Tết Việt - hàng Việt: Đau đầu với sản phẩm mới
Cứ mỗi dịp tết đến người tiêu dùng lại thắc mắc: năm nay thị trường có mặt hàng gì mới?
Đây cũng là áp lực đối với bất kỳ nhà sản xuất nào khi mà việc đầu tư cho ra sản phẩm mới, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng không phải là chuyện đơn giản.
Cải tiến sản phẩm, không ngừng tung ra sản phẩm mới cũng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh giành sự quan tâm của khách hàng.
Làm mới sản phẩm đã khó
Với công nghệ, kinh nghiệm, thiết bị dây chuyền sản xuất một số sản phẩm xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản, Saigon Food đã có ý tưởng sản xuất mặt hàng cháo bổ dưỡng cho thị trường VN từ hơn ba năm trước. Thế nhưng mãi đến năm 2011, quyết tâm này mới được thực hiện. Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Saigon Food, cho biết những lợi thế trên là không đủ, doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu thêm nhu cầu của người tiêu dùng, đối tượng sử dụng, mẫu bao bì, thành phần cấu tạo, điều kiện bảo quản... và thời gian để đầu tư nghiên cứu này cũng mất gần một năm, sau đó sản phẩm mới được đưa ra thị trường.
Việc đầu tư nghiên cứu một sản phẩm tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí nhưng việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng càng khó hơn. “Làm thế nào để người tiêu dùng biết là có sản phẩm mới thì công tác quảng bá truyền thông tiếp cận rất quan trọng, các doanh nghiệp VN có tiềm lực kinh tế hạn chế nên hầu hết ít đầu tư đúng mức cho hoạt động này” - bà Lâm chia sẻ.
Khô bò và lạp xưởng bò là món ăn quen thuộc và khoái khẩu của người dân, nhưng việc chế biến những sản phẩm này trước đây thường theo công thức thủ công dẫn đến thời gian bảo quản chỉ kéo dài được 5-7 ngày, sau đó bò sẽ bị chua. Từ trăn trở làm sao kéo dài thời gian sử dụng các món ăn truyền thống trong ngày tết, bà Thái Thị Thơ - giám đốc Công ty chế biến, kinh doanh thực phẩm Gia Phú Châu Giang - cho rằng chỉ có công nghệ mới giải quyết được.
Nghĩ là bắt tay vào làm liền, bà Thơ tìm hiểu công nghệ đầu tư hẳn dàn máy hút chân không, máy sấy, máy trộn, máy kiểm định chất lượng sản phẩm... để cho ra sản phẩm lạp xưởng bò, khô bò vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa kéo dài thời gian sử dụng lên ba tháng. Hiện nay, mỗi tháng công ty làm ra 1,5-2 tấn lạp xưởng bò và khoảng 1 tấn khô bò để phục vụ người tiêu dùng.
...đưa ra thị trường càng khó hơn
Ông Phan Văn Dũng, giám đốc kinh doanh thị trường nội địa Công ty Vissan, cho biết công ty có hẳn một ngân hàng sản phẩm mới, đầu tư nghiên cứu liên tục nhưng để phát triển những sản phẩm đó ra thị trường lại là chuyện khác. Đầu tư một sản phẩm mới cần rất nhiều công và của để nó có thể sống chứ không thể cậy “hữu xạ tự nhiên hương”, phải quảng bá liên tục, nghiên cứu xem người tiêu dùng chào đón thế nào, hấp thu ra sao, chưa kể đưa hàng vào siêu thị cũng tốn chi phí. Tất cả quá rủi ro trong điều kiện sức mua thấp. “Mùa tết năm nay chúng tôi chỉ cải tiến dựa trên các sản phẩm cũ như các gói lạp xưởng được đầu tư bao bì cành hoa mai cho đẹp, có đai chúc mừng năm mới, một số thì có lồng thêm bao lì xì để tạo giá trị gia tăng với giá bán cũ” - ông Dũng cho biết.
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận làm ra một sản phẩm mới đã khó, duy trì và “nuôi” phát triển đến tay người tiêu dùng càng khó hơn. Theo ông Huỳnh Quang Vinh - phó tổng giám đốc Công ty Rau quả thực phẩm An Giang, không có vốn làm truyền thông, khuyến mãi đã đành, nhưng cái khó nhất của doanh nghiệp VN là kỹ năng đàm phán và xây dựng phân phối còn yếu, điều này hạn chế rất nhiều đến hiệu quả thành công tung ra sản phẩm mới.
Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp sản xuất VN đều trực tiếp phân phối sản phẩm đến hệ thống bán lẻ, siêu thị, cửa hàng nên việc quản lý chăm sóc chưa tốt. Trong khi đó, do điều kiện mặt bằng nhỏ nên hầu hết điểm bán chưa có khu vực dành riêng cho sản phẩm mới. Bởi vậy ngay khi chào hàng thành công vào hệ thống siêu thị Co.op Mart, bà Thái Thị Thơ cho biết công ty đang khẩn trương đáp ứng mọi yêu cầu của nhà bán lẻ, trong đó có cả việc giao hàng đến 26 điểm của siêu thị Co.op tại TP.HCM với hi vọng sản phẩm đến tay càng nhiều người tiêu dùng càng tốt.