Nắm "bàn tay" của Walmart: Nhiều cơ hội, lắm thách thức
Giấc mơ đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị Walmart đang dần trở thành hiện thực, khi Walmart đã chính thức đặt vấn đề việc thu mua hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu vào hệ thống các cửa hàng của họ.
“Chúng tôi nhìn thấy cơ hội từ việc thu mua rồi xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đi các nước, đặc biệt là sau những tiến triển trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Hàng dệt may, da giày, đồ gia dụng, đồ trang trí trong gia đình… là những sản phẩm mà chúng tôi rất quan tâm”, ông Ignacio Lopez, Phó chủ tịch Tập đoàn phụ trách việc tìm nguồn cung toàn cầu của Walmart (Mỹ) chia sẻ trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam tuần qua.
Theo ông Lopez, vào tháng 6/2013, Walmart đã thiết lập một văn phòng tại TP.HCM để phụ trách việc tìm kiếm nguồn hàng cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn. “Chúng tôi tin tưởng các nhà sản xuất Việt. Và chúng tôi không chỉ quan tâm đến những nguồn hàng với giá cả cạnh tranh, mà còn quan tâm đến việc các nhà sản xuất tuân thủ các quy định về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn lao động…”, ông Lopez nói.
Dù chuyến đi này không nhằm đầu tư và bộ phận tìm nguồn cung ứng cũng không chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đầu tư, song ông Lopez cho biết, quá trình tìm kiếm nguồn hàng có thể cũng sẽ tạo định hướng để Walmart đầu tư vào Việt Nam khi điều kiện cho phép.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tại buổi tiếp ông Lopez thậm chí còn tỏ ra vui mừng hơn cả việc được đón tiếp một nhà đầu tư lớn. Lý do là vì, trong kinh tế thị trường, thì thị trường là quan trọng nhất. “Có thị trường, sẽ có sản xuất”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Ông Kevin Gardner, Giám đốc cao cấp phụ trách kinh doanh quốc tế của Walmart cũng đã cho biết, Thuận Phương Group (TP.HCM) - công ty chuyên cung cấp các sản phẩm thêu, dệt, đã mở rộng được kinh doanh ở Mỹ thông qua việc bán hàng trực tiếp cho Walmart trong thời gian qua.
Có lẽ, đó cũng chính là lý do vì sao Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vui mừng khi Walmart bày tỏ mong muốn mua hàng từ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang trong thời điểm khó khăn, thị trường cả trong và ngoài nước bị thu hẹp.
Hơn thế, theo Bộ trưởng, việc Walmart đặt ra các yêu cầu khắt khe trong việc nhập khẩu hàng hóa, không chỉ liên quan chất lượng sản phẩm, hay giá cả cạnh tranh, mà còn là trách nhiệm xã hội, các cam kết về bảo vệ môi trường…, sẽ là cú hích để các doanh nghiệp Việt tự cấu trúc lại mình để có năng lực cạnh tranh cao hơn.
“Walmart có thể xem xét việc khai thác nhiều hơn các loại nông sản chế biến. Điều này sẽ tạo động lực cho ngành chế biến nông sản Việt phát triển”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Trên thực tế, giấc mơ đưa hàng Việt vào Walmart không phải bây giờ mới được nói tới. Và nếu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vui một, thì các doanh nghiệp Việt vui mười. Nhưng câu hỏi đặt ra, liệu hàng Việt có vào được và trụ lại được ở Walmart hay không?
Câu trả lời là không dễ. Một ví dụ là đã có một doanh nghiệp dệt may Việt “chạy làng” sau ba đợt giao hàng cho Walmart. Lý do là vì, làm hàng cho Walmart rất gian truân, giá đơn hàng phải thấp, số lượng lại rất lớn, nhưng yêu cầu rất nghiêm ngặt, khắt khe về tiêu chuẩn.
Chưa kể, xuất hàng cho Walmart, công ty này còn đối mặt với việc không có tên thương hiệu của mình trên sản phẩm đó, ngoài dòng chữ “made in”. Hiện hiếm có thương hiệu Việt nào đủ mạnh để bán hàng trực tiếp cho Walmart. Lợi nhuận chẳng thấy đâu, nên chỉ một thời gian ngắn, doanh nghiệp này đành bỏ cuộc.
“Trở thành nhà cung cấp cho Walmart không đơn giản một chút nào”, ông Nguyễn Văn Lê, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Đông Hưng, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu da giày, phát biểu.
Theo ông Lê, chính sách chỉ mua hàng với giá thấp của Walmart sẽ gây áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt. Dù vậy, công ty của ông Lê vẫn đang xúc tiến kế hoạch hợp tác với Walmart thông qua văn phòng đại diện đặt ở Trung Quốc.
Giá thấp, đòi hỏi cao, cộng thêm việc khó có thể giữ thương hiệu của mình khi bán hàng cho Walmart chính là những cản ngại hiện thời cho việc hợp tác giữa đôi bên. Hơn nữa, lâu nay, dù một số nhà sản xuất Việt Nam đã bán được hàng cho Walmart, nhưng đều phải thông qua trung gian, chứ chưa có khả năng hợp tác được trực tiếp. Thêm một khâu trung gian là thêm một phần chi phí và bớt một phần lợi nhuận, nên đường kinh doanh càng trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, quyền lực của Walmart khiến cho bất cứ doanh nghiệp Việt nào cũng mơ tưởng. Và hiện giờ, cơ hội bán hàng trực tiếp cho Walmart đã mở ra.
“Chúng tôi đã có quan hệ với nhiều nhà cung cấp ở Việt Nam và đang tích cực tìm kiếm và thiết lập quan hệ chiến lược với các doanh nghiệp và cả các nông hộ Việt Nam. Việc văn phòng Walmart được mở tại Việt sẽ hỗ trợ lớn cho quá trình này, cũng như cho việc giám sát sản xuất của các đối tác của chúng tôi”, ông nói.
Bàn tay của Walmart đã chìa ra. Liệu có doanh nghiệp Việt Nam nào sẵn sàng và đủ sức nắm lấy?