Gần tết, thị trường bia bất ngờ dậy sóng?
Theo báo cáo của Bộ Công thương , tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng trung bình 12% giai đoạn 2006-2010 và dự báo tăng 13% giai đoạn 2011-2015. Những ngày cuối năm đang trôi nhanh, đây cũng là mùa sôi động của hoạt động kinh doanh rượu, bia, nước giải khát. Thị trường bia Việt Nam được xem là một trong những thị trường hấp dẫn vì có sức tăng trưởng mạnh mẽ.
Với sự hiện diện của thương hiệu bia Anheuser-Busch InBev (sở hữu thương hiệu Budweiser, sẽ ra bia vào năm 2014), thị trường bia Việt Nam đã hiện diện gần đủ các hãng bia hàng đầu thế giới và khu vực. Theo báo cáo của Bộ Công thương , tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng trung bình 12% giai đoạn 2006-2010 và dự báo tăng 13% giai đoạn 2011-2015.
Ngân sách truyền thông ngành F&B trong năm 2013 tăng mạnh với sự tham gia quyết liệt của Sabeco, Sapporo, Habeco và cả các hãng bia địa phương. Nhà máy bia Việt Nam (VBL), công ty sở hữu những thương hiệu bia mạnh như Heineken, Tiger, Larue, BGI vẫn là công ty chi mạnh nhất cho truyền thông và duy trì mức tăng lên đến hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là Sabeco, Sapporo tạo nên một cuộc đua không khoan nhượng trên truyền thông.
Điểm đáng chú ý nhất vào ngưỡng cuối năm 2013 chính là sự ra đời của một loại bia Việt mới – bia Sư Tử Trắng. Xem qua TVC của Sư Tử Trắng, các hoạt động kích hoạt thương hiệu, cách đặt tên, thông điệp truyền thông đầy kiêu hãnh, "Giờ gầm đã điểm" làm chúng ta có sự liên tưởng đến một lời tuyên chiến từ tân binh này với một thương hiệu bia đã thành danh và có chỗ đứng khá mạnh mẽ tại Việt Nam. Liệu thị trường bia có phải là mảnh đất "dễ xơi" hay không thì còn phải chờ thời gian trả lời khi nhiều tên tuổi hiện có trên thị trường đã tồn tại rất lâu.
Thị trường bia Việt Nam được phân chia khá rõ ràng theo vị thế và tính địa phương. Ở phân khúc bia cao cấp, gần như là lãnh địa độc chiếm của Heineken và một vài loại bia nhập khẩu. Phân khúc tiêu dùng phổ thông, phiá Nam là bia Sài Gòn và phiá Bắc là sân chơi của bia Hà Nội. Các thương hiệu quốc tế khác và bia địa phương chỉ đủ sức chinh phục sân chơi có tính khu vực như Huda, Festival, Carsberg, San Miguel, Larue, Halida, Trúc Bạch, Đại Việt, Sagoda, ... Dòng bia cấp thấp thuộc về bia hơi, các lò nấu bia nhỏ địa phương.
Sự thâm nhập thị trường của Sapporo với phân khúc cao cấp cộng với chiến lược bám điểm bán mạnh mẽ đã dần tạo cho Sapporo một chỗ đứng chia sẻ miếng bánh với Heineken. Thành công của Sapporo cho thấy, dù có khó khăn, nhưng với chiến lược rõ ràng thì phân khúc bia cao cấp vẫn còn cơ hội cho những thương hiệu bia có lực. Phân khúc chủ lực (main stream), chiến đến gần ¾ tổng thị trường lại là phân khúc sôi động nhất vì chưá đựng đầy đủ những cung bậc cạnh tranh từ định vị đến chất lượng, từ phân phối đến truyền thông và nhiều nữa.
Sư Tử Trắng với lựa chọn định vị mang tính thách thức với bia Tiger nhưng phân khúc giá phải chăng cùng với các hoạt động kích hoạt mạnh mẽ tại điểm bán hàng như chương trình "gầm vang" khi cụng ly, hay đập búa trúng thưởng tủ lạnh đầy bia để "thiết đãi" anh em đã tạo được bầu không khí phấn khích tại các "điểm nhậu" quanh TP.HCM và có những hiệu ứng nhất định.
Thật vậy, lý do chủ đạo của người Việt bên ly bia chính là tình bằng hữu. Đây cũng là cách mà hầu hết các thương hiệu bia phân khúc phổ thông hướng vào khai thác. Tuy nhiên, tạo ra được một phong cách riêng gắn liền không khí "chiến hữu" là không dễ mặc dầu Sư tử trắng đã mang lại được ít nhiều không khí cho người uống khi nâng ly.
Câu hỏi lớn nhất đối với Sư Tử Trắng có lẽ là kênh phân phối tại các quán (on premise). Còn quá sớm để nói đến thành bại của một thương hiệu nhưng cũng phải thừa nhận những dấu ấn bước đầu của Sư tử trắng. Và cái lợi lớn nhất, là người tiêu dùng có thêm một cơ hội lựa chọn cho mình một thương hiệu bia yêu thích và điệp khúc "cuối năm làm giá" chắc sẽ chỉ còn là câu chuyện của ký ức.
Đấy cũng chính là cách một thị trường phát triển lành mạnh và đáng lựa chọn cho ngành rượu, bia, nước giải khát Việt Nam.