Tỷ phú Thái thôi “phá bĩnh” thương vụ Heineken-Tiger
Cuộc đấu giữa một tỷ phú người Thái và hãng bia Heineken xung quanh việc giành quyền soát thương hiệu bia Tiger đã kết thúc. Trong đó, tỷ phú Thái thôi không ngăn cản Heineken thâu tóm Tiger, đổi lại ông này sẽ được hưởng khoản tiền không nhỏ.
Theo báo Wall Street Journal, trong một thỏa thuận phức tạp có thể khiến nhiều người khó hiểu, tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi ngày 19/9 tuyên bố sẽ không cản trở thương vụ trong đó Heineken chi 4,5 tỷ USD để giành quyền kiểm soát toàn bộ hãng bia Asia Pacific Breweries (APB) với thương hiệu bia Tiger nổi tiếng. APB là liên doanh giữa Heineken với công ty Fraser & Neave (F&N) của Singapore.
Thỏa thuận giữa ông Charoen và Heineken đảm bảo rằng, thỏa thuận giữa Heineiken với F&N về việc Heineken mua lại nốt số cổ phần 40% ở APB đang nằm trong tay F&N sẽ nhận được sự thông qua của cổ đông F&N trong cuộc họp diễn ra vào ngày 28/9 tới.
Thông qua hai công ty Thai Beverage và TCC Assets của mình, tỷ phú Charoen nắm cổ phần trong F&N và đang tăng mức cổ phần này lên. Tuần trước, ông Charoen chào mua toàn bộ F&N với giá 7,2 tỷ USD hòng “phá bĩnh” vụ Heineken thâu tóm toàn bộ APB.
Tuy nhiên, với thỏa thuận đạt được vào ngày 19/9, một khi Heineken mua APB, ông Charoen sẽ không cản trở thương vụ này nữa, và sẽ nhận được hơn 1,6 tỷ USD tiền cổ tức phát sinh từ mức cổ phần 30% mà ông đang nắm giữ trong F&N.
Theo những người biết rõ về tỷ phú Charoen, thì mục tiêu của ông trong việc chào mua toàn bộ F&N không chỉ nhằm vào quyền kiểm soát APB, mà còn nhằm vào danh mục bất động sản và mạng lưới phân phối trong khu vực của công ty này. Những tài sản này sẽ giúp ông Charoen tạo ra được một “đế chế” kinh doanh không chỉ phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất rượu gạo để bán cho thị trường nông thôn Thái Lan.
Tỷ phú Charoen, 68 tuổi, sinh ra và lớn lên ở quận người Hoa ở Bangkok sau khi cha mẹ ông chuyển tới đây từ Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của ông trải rộng ở nhiều lĩnh vực, từ đồ uống, tới bảo hiểm, bất động sản.
Ông Charoen từng có thời độc quyền chưng cất rượu mạnh ở Thái Lan vào thập niên 1980. Vào năm 1999, khi lĩnh vực này được Chính phủ Thái mở cửa sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, ông Charoen đã vay 500 triệu USD bằng cách thế chấp kho rượu mạnh của mình để mua lại 12 nhà máy sản xuất rượu khác.
Dựa trên mức cổ phần 70% mà ông Charoen nắm giữ trong công ty Berli Jucker Public Co. và cổ phần 66% của ông trong Thai Beverage, hãng tin tài chính Bloomberg ước tính giá trị tài sản bằng cổ phiếu của tỷ phú này vào khoảng 5,9 tỷ USD.