Tết, Tết, Tết đến rồi
Kể từ sau Giáng sinh, những mặt hàng phục vụ Tết như bánh, kẹo, mứt, nước giải khát, thực phẩm chế biến đã tràn ngập các chợ, siêu thị, cửa hàng. Không còn chuyện thiếu hàng, sốt giá, năm nay, các doanh nghiệp (DN) đang tìm mọi cách để bán hàng nhưng nỗi ám ảnh hàng tồn vẫn thường trực!
Hàng đã lên kệ
Đến thời điểm này, các nhà sản xuất đã chuẩn bị một lượng hàng đủ để chi phối thị trường.
Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, cho biết, trong dịp Tết này, Tân Hiệp Phát đã kịp thời đầu tư ra mắt nhiều mặt hàng mới để cung cấp cho thị trường như trà thảo mộc Dr. Thanh không đường với công thức mới và dễ uống, trà xanh Không Độ ít đường đột phá về tính năng giúp giảm 75% lượng calo so với sản phẩm hiện nay.
Trong lĩnh vực bánh kẹo, Công ty Kinh Đô ra mắt đến 20 loại sản phẩm mới với sản lượng 4.500 tấn, Bibica giới thiệu hơn chục loại bánh, kẹo với bao bì thiết kế bắt mắt dành cho phân khúc cao cấp, với sản lượng tăng 10% so với năm ngoái, đạt 1.250 tấn.
Trừ một số thương hiệu lớn, sản xuất những mặt hàng đặc thù Tết như bánh mứt, nước giải khát... đầu tư cho sản phẩm mới, năm nay, đa phần các DN không mặn mà với việc tung hàng mới, mà chủ yếu làm mới sản phẩm bằng bao bì, thiết kế. Bởi, kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên đầu tư cho sản phẩm mới rất ít có cơ hội thành công.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, các xưởng sản xuất của Công ty đang chạy hết công suất để cung ứng cho thị trường 3.670 tấn thực phẩm chế biến. Trong 400 sản phẩm mùa Tết của Vissan thì hầu hết là các món truyền thống như chả giò, chả lụa, xúc xích, lạp xưởng, thịt kho sẵn... được thiết kế bao bì Xuân. Trong đó, chiếm nhiều nhất trong thực phẩm mùa Tết của Vissan có 410 tấn chả giò, hơn 800 tấn lạp xưởng.
Ngoài ra, Vissan cũng đã chuẩn bị 40.000 con heo để phục vụ cho toàn bộ hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc. Hiện, sản phẩm chế biến đã được Vissan đưa ra hệ thống phân phối. Với vốn dự trữ 853 tỷ đồng, Vissan đang kỳ vọng sẽ tăng 20% doanh thu và sản lượng trong mùa kinh doanh cuối năm này.
Không chỉ có Vissan, các DN tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM cũng đưa hàng đến các điểm bán như cửa hàng, siêu thị, chợ. Thông tin từ Sở Công Thương, năm nay, các DN đã chuẩn bị 7.500 tỷ đồng hàng hóa, nhiều mặt hàng đã chuẩn bị số lượng lớn, đủ chi phối 30 - 60% thị trường.
Ở lĩnh vực phân phối, Saigon Co.op đã chuẩn bị 80.000 tấn (5.000 tỷ đồng) các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống, tăng hơn 20% so với Tết Quý Tỵ.
Hiện hàng Tết không chỉ đầy các kệ hàng trong siêu thị mà tại các chợ truyền thống, các tiệm tạp hóa cũng tràn ngập. Các tiểu thương chợ Bến Thành cho biết, hàng Tết đã ra chợ từ giữa tháng 12, đặc biệt là những mặt hàng mứt Tết.
Mặt hàng này được trưng bày sớm vừa để đáp ứng nhu cầu đón Tết sớm của người tiêu dùng trong nước, vừa phục vụ Việt kiều và khách vãng lai mua về làm quà biếu. Ngay từ thời điểm trước Giáng sinh, hàng Tết đã được tập kết về các chợ và giá cả không tăng so với ngày thường.
Điều lo lắng nhất của các DN hiện nay là sức mua quá kém. Ông Trương Chí Thiện, Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết, để không xảy ra tình trạng “thiếu hàng sốt giá”, DN phải tăng lượng dự trữ 20% so với năm ngoái.
“Chúng tôi không lo thiếu hàng mà chỉ sợ sức mua giảm, vì đến thời điểm này mà sức mua vẫn rất chậm. Với tình hình này, năm nay sẽ không có tình trạng làm giá trứng của công ty nước ngoài như những năm trước vì DN đã có thêm nguồn hàng đối ứng”, ông Thiện cho biết.
Bán hàng bằng mọi giá
Sức mua vẫn chưa hồi phục nên các DN đã tìm mọi cách để “đẩy” hàng đi. Vì thế, chi phí đầu tư cho công tác bán hàng được đẩy mạnh.
Lo lắng vì sức mua chậm, năm nay, các DN đều thay đổi chiến thuật, tìm mọi cách để bán hàng. Thay vì chờ nhà phân phối gọi hàng khi cần, nhà sản xuất đã tổ chức bộ phận bán hàng “trực chiến Tết”.
Thay vì chờ nhà phân phối gọi hàng khi cần, nhà sản xuất đã tổ chức bộ phận bán hàng “trực chiến Tết”.
Với đặc thù sản phẩm chiếm đến 70% sản lượng được bán ra từ kênh hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) nên Công ty Sài Gòn Food đầu tư mạnh cho hoạt động bán hàng ở kênh này. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, cho rằng, điều quan trọng trong kinh doanh trong mùa Tết năm nay là làm sao giao nhận hàng đến tay người tiêu dùng.
Trong khi hàng dự trữ ở Công ty thì nhiều nhưng vì nhân viên siêu thị ít “chăm sóc” nên thường bị hụt hàng trong những ngày sức mua tăng cao. Vì thế, năm nay, Sài Gòn Food tăng cường đội ngũ nhân viên đứng quầy “trực chiến” ở các siêu thị để sẵn sàng châm hàng, không để xảy ra tình trạng đứt hàng.
Bên cạnh đội ngũ giao hàng bằng xe tải, Sài Gòn Food cũng tăng cường đội ngũ 60 người giao hàng bằng xe gắn máy, xe ba gác để có thể giao hàng vào ban đêm, vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, những ngày cận Tết. Trong Tết, Công ty sẽ bắt đầu giao hàng từ ngày mùng 2 nếu các siêu thị có nhu cầu.
Cũng như Sài Gòn Food, Công ty Vissan đã chuẩn bị đội xe 60 chiếc và cũng đã xin giấy phép giao hàng vào giờ cao điểm. Ngoài ra, ông Mười cũng cho biết, năm nay, Vissan đã chuẩn bị một đội xe máy đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để sẵn sàng đưa hàng vào những cửa hàng ở chợ truyền thống. Vì sản phẩm của Vissan đến 70% tiêu thụ nhờ vào kênh truyền thống nên Công ty phải linh động với đội ngũ giao hàng nhỏ gọn, để có thể kịp đưa hàng vào các chợ.
Ngoài hệ thống bán hàng này, Vissan còn tổ chức chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm. Bắt đầu từ 18/11/2013 - 31/1/2014, Vissan thực hiện giảm giá 8.000 đồng mỗi ký lạp xưởng và “chạy thêm” chương trình khuyến mãi mỗi ký giảm thêm 2.000 đồng.
Ngoài ra, Vissan không tăng giá bán sản phẩm mặc dù hiện nay giá heo hơi đã tăng 19% so hai DN này quyết tâm loại bánh kẹo ngoại ra khỏi thị trường ở cả phân khúc bình dân và cao cấp, ở vùng thành thị và nông thôn. với đầu năm. Tính tổng cộng, kinh phí cho chương trình giảm giá, khuyến mãi này chiếm khoảng 20 tỷ đồng.
Trong ngành hàng trứng gia cầm, Công ty Ba Huân đẩy mạnh công tác bán hàng lưu động nhiều hơn nữa tại các chợ truyền thống. Mặt khác, để tránh tình trạng sốt giá cục bộ, năm nay, Công ty đầu tư hơn 10 đầu xe chuyên để phục vụ bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa. Hiện tại, các xe lưu động này đã bắt đầu hoạt động ở các khu công nghiệp TP.HCM.
Công ty Vĩnh Thành Đạt thì ngoài kênh siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống, mùa Tết năm nay Công ty mở những điểm bán mới ở các khu vực vùng ven, ngoại thành. Hai “đại gia” bánh kẹo Kinh Đô và Bibica cũng đẩy mạnh bán hàng về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Năm nay, Kinh Đô tăng cường khai thác tất cả các kênh phân phối để tiếp cận và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Công ty Bibica còn tổ chức những ngày hội bán hàng mà cả tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc cũng tham gia nhằm đưa thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng. Cả hai DN này quyết tâm loại bánh kẹo ngoại ra khỏi thị trường ở cả phân khúc bình dân và cao cấp, ở vùng thành thị và nông thôn.
Các DN cho biết, mùa Tết năm nay, kinh phí cho khâu giao, nhận hàng chiếm số lớn trong chi phí bán hàng. Theo tính toán của bà Thanh Lâm, chỉ riêng khoản lương cho đội ngũ xe ba gác, xe gắn máy phục vụ cho 20 ngày cận Tết và trong Tết đã tốn khoảng 240 triệu đồng. Đó là chưa kể một lượng lớn nhân sự túc trực tại các siêu thị trong mùa Tết này.
Bên cạnh đó, để hàng hóa lưu thông trong những ngày cận Tết và trong Tết, Công ty phải đầu tư thêm cho khâu sản xuất, vận chuyển hàng. Bởi thường vào ngày 23 Tết, các DN sản xuất đều cho công nhân về quê ăn Tết nên những người ở lại làm việc phải có chế độ bồi dưỡng khác.
“Nhưng nếu chi phí tăng 2 - 3% mà doanh số tăng gấp đôi so với tháng thường, tăng 70 - 80% so với bình quân cả năm thì DN cũng không tiếc tiền đầu tư. Chỉ sợ chi phí tăng mà doanh số không tăng”, bà Lâm chia sẻ.
Trong khi nhà sản xuất tìm mọi cách để hàng đến các điểm bán thì các nhà phân phối cũng tìm cách đẩy hàng nhanh hơn đến người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, Tết năm nay, Co.opmart sẽ tập trung vào dịch vụ gia tăng cho khách hàng.
Vào ngày 1/1/2014, Co.opmart sẽ ra mắt dịch vụ tính tiền nhanh nhằm giải quyết tình trạng quá tải dịp Tết. Co.opmart cũng tổ chức 150 chuyến hàng lưu động về vùng sâu, vùng xa đồng thời với việc tung ra các chương trình giảm giá trong suốt mùa Tết này với mức giảm lên đến 50%.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng đã làm việc với các làng nghề ở tỉnh để đưa hàng đặc sản vào siêu thị. Năm nay, có 26 DN, cơ sở làng nghề được Saigon Co.op ứng vốn để sản xuất hàng đặc sản cho Co.opmart trong dịp Tết. Có những đặc sản lần đầu tiên xuất hiện ở siêu thị, trong các giỏ quà Tết thuần Việt của Co.opmart vào ngày 11/1/2014 tới đây. Đây cũng là cách để tạo dấu ấn với người tiêu dùng về hàng hóa nhằm tăng sức mua.
Hệ thống siêu thị Aeon (Nhật Bản) dù chưa chính thức khai trương nhưng cũng đã công bố mở cửa ngay ngày mùng 1 Tết (31/1/2014). Hiện nay, ngoài hàng hóa chuẩn bị khai trương, hệ thống siêu thị này cũng đã dự trữ nguồn hàng Tết khá lớn.
Lo ôm hàng tồn!
Với lượng hàng dự trữ khá lớn nhưng trước sức mua kém, các DN lại lo lắng phải...ôm hàng tồn!
Dù đã dùng đủ mọi cách, thậm chí tăng chi phí để đưa hàng đến tay người tiêu dùng nhưng các DN vẫn lo sợ tình trạng hàng tồn kho. Ông Phan Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết, để chuẩn bị cho mùa hàng Tết này, Công ty đã đưa vào sử dụng trang trại chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương.
Với trang trại mới này, sản lượng hàng Tết của Công ty tăng 20 - 30% so với năm ngoái. Tuy nhiên, với lượng gia tăng mà sức mua dự đoán không mấy sáng sủa nên Ba Huân đang lo bị tồn kho. Chính vì vậy, vừa lo chuyện kinh doanh Tết nhưng Công ty lại phải lên phương án xử lý phòng xảy ra tình trạng tồn hàng.
“Công ty đã tính đến phương án trữ lạnh, muối hoặc chế biến các sản phẩm đạt chất lượng mà thời hạn sử dụng vẫn đảm bảo”, ông Hùng cho biết.
Không chỉ nhà sản xuất lo hàng tồn mà tiểu thương cũng sợ nên không dám trữ hàng. “Dù hàng đã lên kệ nhưng từ đầu năm đến nay, sức mua vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi nên chẳng ai dám trữ số lượng lớn. Hơn nữa, hàng của các nhà cung cấp luôn đầy kho, kêu lúc nào cũng có thì việc gì phải trữ, vừa phải bảo quản, vừa lo sợ không bán hết hàng”, bà Ngô Thị Dung, tiểu thương ngành hàng bánh kẹo chợ Bến Thành, cho biết.
Theo các chuyên gia, điều lo lắng của nhà sản xuất, kinh doanh là có cơ sở bởi năm nay, vừa qua lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch thì người tiêu dùng lại tiếp tục đón Tết Nguyên đán. Thời gian cách nhau chỉ một tháng nên cơ hội bán hàng sẽ khó hơn vì người dân không còn tiền để chi tiêu liên tục. Vì vậy, ngoài giải pháp ổn định chất lượng, kìm giá, tăng khuyến mãi, DN phải tận dụng hết các cơ hội để đưa hàng đến tay người tiêu dùng.
Dù đã dùng đủ mọi cách, thậm chí tăng chi phí để đưa hàng đến tay người tiêu dùng nhưng các DN vẫn lo sợ tình trạng hàng tồn kho.
Tết Nguyên đán là dịp quan trọng nhất trong năm, mang nhiều phong tục tốt đẹp, đầy ý nghĩa của người Việt, nên các DN đều tin rằng, với quan niệm một cái Tết đầy đủ sẽ là khởi đầu cho một năm mới sung túc, thịnh vượng nên nhu cầu mua sắm, chi tiêu cho dịp Tết luôn ở mức cao. Vì thế, Tết là cơ hội để sản phẩm có mặt trên thị trường, tăng thị phần cho DN.
Tuy nhiên, với Tết năm nay, dù chuẩn bị chu đáo, đầu tư mạnh cho khâu bán hàng nhưng bàThanh Lâm, Sài Gòn Food, dự đoán doanh số chỉ tăng 10 - 15% so với Tết năm rồi.
Tết 2013, sản lượng tiêu thụ của Tân Hiệp Phát tăng 250% so với 2012, nhưng năm nay Tân Hiệp Phát chỉ kỳ vọng tăng 30% so với năm rồi. “Với
tình hình thực tế hiện nay thì đây cũng là bài toán khó cho DN”, bà Trần Uyên Phương, chia sẻ.
Lãnh đạo Co.opmart đã có kinh nghiệm mấy chục năm nay kinh doanh Tết nhưng trước thực tế hiện nay vẫn không dám dự đoán thị trường. Ông
Nguyễn Thành Nhân cho biết, sức mua thực tế chỉ diễn ra trong 10 ngày cận Tết nên rất khó để dự đoán tình hình. Tuy nhiên, để phục vụ cho Tết, Co.opmart sẽ mở cửa sớm và đóng cửa muộn hơn thường ngày.
Cụ thể, từ 20 - 26 Tết, siêu thị mở cửa từ 7 giờ và đóng cửa vào lúc 23 giờ. Từ 27 - 29 Tết, mở cửa lúc 6 giờ và đóng cửa lúc 24 giờ. Và ngay từ mùng 2 Tết, các siêu thị Co.opmart cũng đồng loạt mở cửa bán hàng trở lại. Cũng như thế, năm nay, Vissan tăng cường bán hàng đến 30 Tết và mở cửa vào mùng 2 Tết.