Nhìn lại câu chuyện về đoạn quảng cáo mỳ Gấu Đỏ gây xôn xao
Những ngày qua, cư dân mạng và các chị em văn phòng được dịp xôn xao về một đoạn quảng cáo mỳ tôm mang nhãn hiệu Gấu đỏ, khi trên các diễn đàn và một vài trang báo đã có nhiều thông tin trái chiều quanh "sự vụ" này.
Đoạn quảng cáo dài 44 giây được phát trên VTV, nói về hoàn cảnh của một cậu bé bị ung thư tên Tuấn, vì nhà nghèo, cha mẹ hết tiền chạy chữa cho em nên phải xin ra viện. Cảnh em chia tay với các bệnh nhân khác, với y tá, bác sĩ trên môi nở nụ cười thơ ngây, còn cha mẹ em thì không giấu được giọt nước mắt vì coi như tương lai của em sắp kết thúc… đã gây xúc động cho rất nhiều người xem truyền hình.
Thông điệp sau cùng của clip quảng cáo là nếu bạn
mua một gói mỳ Gấu đỏ, bạn sẽ góp vào quỹ “gắn kết yêu thương” 10 đồng
dành cho các trẻ em ung thư như Tuấn.
Chuyện
chẳng có gì đáng nói nếu như không có luồng ý kiến cho rằng doanh
nghiệp mỳ Gấu đỏ đang lợi dụng lòng trắc ẩn của con người để thu lợi bất
chính, sử dụng diễn viên vào vai bé Tuấn bị ung thư. Với 10 đồng tiền
trích ra từ mỗi gói mỳ, thì nếu 1 người ăn cả năm trời cũng chỉ được
10.000 đồng làm từ thiện, thật "chẳng thấm vào đâu" cả.
Xung quanh vấn đề này đã có rất nhiều bình luận trái chiều, thậm chí cả những tranh luận gay gắt về câu chuyện đằng sau gói mỳ tôm mang nhãn hiệu Gấu đỏ.
Quảng cáo nhân văn: không mới
Sử dụng quảng cáo không chỉ tập trung vào sản phẩm, thương hiệu mà còn hướng sản phẩm, thương hiệu đó tới cộng động, khiến nó có ích cho xã hội, quảng cáo đang ngày càng trở nên phổ biến trong hoạt động maketing của doanh nghiệp.
Clip quảng cáo của mỳ Gấu đỏ không phải là đi tiên
phong trong việc khơi dậy lòng trắc ẩn của con người, hướng người xem
tới điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Trước đó, các hãng sữa nổi tiếng
trong nước và quốc tế cũng đã có những quảng cáo như góp sữa cho trẻ em
vùng cao, đèn đom đóm thắp sáng ước mơ học hành… Hay một hãng tã lót
nước ngoài đã thực hiện quảng cáo như mang một thông điệp khi mua một
gói tã lót, bạn đã góp một phần trong việc mua vacxin tiêm chủng cho trẻ
em ở Châu Phi.
Điều khiến nhiều người tỏ ra tức tối với quảng cáo
mỳ Gấu đỏ, đó là khi biết được sự thật em bé trong clip quảng cáo thực
ra là một diễn viên đóng vai, chứ không phải bị bệnh ung thư thật. Tiếp
đó, số tiền mà mỳ Gấu đỏ nói sẽ trích ra để dành cho trẻ em ung thư chỉ
vỏn vẹn 10 đồng, nếu so với tốc độ trượt giá của đời sống hiện nay đúng
là nó không thấm vào đâu. Vì thế, trên các trang mạng, diễn đàn liên tục
ồn ào sự việc này và hầu hết cộng đồng mạng đều phản đối việc công ty
này lợi dụng tính nhân văn, lòng trắc ẩn của con người để làm lợi cho
doanh nghiệp.
Họ - những người xem, khách hàng cảm thấy mình như bị lừa dối, tại sao lại mang một em bé khỏe mạnh ra để làm quảng cáo, biến em thành bệnh nhân ung thư đáng thương? Tại sao, câu chuyện không phải là kết thúc có hậu: em được ra viện vì khỏi bệnh chứ không phải vì hết tiền chữa bệnh? Tại sao poster về em Tuấn với cái đầu trọc nhan nhản khắp nơi khiến mỗi lần nhìn lên ta lại động lòng…
Tại vì đó là quảng cáo!
Một sự thật hiển nhiên mà những người làm marketing mong muốn, là quảng cáo đó mang thông điệp ảnh hưởng trực tiếp và càng sâu sắc tới người tiêu dùng càng tốt. Nếu không, sản phẩm sẽ không bán được, họ sẽ thất bại. Điều này không phải quá mới và các nhà làm maketing ở Việt Nam cũng chưa phải là những bậc thầy xuất sắc nhất so với rất nhiều chiêu, trò maketing của các thương hiệu nổi tiếng khác trên thế giới. Thật không đơn giản để nghĩ ra một kịch bản PR, marketing, nghĩ ra những quảng cáo độc đáo mà lại giàu tính nhân văn. Và cuối cùng, mục tiêu của không chỉ mỳ Gấu đỏ mà còn của tất cả những nhãn hàng khác, đều là lợi nhuận và thương hiệu.
Nhiều ý kiến trên mạng bàn luận về đoạn quảng cáo này Nhưng có một điều mà các nhà maketing Việt Nam chưa lường hết được, đó chính là sự “nhạy cảm”, “lòng tổn thương” của đa số người Việt. Với nhiều người, xem một clip quảng cáo như vậy và biết sự thật về nó chẳng khác nào đã xúc phạm, lợi dụng lòng tốt, tình thương của phần lớn các bà nội trợ, những người tiêu dùng trong nước.
Chúng ta có ăn mỳ tôm để làm từ thiện?
Nghe những phân tích về việc người tiêu dùng bị lợi dụng lòng tốt qua clip quảng cáo của mỳ Gấu đỏ quả thật rất thuyết phục. Có người còn dày công tính toán, với 10 đồng trích ra từ một gói mỳ, với 1 người nếu ngày nào cũng ăn mỳ Gấu đỏ thì cả 1.000 gói mỳ mới đóng góp được 10.000 đồng. Ý kiến khác thì cho rằng, qua quảng cáo, doanh thu của mỳ này sẽ tăng vọt vì ai cũng mang trong mình lòng tốt cả, mua mỳ về ăn, có khi nếu ăn thay cơm với số tiền triệu thì mới làm từ thiện được vài chục nghìn. Trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp tính bằng tiền trăm, thì tiền cho từ thiện chỉ là vài đồng…
Nhưng sự thật thì người tiêu dùng trong nước, ngoài lòng tốt ra còn rất thông minh và biết cách lựa chọn thông tin. Trên diễn đàn nọ, trong hàng trăm bình luận phản đối, bực tức về kiểu quảng cáo nhân văn của mỳ Gấu đỏ, thì nhiều người lại thừa nhận rằng mình chưa bao giờ mua 1 gói mỳ nào! Bởi họ thấy không thích ăn mỳ hoặc không thấy thông điệp của quảng cáo tác dụng tới mình. Hoặc có người khẳng định ăn mỳ Gấu đỏ chỉ vì nó ngon, chứ cũng ít khi quan tâm "10 đồng ấy đi đâu về đâu", người ta cũng chỉ quảng cáo thôi mà, bận tâm làm gì. Thực ra nhạy cảm và đánh giá đúng nhất chất lượng các quảng cáo trên truyền hình, có hay không, có hợp lý và nhân văn không, đó chính là trẻ em chứ chẳng phải người lớn.
Trên diễn đàn dành cho người yêu trẻ thơ, một mẹ với nick là mevenfuko đã thẳng thắn nói rằng: “Thú thật mình chưa ăn mì Gấu đỏ hoặc có ăn rồi ở nhà nhưng không nhớ chính xác hương vị và chất lượng, nhưng thấy mấy anh cu cháu tới chơi một vài lần đòi ăn Gấu đỏ, chứng tỏ quảng cáo đó có hiệu quả (ở nhà mình). Chở con trai đi ngoài đường, con chỉ vào tấm Poster và nói "bạn kia bị ung thư đó mẹ, khổ nhỉ", với mình vậy là hiệu quả vì cháu biết quan tâm đến cộng đồng (cháu chưa biết là mẹ ơi ăn mì để giúp bạn đi). Các bạn thử xem đối tượng mà các hãng mỳ nhắm đến qua quảng cáo là ai nhé, hẳn không phải những người được tiếp cận với các nguồn thông tin để biết tác hại của gói mỳ, nghĩ đến một bà nội trợ nghèo: ‘Thôi tôi lựa Gấu đỏ đi để giúp cho thằng Tuấn tí chút’, cũng cảm động lắm”.
Hay một mẹ có nick là Shery chia sẻ: “Trẻ con thì không thể nào biết được kiếm tiền hay lợi dụng lòng trắc ẩn qua một đoạn clip chiếu trên truyền hình. Chỉ biết là các em xem xong sẽ biết cảm thông, chia sẻ và quan tâm tới những mảnh đời bất hạnh hơn mình. Khi mà sự giáo dục của toàn xã hội đang đi xuống thì những bài học giáo dục xuất hiện trong đời thường thế này rất cần cho sự phát triển của các em. Nếu các em có đòi mua mì Gấu đỏ đi chăng nữa, cũng không phải vì thích mỳ Gấu đỏ, vì mỳ đó ăn ngon mà vì các em muốn mua để "góp 10 đồng" cho các bạn nhỏ khác. Đó là một nghĩa cử nhân văn rất đáng quý đấy chứ? Ừ thì họ có mục đích kiếm tiền (ai sống chả muốn có tiền). Nhưng thay vì mấy trò quảng cáo thị trường, lố lăng mà dùng hình thức có tính nhân văn thế này xem còn thấy ‘dịu mắt’”.
Một quảng cáo thành công, suy cho cùng là nó làm cho người ta hiểu thông điệp muốn gửi tới, và tính nhân văn của quảng cáo. Nếu cứ hiểu cách đơn giản như một đứa trẻ nhỏ thì quảng cáo của mỳ Gấu đỏ đã mang lại thông điệp tốt. Điều quan trọng tiếp theo mà người tiêu dùng mong muốn, đó là doanh nghiệp có trích phần nhỏ trong gói mỳ của mình để làm từ thiện hay không thôi. Và liệu những em “Tuấn” bị ung thư thật sự trong viện liệu có ngày ra về với kết thúc có hậu, chứ không phải kết thúc buồn như đoạn clip quảng cáo…