Chỉ số Big Mac có mặt Việt Nam

Khi cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại Việt Nam khai trương vào thứ Bảy (8-2) tuần này, ít nhất sẽ có một tờ báo kinh tế hàng đầu thế giới quan tâm theo dõi. Đó là tờ the Economist với chỉ số Big Mac nổi tiếng.

Trên bài báo cập nhật tình hình chỉ số Big Mac, là sản phẩm riêng của tờ báo này, vào đầu năm 2014, the Economist hứa hẹn ngay sau khi McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, họ sẽ cập nhật chỉ số này có bổ sung tiền đồng vào tháng tới.

Như mọi người đều biết bên cạnh tỷ giá chính thức nói lên giá trị tương quan giữa hai đồng tiền, sức mua thực tế của hai đồng tiền này chưa chắc đã như tỷ giá niêm yết đó. Ví dụ hiện nay 1 đô la Mỹ tương đương chừng 21.000 đồng nhưng một ổ bánh mì loại ngon ở Việt Nam có thể có giá 21.000 đồng trong khi ổ mì tương đương nếu mua ở Mỹ phải đến 5 đô la Mỹ. Từ đó mới có khái niệm ngang bằng sức mua (PPP) với giả định tỷ giá sẽ phải được điều chỉnh như thế nào đó để một rổ hàng hóa và dịch vụ sẽ có giá như nhau ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Tờ the Economist đơn giản hóa vấn đề bằng cách rổ hàng hóa và dịch vụ này chỉ có một món duy nhất - đó là chiếc bánh mì hamburger của cửa hàng McDonald’s - thường được gọi là chiếc Big Mac, có nguyên liệu gần y như nhau ở nhiều địa điểm trên thế giới. Thu thập giá chiếc Big Mac ở các nước, the Economist tính ra chỉ số Big Mac cho từng nước để biết đồng tiền nước đó đang được định giá cao hay thấp so với mức chung. Ví dụ mua chiếc Big Mac ở Na Uy tốn 7,80 đô la Mỹ trong khi cũng chiếc Big Mac đó ở Mỹ có giá 4,62 đô la Mỹ. Tờ báo tạm thời kết luận: đồng krone của Na Uy bị định giá cao ít nhất là 70%!

Chỉ số Big Mac có mặt Việt Nam

Cửa hàng McDonald's đầu tiên tại Việt Nam sẽ được mở ngày 8-2 tới tại số 2-6 Bis Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM.

Hiện nay thị trường tài chính thế giới đang rúng động vì chuyện Mỹ dần dần giảm bớt các biện pháp kích thích nền kinh tế, tức đảo ngược gói “nới lỏng định lượng” nhằm giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục để kích thích đầu tư và tiêu dùng. Nói là rúng động bởi khi Mỹ công bố quyết định giảm mua trái phiếu (giảm 10 tỉ đô la, còn 65 tỉ đô la/tháng), tức giảm lượng tiền tung ra thị trường, ngay lập tức đồng tiền nhiều nước chao đảo, có nơi giảm mạnh đến 10% trong một thời gian ngắn.

Dùng chỉ số Big Mac, tờ the Economist tính toán xem đồng tiền nước nào sẽ còn phải “điều chỉnh mạnh” trong thời gian tới. Brazil có vẻ dễ bị tác động nhất vì chiếc Big Mac ở đó có giá đến 5,25 đô la Mỹ, ý nói đồng real của nước này “cao giá” đến 13%. Đô la Úc thì sau khi đạt đỉnh cao và sụt mạnh trong năm 2013 nay “dưới giá” chừng 3%, ngược lại đô la Canada thì cũng “cao giá” đến 8% so với đồng euro có giá hơi cao, chừng 7%.

Dĩ nhiên chỉ số Big Mac dùng để giải trí là chính chứ không ai lấy đó làm thước đo để điều chỉnh tỷ giá. Hơn nữa như ý nghĩa thật sự của khái niệm PPP, sự chênh lệch sức mua của đồng tiền các nước luôn luôn tồn tại, ví dụ tiền công hớt tóc, làm đầu ở Việt Nam có lẽ sẽ còn luôn rẻ hơn tiền công hớt tóc, làm đầu ở Mỹ. Đã có nhận định cho rằng chênh lệch sức mua tương đương này ở Việt Nam đang giảm dần do lạm phát cao trong nhiều năm liền trong khi tỷ giá thay đổi chậm hơn.

Nhưng dù sao có thêm tiền đồng trong chỉ số Big Mac của the Economist cũng giúp chúng ta hình dung sức mua tiền đồng đang nằm ở đâu. Hãy chờ ngày McDonald’s công bố bảng giá Big Mac bằng tiền đồng xem sao.

Nguồn The Saigon Times