Những người không đầu hàng giông bão

Sẵn sàng đối mặt và vượt qua nó, nhất là giai đoạn khắc nghiệt của những năm 2011, 2012. Giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp - Mark of Respect” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư phối hợp cùng thương hiệu Royal Salute ra đời năm 2013 nhằm tôn vinh những người như vậy. Tại đêm trao giải ngày 15.1.2014 mới đây, 50 người xuất sắc nhất đã xuất hiện với tâm thế của những chú đại bàng đầy bản lĩnh.

Không đầu hàng giông bão

Phải nói ngay rằng, không chỉ có 50 doanh nhân được chọn mới thể hiện bản lĩnh vượt khó trong kinh doanh, đã có hàng trăm hàng ngàn doanh nhân khác cũng làm được như vậy. Tuy nhiên, đây là những doanh nhân thành công nhất thể hiện vai trò đàn anh trong việc vượt khó.

Ngôi vị quán quân trong lần ra mắt đầu tiên của giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp - Mark of Respect” 2013 là bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Kết quả này có vẻ không có nhiều bất ngờ, nhưng rõ ràng, các thành quả đạt được của Vinamilk qua các con số đã nói lên tất cả.

Nhưng cũng không kém bất ngờ nếu xét những người tiếp theo trong top 5 doanh nhân hàng đầu. Vị trí kế tiếp là ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco; ông Lê Công, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh; ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

Những người không đầu hàng giông bão

Đi sâu vào ngành nghề hoạt động, có thể thấy rằng, chế biến thực phẩm là ngành có số lãnh đạo xuất sắc nhiều nhất. Hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn, ngành này đóng góp đến 7 đàn anh vượt bão thành công. Đáng chú ý nhất là ngành sản xuất công nghiệp và hạ tầng cơ bản cùng nông nghiệp. Nông nghiệp là lợi thế của Việt Nam nhưng để tận dụng lợi thế ấy và phát triển vượt bậc thì không có nhiều doanh nhân thành công. Riêng công nghiệp là ngành thách thức nhất vì quá trình đầu tư đòi hỏi chi phí rất, rất cao so với những ngành còn lại. Hơn nữa, với quy mô đầu tư lớn, lãnh đạo doanh nghiệp còn đối mặt với thách thức rất lớn trong việc vạch ra chiến lược dài hạn với tầm nhìn hơn người. Do đó, sự góp mặt của lãnh đạo các nhóm ngành này trong năm nay là rất đáng tôn vinh. Sự tôn vinh không chỉ nằm ở tiêu chí lợi nhuận mà họ xuất sắc kiếm được trong giông bão (giai đoạn 2011 - 2012), mà còn ở những tiêu chuẩn khắt khe khác như năng lực phát triển đội ngũ và năng lực sáng tạo đổi mới.

Trong quá trình kết hợp với thương hiệu Royal Salute xét duyệt, có đến 78 hồ sơ hợp lệ nhưng Nhịp Cầu Đầu Tư chỉ được phép chọn 50 người cho vị trí hàng đầu. Sau những ngành có ứng viên cao như trên, chúng tôi cũng ghi nhận sự vượt trội của các doanh nhân ở những ngành như dược phẩm, tiêu dùng, bán lẻ, vận tải… Có những ngành chỉ có 1 ứng viên xuất sắc như điện tử - viễn thông, hóa chất công nghiệp, may mặc…

Điều thú vị khác trong các ứng viên vượt bão xuất sắc là số doanh nhân nữ. Có đến 9 “đàn anh” là nữ so với tổng số 50 người xứng đáng được tôn vinh. Đứng đầu vẫn là bà Mai Kiều Liên, Vinamilk. Bên cạnh đó còn có một số gương mặt đáng chú ý như bà Đặng Thị Lan Phương, Tổng Giám đốc Công ty Ánh Dương (Vinasun) hay bà Trần Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Trung ương (NSC)…

Những người không đầu hàng giông bão

Kỳ vọng những “đàn anh” tiếp theo

Với hội đồng thẩm định là những người giàu kinh nghiệm và uy tín, giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp - Mark of Respect 2013” đã chọn ra những người xuất sắc và xứng đáng nhất. Để được công nhận hẳn các doanh nhân phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng tất cả các tiêu chí. Nhưng mặt khác, vượt bão còn là sứ mệnh trên hành trình kinh doanh của mỗi doanh nhân. Vì vậy, chắc chắn sẽ còn nhiều gương mặt xuất sắc khác xuất hiện trong năm sau và đáp ứng trên cả sự mong đợi ở các tiêu chí xét duyệt.

Có một điều đáng tiếc là trong số 100 hồ sơ lọt vào vòng sơ khảo, có đến 22 hồ sơ đã không được xem xét tiếp vì những thay đổi bất ngờ. Thay đổi lãnh đạo là trường hợp chiếm nhiều nhất. Điều này rất đáng tiếc vì phần lớn họ đã vượt bão thành công và cũng là những doanh nghiệp trong nhóm đầu ngành. Công ty bị hủy niêm yết hoặc sáp nhập là trường hợp khá ít do những biến động thời cuộc và chiến lược phát triển khác biệt. Còn lại, những doanh nghiệp chưa cung cấp đầy đủ thông tin cũng không nhiều.

Tầm nhìn sâu - rộng và bản lĩnh dám chấp nhận thử thách là yếu tố quyết định để đưa công ty tăng trưởng, dù trong bối cảnh kinh tế như thế nào.

Có lẽ, các tiêu chí xét duyệt khá gắt gao là một cái khó cho các doanh nghiệp ít nhiều có thành tích vượt bão an toàn. Nhưng về mặt nào đó, điều này tạo ra sự công bằng và góp phần nhận diện chính xác những gương mặt “đàn anh” đầy bản lĩnh. Bên cạnh yếu tố lợi nhuận chiếm 0,4 điểm đánh giá, năng lực phát triển đội ngũ và năng lực sáng tạo đổi mới doanh nghiệp cùng chiếm 0,3 điểm. Với tiêu chí năng lực phát triển đội ngũ, ứng viên sẽ trả lời đến 67 câu hỏi đánh giá về chiến lược phát triển nhân sự do Công ty Tư vấn và Kiểm Toán Pricewaterhouse Coopers Việt Nam phát triển. Còn ở chỉ tiêu năng lực sáng tạo đổi mới, Mô hình Đánh giá Năng lực Sáng tạo do nhóm nghiên cứu của Trường Doanh nhân PACE phát triển yêu cầu lãnh đạo phải đáp ứng đến 23 câu hỏi.

Lễ trao giải “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp - Mark of Respect” đêm 15.1.2014 còn có sự tham dự của một khách mời khá đặc biệt là ông Alex Ricard, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Pernod Ricard, đơn vị sở hữu thương hiệu Royal Salute. Lãnh đạo một tập đoàn với hơn 18.000 nhân viên trên toàn thế giới, ông Alex Ricard cho rằng tầm nhìn sâu - rộng và bản lĩnh dám chấp nhận thử thách là yếu tố quyết định để đưa công ty tăng trưởng, dù trong bối cảnh kinh tế như thế nào. “Tôi khâm phục tinh thần vượt qua thử thách mạnh mẽ của các doanh nhân Việt Nam. Tôi cũng nhìn thấy năng lượng tràn trề của con người và đất nước Việt Nam, đặc biệt là ở TP.HCM”, ông nói.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư