Thương mại điện tử 2014: Người Việt tự tin

Trong top 5 website bán lẻ hàng đầu Việt Nam hiện nay, có tới 4 website là của đơn vị trong nước. Theo báo cáo cuối năm của của hãng nghiên cứu comScore, Vatgia.com, Lazada.vn (thuộc doanh nghiệp nước ngoài), 5giay.vn, Enbac.com và Thegioididong.com đang là những website bán lẻ có lượng truy cập lớn nhất tại Việt Nam.

Cũng theo comScore, chỉ duy nhất Việt Nam có số lượng website bán lẻ trực tuyến thuộc doanh nghiệp nội chiếm ưu thế áp đảo trong top 5. Trong khi đó, top 5 website bán lẻ tại các quốc gia khác ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Singapore đa phần đều nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài. Có thể nói, sức chiến đấu của các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam thật sự rất đáng chú ý.

Trong số 5 website bán lẻ trực tuyến dẫn đầu tại Việt Nam, trước tiên phải kể đến Vatgia.com. Đây là mô hình được thành lập từ năm 2007 sau khi Giám đốc Điều hành Nguyễn Ngọc Điệp bỏ ngang chương trình học ở Nhật để trở về Việt Nam làm thương mại điện tử.

Thương mại điện tử 2014: Người Việt tự tin

Vatgia.com là mô hình số một tại thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam năm 2013.

Chiếm 50% lượng người truy cập duy nhất (unique visitors) trên tổng lượng truy cập của cả 5 website dẫn đầu, Vatgia.com là mô hình số một tại thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam năm 2013. Với khoảng 24.000 cửa hàng đăng ký tham gia bán sản phẩm, hơn 1,2 triệu lượt truy cập mỗi ngày và đạt giá trị giao dịch 4.000 tỉ đồng/năm, website bán lẻ thuộc Công ty Cổ phần Vật Giá Việt Nam đang rất hào hứng trước những cơ hội trong năm mới.

“Giai đoạn 2012-2013, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Vatgia.com tăng trung bình 30%. Mặc dù đây là mức tăng khá cao nhưng chúng tôi vẫn có thể làm tốt hơn thế nữa”, ông Điệp chia sẻ.

Sự tự tin của người đại diện Vatgia.com là hoàn toàn có cơ sở. Trong một sự kiện vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hưng cho biết thương mại điện tử trong nước đang phát triển ổn định với doanh số khoảng 700 triệu USD/năm, ước tính giá trị mua hàng trực tuyến của một người vào khoảng 30 USD/năm.

Thực tế, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đang là 3 thị trường internet nóng nhất ở khu vực Đông Nam Á. Với dân số đông (khoảng 90, 65 và 245 triệu người theo thứ tự) và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, đây đều là những quốc gia đầy tiềm năng cho các nhà kinh doanh trực tuyến khai thác.

Thương mại điện tử 2014: Người Việt tự tin

Top 5 nhà bán lẻ trực tuyến có lượng truy cập duy nhất giai đoạn 2012-2013.

Sức nóng đó không chỉ thu hút các công ty thương mại điện tử địa phương mà còn khiến cho hàng loạt ông lớn trên thế giới liên tục đổ tiền vào khu vực này. Đáng chú ý nhất trong thời gian vừa qua là Rocket Internet (Đức).

Lazada.vn, website bán lẻ trực tuyến có lượng truy cập cao thứ hai Việt Nam (theo comScore) là một sản phẩm của Rocket Internet.

Đúng như tên gọi, Rocket Internet đang phát triển với tốc độ tên lửa ở khu vực Đông Nam Á. Nếu như đầu tháng 12, công ty này vừa kêu gọi thành công thêm 120 triệu USD đầu tư cho 2 website bán lẻ thời trang là Zalora (có mặt tại Việt Nam với phiên bản Zalora.vn) và Iconic (ở Úc), thì một tuần sau đó, họ lại tiếp tục công bố tăng thêm 250 triệu USD vốn đầu tư cho Lazada. Thú vị hơn, phần lớn khoản đầu tư lần này đến từ Tesco PLC, tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Anh.

Không chỉ mạnh ở Việt Nam, Lazada cũng đang là mô hình bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Thái Lan và Indonesia, báo cáo của comScore cho hay. Nhận định về khoản đầu tư của Tesco vào Lazada, hầu hết các chuyên gia trong ngành bán lẻ đều cho rằng đây là bước đi hợp lý trong bối cảnh thủ tục đầu tư bán lẻ và bài toán mặt bằng vẫn đang là thử thách tại các thị trường Đông Nam Á.

Thương mại điện tử 2014: Người Việt tự tin

“Dịch vụ khách hàng chu đáo kết hợp với khả năng tiếp thị trực tuyến tốt là cách giúp chúng tôi thành công ở nhiều thị trường”, ông Phan Kim Đôn, Giám đốc Điều hành Rocket Internet tại Việt Nam, chia sẻ.

Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, điều đầu tiên mà ông Đôn nhận thấy khi trở về nước làm việc là khâu chăm sóc khách hàng của phần lớn các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước còn tồn tại nhiều vấn đề. Điểm yếu này cũng được ông Điệp (Vatgia.com) nhìn nhận và xử lý ngay từ những ngày đầu hoạt động. Từ năm 2009, website bán lẻ trực tuyến của ông Điệp đã cam kết hoàn tiền 100% cho bất cứ người mua hàng nào gặp rủi ro khi giao dịch với các gian hàng của mình.

“Kinh doanh ngành thương mại điện tử mà chi phí hoạt động quá cao thì doanh nghiệp rất khó có lợi nhuận. Tạo dựng uy tín thông qua chính sách hậu mãi là cách làm đúng đắn và bền vững mà các doanh nghiệp nội cần phải hướng đến”, ông Điệp nhận xét.

Từng có thời gian theo dõi Rakuten Ichiba, mô hình bán lẻ trực tuyến thành công của Nhật, có lẽ không ai phủ nhận rằng Vatgia.com đã tiếp thu trọn vẹn tư tưởng trọng chữ tín và hình mẫu hoạt động của ông lớn này. Tập đoàn này cũng được cho là có ý định tham gia thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam trong năm 2014, sau khi đã hiện diện tại Indonesia và Thái Lan.

"Tạo dựng uy tín thông qua chính sách hậu mãi là cách làm đúng đắn và bền vững mà các doanh nghiệp nội cần phải hướng đến."

Tại Nhật, Rakuten Ichiba đang quản lý khoảng 40.000 gian hàng, tiếp cận hơn 75 triệu người mua hàng trực tuyến (tương đương 58% dân số nước này) và xếp trên cả Amazon (Mỹ).

Ở Đông Nam Á, Rakuten đã thâm nhập thị trường Thái Lan từ năm 2009 qua việc mua lại 67% cổ phần của TARAD.com. Năm 2010, tập đoàn này tiếp tục liên doanh với Global Mediacom, công ty truyền thông lớn nhất Indonesia để thành lập mô hình bán lẻ Rakuten Belanja Online (trong đó Rakuten chiếm 51% cổ phần).

Có thể thấy, cách tiếp cận thị trường của Rakuten khác hoàn toàn so với Rocket Internet. Nếu như Rocket Internet luôn tiến lên phía trước với tốc độ tên lửa và tự tay xây dựng các sản phẩm (Lazada, Zalora…), thì Rakuten lại chậm rãi và chắc chắn khi chủ động liên kết với các đơn vị tại địa phương. Vì vậy, có nhiều khả năng đại gia internet của Nhật sẽ thực hiện điều tương tự nếu họ quyết định tham gia thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam trong năm 2014.

“Rocket Internet hay Rakuten khi vào Việt Nam đều sẽ gặp phải trở ngại là chi phí khá cao cùng với đó là sự thiếu am hiểu thị trường so với các nhà bán lẻ trực tuyến nội. Có thể chúng ta không mạnh về tài chính nếu đem so với họ, nhưng chúng ta lại sở hữu những kỹ thuật viên giỏi và chi phí hoạt động thấp. Chính vì thế, mặc dù các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước sẽ tiếp tục phải đối đầu với áp lực từ phía những đối thủ ngoại trong thời gian tới, nhưng tôi tin rằng người mình vẫn có đủ khả năng để cạnh tranh sòng phẳng với họ trên sân nhà nếu áp dụng chiến thuật khôn khéo”, ông Điệp khẳng định.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư