8 suy nghĩ cốt lõi của những lãnh đạo xuất sắc
Những vị CEO thành công và tài giỏi thường có chung 8 niềm tin về nơi làm việc, công ty và con người sau đây.
1. Kinh doanh là một "hệ sinh thái", không phải một chiến trường
Những lãnh đạo bình thường định nghĩa kinh doanh như là một cuộc xung đột và chiến tranh giữa các công ty, các phòng ban và các nhóm. Họ gán cho công ty cạnh tranh là "kẻ thù" của mình và khách hàng là những "vùng lãnh thổ" mà họ muốn chinh phục.
Những lãnh đạo giỏi lại định nghĩa kinh doanh như là một hệ thống cộng sinh, tất cả cùng tồn tại và phát triển. Nhân viên của họ dễ dàng thích nghi với thị trường mới, nhanh chóng tạo mối quan hệ hợp tác với những công ty khác và khách hàng, và kể cả những công ty cạnh tranh.
2. Công ty là một cộng đồng, không phải một cỗ máy
Sếp bình thường coi công ty mình như là một cỗ máy và nhân viên như là những "bánh răng". Họ tạo ra một cấu trúc vững chắc, đặt ra những quy định khắt khe và luôn muốn kiểm soát tất cả.
Sếp giỏi coi công ty là một tập hợp của những cá nhân có ước mơ và hy vọng riêng. Sếp giỏi sẽ truyền cảm hứng cho nhân viên để họ làm việc và cống hiến hết hình cho công ty.
3. Quản lý là một dịch vụ, không phải là sự kiểm soát
Sếp bình thường muốn nhân viên nghe và làm theo răm rắp những gì họ muốn. Họ luôn "căng mắt" tìm lỗi của nhân viên và tạo một không gian làm việc kiểu "bảo gì nghe nấy".
Sếp giỏi đặt ra mục tiêu và định hướng chung và cố gắng hết sức để cung cấp đầy đủ những gì nhân viên cần để có thể hoàn thành công việc. Họ trao cho nhân viên toàn quyền quyết định trong công việc và chỉ can thiệp khi nào cần thiết.
4. Nhân viên là đồng nghiệp chứ không phải con
Sếp bình thường xem nhân viên như là những người thấp kém hơn mình, những người họ không thể tin tưởng giao việc nếu như họ không trực tiếp giám sát.
Sếp giỏi đối xử với từng nhân viên như thể họ là những nhân vật quan trọng nhất trong công ty. Nhân viên nào cũng được sếp coi trọng, từ người bốc hàng đến nhân viên cấp cao trong văn phòng. Vì thế, nhân viên ở mọi cấp bậc tự tin làm và chịu trách nhiệm cho công việc của mình.
5. Động lực không xuất phát từ nỗi sợ hãi
Sếp bình thường dùng những hăm dọa như sa thải, bị chế giễu hoặc mất đặc quyền để tạo động lực cho nhân viên. Kết quả là nhân viên bị tê liệt và không thể tự ra quyết định khi cần thiết vì làm như thế quá mạo hiểm.
Sếp giỏi cho nhân viên thấy được những điều tốt đẹp có thể đến trong tương lai mà nhân viên có thể là một phần của những điều tốt đẹp đó. Nhân viên nhờ đó mà có động lực làm việc chăm chỉ hơn bởi vì họ có niềm tin rằng họ sẽ được tặng thưởng xứng đáng cho những thành quả đạt được.
6. Cải cách đồng nghĩa với sự phát triển
Sếp bình thường rất ngại sự cải cách vì điều đó quá phức tạp. Họ chỉ thay đổi khi thực sự cần thiết như lúc công ty đang gặp khó khăn.
Sếp giỏi hiểu rằng cải cách và thay đổi là điều thiết yếu. Họ biết rằng thành công chỉ đến khi nhân viên và công ty biết đón nhận những ý tưởng và chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.
7. Công nghệ chỉ giúp đỡ chứ không thay thế
Sếp bình thường tin rằng công nghệ là cách duy nhất có thể giúp họ trong việc tăng cường công việc quản lý và khả năng dự báo. Họ lắp đặt thật nhiều thiết bị công nghệ mà không mảy may biết rằng nó sẽ làm nhân viên cảm thấy vô dụng và bị đối kháng.
Đối với sếp giỏi, công nghệ là thứ trợ giúp cho nhân viên giải phóng các ý tưởng và tạo mối quan hệ với các đồng nghiệp khác.
8. Công việc phải luôn thú vị
Sếp bình thường luôn mong đợi nhân viên phải ghét làm việc. Do đó, họ mới có lý do để đàn áp nhân viên và nhân viên nghiễm nhiên trở thành nạn nhân của họ.
Sếp giỏi muốn công việc phải luôn thú vị. Vì thế, họ luôn cố hết sức để có và giao những công việc mà nhân viên thực sự yêu thích và muốn làm.