Truyền thông cạnh tranh khốc liệt để thu hút quảng cáo

Các chuyên gia cho rằng thị trường quảng cáo Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, và truyền hình vẫn tiếp tục thống trị thị trường quảng cáo Việt Nam. Tuy nhiên các kênh truyền hình cũng đang phải cạnh tranh nhau rất khốc liệt trong việc thu hút quảng cáo.

Hiện chưa có số liệu về thị trường quảng cáo Việt Nam năm 2013, tuy nhiên trong nửa đầu năm 2013, truyền hình chiếm đến 92% tổng doanh số khoảng 10.943 tỉ đồng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam, theo bà Trần Thị Thanh Mai, Tổng giám đốc Kantar Media Việt Nam.

Theo Kantar Media Việt Nam, cả nước hiện có198 kênh truyền hình được phát từ 65 đài truyền hình công, và 11 đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền.

Do ngày càng có nhiều kênh truyền hình tham gia thị trường, và nội dung cũng trùng lặp nhau rất nhiều, nên cạnh tranh diễn ra hết sức khốc liệt.

Truyền thông cạnh tranh khốc liệt để thu hút quảng cáo

Tại một triễn lãm về quảng cáo. Ảnh: Hoàng Phi

Dù vậy, quảng cáo truyền hình vẫn ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Theo kết quả khảo sát gần đây của Kantar Media, có tới 45% đáp viên cho biết truyền hình có quyết định đến hành vi mua sắm của họ.

Năm 2013 quảng cáo trên truyền hình cũng lập kỷ lục về giá: để có 30 giây quảng cáo trong chương trình The Voice Kids trên VTV3 doanh nghiệp phải chi đến 280 triệu đồng.

Cùng tăng với sự tăng trưởng của truyền hình là quảng cáo số, bao gồm cả quảng cáo trực tuyến lẫn quảng cáo trên điện thoại di động.

Số liệu của các hãng nghiên cứu thị trường cho thấy hiện có 32,5 triệu người sử dụng Internet, trong đó 21 triệu người vào Internet qua điện thoại.

Ba hành động người dùng thực hiện nhiều nhất trên điện thoại khi vào mạng là giải trí, cập nhật tin tức và tìm kiếm.

Trong số người dùng Internet thì 86% sử dụng các mạng xã hội, trong đó Facebook là mạng có nhiều thành viên nhất với 14 triệu người dùng.

Trong báo cáo "Thực trạng Web Di động" của công ty Opera có trụ sở tại Na Uy gửi đến Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online mới đây, các trang web quốc tế lớn như Facebook và Google đã thống trị những vị trí đầu tiên của danh sách trang web được truy cập nhiều nhất của trình duyệt di động này.

Truyền thông cạnh tranh khốc liệt để thu hút quảng cáoTrong tháng 11-2013, đã có hơn 262 triệu người dùng trình duyệt trên di động của Opera và Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có lượng người sử dụng trình duyệt này lớn nhất trên thế giới.

Đại diện của Google cho biết hãng vẫn đang ăn nên làm ra tại Việt Nam, dù từ chối tiết lộ cụ thể.

Trong khi đó, theo bà Mai của Kantar Media, quảng cáo trên báo in và tạp chí đang giảm, và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Hiện ở Việt Nam có khoảng 800 đầu báo và tạp chí.

Song bà Trần Thị Lan Thanh, Tổng giám đốc Goldsun Focus Media, cho biết các số liệu của ngành quảng cáo cho thấy các con số đều tăng. “Năm2014, thị trường quảng cáo sẽ tiếp tục tăng trưởng, dù tốc độ không mạnh bằng năm 2013, nhưng sẽ vẫn cao hơn lạm phát”, bà Thanh nhận định.

Trước diễn biến của thị trường, các nhà quảng cáo truyền thông cũng đang có những bước chuẩn bị để thích nghi.

Goldsun Focus Media đã đầu tư mạnh mẽ cho quảng cáo trên điện thoại di động khi tổ chức Diễn đàn Mobile Marketing hồi tháng 10, cùng lúc là thành viên sáng lập của Hiệp hội quảng cáo di động Việt Nam.

Một nhà quảng cáo lớn khác là Đất Việt cũng đã dịch chuyển sang hướng kỹ thuật số cho mảng quảng cáo ngoài trời của mình.

Truyền thông cạnh tranh khốc liệt để thu hút quảng cáo

Đất Việt đã kết hợp với Nielsen Việt Nam thực hiện khảo sát về quảng cáo bảng biển tại Việt Nam, với kết quả số lượng bảng quảng cáo ngoài trời tại 4 thành phố chính của Việt Nam gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, lên đến 17.135 bảng.

Hiện tại, quảng cáo ngoài trời chiếm khoảng 4-5% trong tổng doanh thu thị trường quảng cáo tại Việt Nam, tương đương với quảng cáo số.

Theo bà Mai của Kantar Media, trong thị trường quảng cáo sôi động như vậy, để thu hút người xem, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào nội dung quảng cáo chứ không nên dùng những mẫu quảng cáo cũ, đã phát đi phát lại 3-4 năm rồi, như hiện nay.

Nguồn Dùng hàng Việt