Điểm tên 7 bài học thất bại đắt giá
Chúng ta đang sống trong môi trường liên tục có những biến động, thay đổi rất nhanh, khó lường trước. Phân tích nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ra tình trạng khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ doanh nghiệp: “Thất bại là tại mình, không phải tại trời”.
Thứ nhất, công tác nghiên cứu thị trường không làm kỹ lưỡng, chuyên sâu và làm không thường xuyên định kỳ. Không nắm được sắp tới các đối thủ cạnh tranh sản xuất số lượng sản phẩm như thế nào? Sản phẩm của đơn vị sản xuất ra có đáp ứng được nhu cầu thị trường. Không dựa trên điều tra, nghiên cứu, số lượng cụ thể…
Ví dụ: Các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư phát triển dự án bất động sản tập trung sản xuất xây dựng chung cư căn hộ cao cấp.
Trong khi đó, nhu cầu của thị trường lại cần căn hộ giá rẻ (căn hộ cho người thu nhập thấp, căn hộ xã hội), căn hộ bình dân.
Kết quả là, gặp lúc thị trường bất động sản đóng băng hơn 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp tồn hàng, không tiêu thụ được, rất khó khăn; thậm chí phá sản không trả được nợ vay ngân hàng.
Thứ hai, nhiều đơn vị kinh doanh đa ngành, trong khi năng lực (vốn tự có, nhân lực…) chỉ đủ khả năng kinh doanh ngành cốt lõi. Đơn vị chưa đủ nhân lực chuyên ngành, thậm chí cán bộ chủ chốt làm kinh nghiệm không chuyên sâu. Thời gian qua, nhiều đơn vị đã kinh doanh thêm chứng khoán, đầu tư vào phát triển dự án bất động sản… và bài học thất bại rất rõ nét.
Thứ ba, xây dựng chiến lược, kinh doanh vội vàng, đơn giản, không dựa trên những căn cứ xác đáng, cụ thể. Kế hoạch kinh doanh nóng vội, quy mô lớn, đầu tư dàn trải không xây dựng lộ trình từ thấp lên cao.
Xây dựng kế hoạch không chi tiết, không cụ thể, không căn cứ nguồn nhân lực của công ty, không có quá trình tích lũy vốn, quá trình xây dựng thương hiệu… không có tư vấn phản biện, xây dựng chiến lược kế hoạch kinh doanh một chiều theo cảm tính.
Đơn vị địa bàn hoạt động tại một thành phố, hoạt động thời gian ngắn (1 - 2 năm) đã phát triển địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Vinashin là một điển hình, khi chỉ trong hơn 2 năm đã phát triển gần 200 công ty trên địa bàn cả nước và kết quả thất bại đã được báo trước.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn “ngay lập tức” phát triển thành tập đoàn khổng lồ, trong khi tại các nước phát triển, quá trình xây dựng một tập đoàn phải mất 50 năm, kể cả trăm năm xây dựng và hình thành.
Thứ tư, doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng lợi thế cạnh tranh cho đơn vị. Trong thời gian xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh cần thiết phải xây dựng cho được lợi thế cạnh tranh cho đơn vị mình. Tạo nét khác biệt để có thể thắng đối thủ cạnh tranh.
“Chúng ta không thể chối bỏ rằng, thị trường năng động hiện nay khiến các doanh nghiệp khó nắm bắt và duy trì lợi thế cạnh tranh. Nhưng lịch sử cho thấy, một doanh nghiệp mà không có lợi thế cạnh tranh, thì hầu như không thể cạnh tranh được. Lợi thế cạnh tranh vẫn là một tài sản có giá trị to lớn, cần phải được đầu tư xây dựng và bảo vệ bằng mọi giá”, hãng tư vấn chiến lược danh tiếng của Mỹ (The Boston Consulting Group) phân tích.
Thứ năm, rất nhiều doanh nghiệp thời gian qua không có kế hoạch sử dụng vốn cụ thể, chi tiết. Đa phần sử dụng vốn vay ngân hàng vượt quá sức.
Từ việc xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh không tốt, đã dẫn đến bị động trong kế hoạch sử dụng vốn. Doanh nghiệp chỉ tập trung làm sao vay được vốn từ ngân hàng, không có kế hoạch chi tiết sẽ trả ra sao, hoàn vốn bằng cách nào, thời gian bao lâu… Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã gặp khó khăn trong trường hợp này.
Phát triển một dự án bất động sản tại Việt Nam thông thường kéo dài 3 - 5 năm (trường hợp phải tổ chức đền bù đất, kéo dài 7 - 10 năm). Trong khi đó, vốn vay ngân hàng chỉ 6 tháng; tối đa 1 năm. Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn, cứ phải lo “đáo nợ” liên tục, mất nhiều thời gian, trong khi đó chi phí bị đội lên rất nhiều.
Thứ sáu, sử dụng vốn vượt quá sức. Nếu vốn tự có là 1 đồng, thì chỉ nên vay ngân hàng tối đa thêm 2 đồng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng vượt hàng chục lần vốn tự có và dẫn đến gặp khó khăn triền miên.
Trong khi đó, có rất nhiều nguồn vốn khác doanh nghiệp có thể chủ động lên kế hoạch, như phát hành cổ phần trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vốn hợp tác đầu tư…
Thứ bảy, không quan tâm tới dòng tiền mặt, không có nguồn tiền dự phòng. Tất cả dồn vào đầu tư, nhiều trường hợp xảy ra bất trắc kéo dài không có nguồn tiền dự phòng, đơn vị quá khó khăn, nhiều trường hợp không thể vượt qua được. Có trường hợp tất cả tài sản đã đưa vào thế chấp vay sử dụng cho đầu tư, khi cần thiết không còn tài sản thế chấp để vay nữa.
Tóm lại, cần thay đổi tư duy nhà lãnh đạo doanh nghiệp với thói quen vay vốn đầu tư. Nếu trước đây “kinh doanh mà không biết vay ngân hàng là không biết kinh doanh”, thì nay, phải xem nguồn vốn ngân hàng chỉ là phụ. Để vượt qua khó khăn hiện tại, doanh nghiêp cần có kế hoạch, chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp.
Xuất phát từ kế hoạch tái cấu trúc, kế hoạch nhân sự, kế hoạch sử dụng vốn… sẽ thay đổi quyết liệt. Vì vậy, phải phân tích rõ khó khăn hiện tại của đơn vị để thay đổi, tái cấu trúc.
Trên thực tế, nhiều đơn vị đưa ra kế hoạch chi tiết, bài bản, chỉ gói gọn trong một vài cán bộ chủ chốt của lãnh đạo doanh nghiệp và không có sự quyết tâm của toàn đơn vị, vì vậy, hiệu quả không đạt được.