Thị trường ô tô: 3 thương hiệu "ngược dòng" ngoạn mục
Năm 2013 đã chứng kiến cuộc vượt khó ấn tượng của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với mức tăng trưởng 20% so với năm 2012, đạt tổng sản lượng bán hàng 96.692 chiếc. Trong đó đáng chú ý nhất là cú lội ngược dòng ngoạn mục của bộ ba hãng xe Honda, Ford và Mercedes-Benz.
Honda Việt Nam đã kết thúc năm 2013 thành công khi đạt sản lượng bán hàng 4.593 chiếc, tăng đến 255% so với năm 2012. Đây cũng là mức sản lượng bán hàng kỷ lục của hãng xe Nhật Bản tại thị trường Việt Nam.
Điểm tựa cho cú "bật" chính là hai mẫu xe mới CR-V và City. Ra mắt vào tháng 2, sau 10 tháng mẫu xe đa dụng 5 chỗ ngồi CR-V đã đạt sản lượng bán hàng 2.176 chiếc. Trong khi đó, chỉ cần hơn 6 tháng (ra mắt ngày 16/6) ra mắt, 1.474 chiếc City được bán ra thị trường. Đồng nghĩa, sản lượng bình quân của mẫu xe cỡ nhỏ này đạt đến 227 chiếc/tháng.
Đây cũng là năm đầu tiên Honda đóng góp đến hai đại diện trong nhóm 10 mẫu xe đắt khách nhất trên thị trường ôtô Việt Nam.
Ford cũng không kém. Với 8.166 chiếc bán ra trong năm 2013, Ford đã đạt tỷ lệ tăng trưởng 70% so với năm 2012. Nếu như mẫu xe từng nhiều năm lọt vào nhóm bán chạy nhất là Everest có phần tụt lùi sau quãng thời gian khá dài không nâng cấp thì đổi lại, hàng loạt mẫu xe khác đã đua nhau vượt lên.
Bất ngờ nhất chính là Ranger. Năm 2013, Ford đã bán được 1.834 chiếc Ranger, qua đó trở thành mẫu bán tải đầu tiên và duy nhất đến nay lọt vào Top 10 mẫu xe bán chạy. Trong khi đó, 2 mẫu xe mới là Focus và Fiesta cũng có những đóng góp không nhỏ với lượng bán đạt lần lượt 1.209 chiếc và 847 chiếc.
Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn một chút so với Isuzu (68%) và Samco (48%) song Mercedes-Benz lại là thương hiệu nổi bật hơn với sản lượng bán hàng 1.725 chiếc, tăng 44%.
Khi thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thậm chí mẫu xe thương mại Sprinter đã ngừng cung cấp ra thị trường, thì việc một hãng xe hạng sang đạt mức tăng trưởng như vậy là rất đáng chú ý. Điều này chứng tỏ rằng, Mercedes-Benz vẫn là một trong số ít thương hiệu xe sang được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, mặc dù sức nóng cạnh tranh đã và đang ngày càng tăng lên với sự góp mặt của BMW, Audi và mới nhất là Lexus.
Lexus LS 600h L
Một điểm đáng chú ý là sau quãng thời gian suy giảm nặng nề, đã số các hãng xe thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã không những hồi phục sản lượng mà còn tăng trưởng mạnh mẽ. Chưa kể, trong khi thị trường vẫn còn không ít những khó khăn thì sự cạnh tranh lại càng trở nên gay gắt khi có thêm các hãng xe mới gia nhập.
Chẳng hạn với Honda và Ford, hai hãng xe này đang cạnh tranh trong các phân khúc sản phẩm đông đảo và khốc liệt nhất. Cuộc cạnh tranh vốn đã khốc liệt với các ông lớn như Toyota, GM, Kia, Mitsubishi hoặc hãng xe ngoài VAMA là Hyundai thì năm 2013 đã có thêm cuộc gia nhập toàn diện của Mazda.
Thị trường xe hơi hạng sang cũng khốc liệt không kém. Trước đây, Mercedes-Benz hầu như chỉ phải cạnh tranh với BMW và Lexus (không chính hãng) thì nửa cuối thập niên 2000 đã có thêm Audi, Porsche và mới đây nhất là đối thủ Lexus.
Rõ ràng, trong một thị trường ngày càng chật chội mà sức mua tổng thể chưa thực sự được cải thiện thì cuộc vượt khó của bộ ba kể trên thật sự rất ấn tượng.