Năng khiếu lãnh đạo thể hiện ra sao?
Một nhà lãnh đạo giỏi phải có khả năng khơi dậy niềm đam mê, xây dựng niềm tin và gợi cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ nhân viên của mình, hơn thế nữa, cho cả các đối tác và bạn hàng.
Dưới đây là những biểu hiện về năng lực đặc biệt đó của họ trong hoạt động hằng ngày.
Đối mặt với thử thách
Những nhà lãnh đạo tài ba sẽ có đủ gan dạ và dũng khí để đối diện với những tình huống gay go, phức tạp nhất và biết xử trí theo cách hợp lý nhất có thể.
Việc giao tiếp thường xuyên với nhân viên, thông tin đến cấp dưới cả tin xấu lẫn tin tốt về hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp các nhân viên cảm thấy sếp hoàn toàn tin tưởng họ và họ cũng vững tâm trong công việc, ít khi nào bị bất ngờ trước những tình huống xấu ập đến đột ngột. Đội ngũ nhân viên tin rằng lãnh đạo của mình luôn hiện diện vào đúng những lúc cần thiết nhất để giữ vai trò đứng mũi chịu sào, chỉ cho họ cách hợp lực chống đỡ mọi phong ba.
Tạo được niềm tin vững chắc đối với nhân viên
Nhân viên sẽ trở nên trung thành và nhiệt tình hơn khi được làm việc trong một môi trường được chỉ huy bởi người mà họ tin tưởng. Xây dựng uy tín ấy có thể theo nhiều cách khác nhau mà thông thường, đầu tiên là thật sự quan tâm đến từng nhân viên dưới quyền, giúp họ xử lý những mối bận tâm ở nơi công sở cũng như trong hoàn cảnh riêng.
Giúp các nhân viên hướng đến thành công và trao đổi với họ về định hướng sự nghiệp cũng là điều mà các nhà quản trị giỏi thường làm. Khi nhân viên phạm phải sai lầm, nhà quản trị giỏi không bao giờ khiển trách họ khi bản thân đang tức giận, mà bình tĩnh xem xét tình huống để hiểu được nguyên nhân hành vi của họ chưa đúng.
Tùy theo tính chất nặng hay nhẹ của hành vi mà nhân viên phạm phải, nhà quản trị sẽ chọn biện pháp xử lý phù hợp với quy định của doanh nghiệp sớm nhất là một ngày sau đó. Nhân viên mắc lỗi sẽ phải “tâm phục khẩu phục” trước cách làm như vậy.
Thực tế
Nhà quản trị không nên tỏ ra cầu kỳ và quá coi trọng hình thức. Nhân viên có thể cho rằng khi ăn mặc quá cầu kỳ, sếp của họ đang cố gắng đóng vai một người quan trọng hơn, tầm cỡ hơn, nghĩa là sếp thể hiện không đúng bản chất của mình. Tốt nhất là yêu thích gì thì cứ làm theo sở thích của mình, nhưng không quá lố. Hãy sử dụng sức mạnh, bản chất cá tính của chính mình để phát triển phong thái lãnh đạo riêng.
Tìm kiếm sự tôn trọng của đối tác và bạn hàng
Những nhà lãnh đạo tài ba sẽ có đủ gan dạ và dũng khí để đối diện với những tình huống gay go, phức tạp nhất và biết xử trí theo cách hợp lý nhất có thể.
Không chỉ hành xử chuẩn mực và làm gương cho cấp dưới của mình, nhà quản trị giỏi còn biết tìm kiếm sự kính trọng của đối tác, bạn hàng. Họ biết cách thuyết phục đối tác, bạn hàng bằng kiến thức sâu sắc và thái độ tôn trọng người đối diện, cho dù biết rõ mình ở đẳng cấp cao hơn hoặc giữ vai trò chủ động hơn. Chính nhờ phong thái cởi mở, tự tin và lịch lãm, các nhà quản trị giỏi lôi cuốn được đối tác hoặc bạn hàng đồng ý với những đề xuất của mình và thành công lại đến với họ.
Ham mở rộng hiểu biết
Các nhà quản trị giỏi luôn duy trì thói quen tự tìm hiểu những điều mới mẻ hằng ngày xuất hiện trong cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề về công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Từ đó, họ liên hệ tới doanh nghiệp của mình và tìm kiếm ý tưởng mới, tầm nhìn mới và hướng phát triển mới.
Những nhà quản trị đi tiên phong hiểu rằng sự cách tân và lối đi mới có thể đến từ mọi ngõ ngách trong cuộc sống nên luôn tự đặt ra câu hỏi để tìm kiếm ý tưởng mới trong các hoàn cảnh thực tế mà họ gặp phải. Nhiều giải pháp có giá trị đã được họ đề ra chính nhờ cái nhìn thực tế sắc bén và các câu hỏi mà họ tự đặt ra.