5 xu hướng hàng đầu của ngành bán lẻ
Kết thúc mùa mua sắm cao điểm cuối cùng của năm 2013 cũng là lúc các hãng bán lẻ suy nghĩ về những chiến lược tốt nhất để có thể tiếp tục “xông pha” với một năm “ngựa hoang” đầy thử thách.
Có thể thấy, sự tương tác nhanh chóng của người tiêu dùng với các kênh mua sắm đa dạng đã khiến công việc mua sắm không còn đơn thuần là việc mua và bán nữa mà đã phát triển thành phạm trù văn hóa và đứng đằng sau là cả một nền công nghiệp khổng lồ.
Dưới đây là 5 xu hướng chính của ngành bán lẻ dự kiến sẽ bùng nổ trong năm 2014 theo trang Insider Retail trích nhận định của Peter Firth - Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường TNS Global.
1. Năm của chất lượng
Người tiêu dùng ngày càng hiểu rõ hơn về nhu cầu của họ. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin giúp họ dễ dàng tìm được đâu là nơi mang đến cho họ những giá trị tốt nhất mà không cần quá quan trọng về vấn đề giá cả.
Thay vào đó, thứ mà người tiêu dùng tìm kiếm trong năm 2014 sẽ là chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Chính vì vậy, các chuyên gia nghiên cứu của Insider Retail cho rằng năm 2014 sẽ là năm “giá trị của những giá trị”.
Thực tế cho thấy, bất chấp tình hình kinh tế suy thoái, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mở hầu bao cho các mặt hàng xa xỉ. Đơn cử như tại Ấn Độ, số liệu thống kê của Văn phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) cho thấy, thị trường các mặt hàng cao cấp tại quốc gia này trong năm 2013 đã đạt 8,5 tỷ USD với mức tăng trưởng 25-30%.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, ông D S Rawat, Tổng Thư ký ASSOCHAM, nhấn mạnh: “Đồ trang sức sang trọng, điện tử, xe hơi… đã có một năm khởi sắc ngoài mong đợi. Xem ra, các mặt hàng xa xỉ không hề bị ảnh hưởng bởi tình hình suy thoái kinh tế. Dự kiến năm 2014 sẽ tiếp tục làm một năm “ăn nên làm ra” đối với phân khúc này”.
Trong khi đó, theo một khảo sát trực tuyến của hãng Niesel thì có tới 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi bộn tiền cho hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc đứng đầu với 74% và Ấn Độ đứng thứ hai với 59%.
Niesel đánh giá điều này chịu ảnh hưởng lớn từ do tâm lý thích sử dụng và chịu chi cho hàng hiệu của người Châu Á nói chung đều nhằm thể hiện vị thế của mình trong mắt người đối diện và trong xã hội.
2. “Cá nhân hóa” sản phẩm
Người tiêu dùng ngày nay không còn muốn lựa chọn những sản phẩm đại trà, mà muốn những sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn phong cách cá nhân của người sử dụng.
Nắm bắt được tâm lý này, các công ty đang cho ra đời ngày càng nhiều những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân như việc chạm khắc tên lên sản phẩm hay lựa chọn những kiểu dáng thiết kế ấn tượng… Hiện các thương hiệu như Nike, Coca-Cola và Motorola đang thực hiện khá tốt xu hướng này.
Dự kiến, đây sẽ xu hướng nở rộ trong năm 2014, mang tới cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vùa và nhỏ trong việc thâm nhập thị trường mà những “đại gia” bán lẻ đang để trống.
3. Mang đến những trải nghiệm mua sắm thú vị cho khách hàng
Trong khi các hãng bán lẻ đang chạy đua trong việc tạo ra sự khác biệt cho cả các cửa hàng trên phố lẫn các gian hàng trực tuyến, việc mang lại những trải nghiệm mua sắm thú vị cho khách hàng cũng là một kế hoạch dài hơi quan trọng không kém.
Có thể thấy, ranh giới giữa mua sắm và giải trí của người tiêu dùng đang ngày càng mờ nhạt dần. Người tiêu dùng đã không còn thỏa mãn với mô hình máy bán hàng của thập kỷ trước, mà họ muốn được giải trí, được cung cấp thông tin khi lướt web, được tiếp cận với những nhân viên bán hàng năng động, nhiệt tình, vui tính và sau đó mới đưa ra quyết định mua.
Việc thỏa mãn được những nhu cầu giải trí này của người mua sẽ là chiếc chìa khóa mang đến cho các hãng bán lẻ nhận rất nhiều khách hàng trung thành.
4. Xóa bỏ ranh giới giữa các thiết bị điện tử để thu thập thông tin khách hàng toàn diện hơn
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng mua sắm trực tuyến, việc nắm bắt hành trình mua sắm của người tiêu dùng đang ngày càng trở nên gian nan hơn với các nhà bán lẻ khi những “thượng đế” có thể chọn con đường riêng, cùng kênh mua sắm và địa điểm riêng.
Vì vậy, để phân tích được hành trình mua sắm của khách hàng, trong năm 2014, các hãng bán lẻ sẽ ưu tiên xóa bỏ ranh giới giữa các thiết bị để thu thập thông tin khách hàng một cách toàn diện hơn bằng cách tiến hành đồng bộ thông tin từ điện thoại, máy tính bàn và máy tính bảng.
Thực tế, trong một ngày, người tiêu dùng có thể tiếp xúc với một sản phẩm thông qua nhiều thiết bị điện tử như xem bằng điện thoại di động, đăng ký mua bằng laptop và “like” sản phẩm đó trên Facebook bằng máy tính bàn.
Do đó, các hãng bán lẻ không nên bỏ qua bất kỳ khoảng trống nào trong việc tiếp cận khách hàng, từ đó giúp họ biết được kênh bán hàng nào hiệu quả, cá biệt hóa các trải nghiệm mua sắm và nâng cao vị thế của họ.
5. Kết thân với các phương tiện truyền thông
Sự bùng nổ của mạng xã hội những năm gần đây đã trở thành một nhân tố khá quan trọng ảnh hưởng tới cả việc người ta mua gì và bán gì.
Thông qua các trang mạng xã hội như Pinterest, Facebook hay Tweeter các nhà bán lẻ có thể đánh giá cận cảnh sát thời gian thực về sản phẩm nào đang được người tiêu dùng quan tâm. Đây là một khả năng mà ngay cả các nghiên cứu thị trường truyền thống cũng khó có thể làm được.
Từ việc đo được độ nóng của các sản phẩm thông qua các cộng đồng mua sắm trực tuyến, các hãng bán lẻ có thể cân nhắc và sử dụng những thông tin này để có quyết định trữ hàng hợp lý.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng có thể sử dụng các công nghệ mới nhằm tăng cường khả năng tương tác với khách hàng như iBeacon của Apple - công nghệ theo dõi bán lẻ mới cho người dùng. Công nghệ này có thể giúp người mua tìm một sản phẩm trên giá hàng hoặc có thể nói cho họ khi nào yêu cầu của họ sẵn sàng để chọn sản phẩm hoặc thông báo cho họ những sản phẩm mà họ bước tới xem.