càng nhiều Tag càng tốt. Nhưng Tag KHÔNG PHẢI là các Meta từ khóa. Ít nhất là chúng không được mặc định như vậy. Các plugin nổi tiếng như WordPress SEO của Yoast cho phép bạn sử dụng Tag như các Meta từ khóa. Nhưng nếu bạn không điều chỉnh tính năng cho các plugin này như thế, các Tag của bạn SẼ KHÔNG hoạt động như Meta từ khóa được.
Category và Tag: Cái nào tốt cho SEO hơn?
Câu hỏi thường xuyên được đặt ra nhất khi nói đến chủ đề này đó là: liệu có lợi ích SEO nào nhận được nếu chúng ta ưu tiên dùng Category thay vì Tag, và ngược lại hay không? Câu trả lời là KHÔNG. Bạn KHÔNG NÊN quá xem trọng Category hay một hình thức phân loại nội dung nào đó. Chúng hiện hữu là để làm việc cùng nhau. Nếu bạn đã đọc xong bài viết này, hy vọng bạn hiểu rõ sứ mệnh riêng của Category và Tag, cũng như sứ mệnh chung của chúng trong việc cải thiện tính tiện dụng cho website.
Kết Luận
Website của bạn là để phục vụ người dùng, chứ không phải cho các chip tìm kiếm. Mục tiêu của từng công cụ tìm kiếm là cố gắng suy nghĩ như người dùng khi đánh giá nội dung của bạn. Nếu bạn đưa ra các quyết định dựa trên tính tiện dụng của website, bạn sẽ luôn gặt hái được các thành công SEO. Category và Tag là hai hình thức phân loại nội dung điển hình của WordPress. Hầu hết các website cao cấp đều sử dụng các hình thức phân loại tùy chỉnh để sàng lọc nội dung của họ song song với Category và Tag. Hãy xem trang blog của bạn là một cuốn sách không bao giờ có trang cuối để xây dựng Mục Lục Nội Dung (các Category ) sao cho hợp lý. Tạo các Category tổng quát, nhưng không quá mơ hồ. Dùng Tag để kết nối sơ các bài viết lại với nhau. Nếu bạn thấy một Tag nào đó dần trở nên phổ biến, hãy nghĩ ngay đến việc tạo Sub-category cho nó. Tuy nhiên, nếu bạn muốn dùng Tag như Sub-category cho nhiều Category chính, hãy cứ dùng nó là Tag đơn thuần. Mục tiêu cuối cùng của bạn là giúp website càng thân thiện với người dùng càng tốt.