Bia lại bị làm giá?
Chưa vào cao điểm mua sắm đồ uống, thực phẩm trữ tết nhưng giá bia đã tăng 10.000-20.000 đồng/thùng, đẩy giá bia ngoài thị trường hiện nay lên mức khá cao so với cách đây một tháng.
Nhiều đại lý cho biết hiện giá bia vẫn âm ỉ tăng từng ngày.
Tăng giá đón đầu!
Anh Quang Hưng, một đại lý bia lớn trên đường Nguyễn Văn Nghi (Q.Gò Vấp), cho biết thời điểm hiện tại giá bia các hãng như Heineken, Tiger, Saigon Special đều tăng mạnh so với cách đây một tháng. “Trước đây, một thùng Ken bán ra có giá khoảng 370.000 đồng thì hôm nay đã ở mức 385.000 đồng/thùng. Bia Tiger giờ giá cũng xấp xỉ 290.000 đồng/thùng”. Theo anh Hưng, một số hãng bia thực hiện tăng giá kể từ đầu tháng 12, với mức tăng 10.000-20.000 đồng/thùng.
Trong khi đó, ghi nhận tại nhiều điểm bán lẻ cho thấy giá bia lại chênh lệch nhau khá nhiều. Cụ thể tại cửa hàng Thu Nga (đường song hành quốc lộ 22, huyện Hóc Môn), bia Heineken đã ở mức 390.000-395.000 đồng/thùng, Saigon Special xấp xỉ 300.000 đồng/thùng. Bia Tiger thấp hơn ở mức 283.000 đồng/thùng, bình quân giá bia đã tăng khoảng 13.000 đồng so với cách đây một tháng.
Anh Mai Văn Thuận, đại lý bia đường Lê Văn Khương (Q.12), nói sở dĩ có sự chênh lệch giá giữa các đại lý, cửa hàng là do thu gom, dự trữ trước đó. “Thường các đại lý có vốn lớn, tiềm lực mạnh sẽ trữ số lượng lớn bia và bán ra nhiều hay ít tùy thời điểm. Với hình thức này, đại lý sẽ chủ động được giá cả, thậm chí còn rẻ hơn thị trường vào lúc cao điểm khi giá bia tăng lên” - anh Thuận nói. Cũng theo anh Thuận, hiện giá bia các loại vẫn âm ỉ tăng, cứ vài ngày lại tăng thêm 2.000-3.000 đồng/thùng.
Ai hưởng lợi?
Theo một đầu mối “ôm bia” thuộc loại lớn hiện nay, thị trường bia “nhảy chồm” mấy ngày gần đây bắt nguồn từ việc giá tất cả sản phẩm bia chủ lực của Công ty TNHH Nhà máy bia VN (VBL) - doanh nghiệp đang sở hữu các thương hiệu bia như Heineken, Tiger - vừa tăng giá khoảng 7% so với giá bán trước đó, nhưng chủ yếu chỉ làm giá với bia Heineken vốn được ưa dùng làm quà biếu tết.
Với giá xuất xưởng 352.000 đồng/thùng Heineken, chỉ cần đại lý cấp 1 nhận hàng xong và giao cho đại lý nhỏ hơn ở mức giá 370.000 đồng/thùng, đại lý cấp 1 đã bỏ túi ít nhất 18.000-20.000 đồng/thùng. Thế nên khi đến tay người tiêu dùng, Heineken lại nhảy vọt lên mức 390.000-395.000 đồng/thùng (tùy nơi) là điều không khó hiểu.
“Xảy ra tình trạng này là do cách bán hàng của VBL chuyển sang hình thức cấp hạn mức cho từng tổng đại lý, chứ không theo nhu cầu đăng ký của mỗi tổng đại lý như trước. Tình trạng “nhỏ giọt” bia Heineken xảy ra từ đầu nguồn nên giá tăng là phải” - vị đầu mối này cho hay. Cũng theo ông này, với phương thức trên của VBL, người được hưởng lợi lớn nhất chính là các tổng đại lý. Đây cũng là lý do các tổng đại lý cố gắng “ôm” bia Heineken, sau đó bán nhỏ giọt lại cho các đại lý cấp nhỏ hơn vì càng “găm” Heineken thì càng có lời, khiến giá loại bia này liên tục leo thang, nhất là vào dịp tết.
Đủ cung ứng cho thị trường
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đăng Tuất, chủ tịch HĐQT Công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho biết đến thời điểm hiện tại, hai sản phẩm bia chủ lực của Sabeco là “333” và “Sài Gòn đỏ” hoàn toàn không có sự điều chỉnh giá bán nào. “Hai loại bia nói trên hiện chiếm đến 80% sản lượng bia sản xuất của Sabeco và chắc chắn không có việc tăng giá trong dịp tết này” - ông Tuất khẳng định.
Theo ông Tuất, kể từ tháng 9-2013, Sabeco chỉ điều chỉnh giá bán nhãn bia “Saigon Special” (SP) của loại chai và lon, trong đó giá xuất xưởng của SP loại lon điều chỉnh từ 206.000 đồng/thùng lên 226.000 đồng/thùng, loại SP chai từ 138.150 đồng/két lên 147.820 đồng/két. “Chúng tôi chỉ tăng giá hai loại trên với mức tăng khoảng 7% so với giá trước đó do cải tiến chất lượng và mẫu mã hòng cạnh tranh với các loại bia cao cấp khác. Và sản lượng của hai loại đã tăng giá chỉ chiếm khoảng 7% trong tổng sản lượng bia sản xuất hiện nay của chúng tôi nên không thể ảnh hưởng đến giá bia trên thị trường” - ông Tuất nói.
Ông Tuất cũng cho biết với lượng sản xuất đang có xu hướng tăng dần kể từ tháng 11-2013 trở đi, công suất sản xuất hiện nay của Sabeco đang giữ mức trung bình 140 triệu lít/tháng, tăng đến 40% so với các tháng trước đó nên “Sabeco khẳng định không có tình trạng khan bia, thiếu hàng như thị trường đang đồn thổi”. Chỉ tính riêng “333”, sản lượng sản xuất dành cho loại bia này lên đến 500 triệu lít và “Sài Gòn đỏ” là 450 triệu lít trên tổng sản lượng dự kiến đạt được 1,32 tỉ lít bia trong năm 2013 này.
Khả năng tăng thêm sản lượng từ 20-30 triệu lít/tháng cũng sẽ được Sabeco đáp ứng nếu tình trạng hút hàng diễn ra, nhưng theo tính toán của ông Tuất, “mức dự trữ tăng thêm hơn 100 triệu lít cho tháng cao điểm trước tết e là quá dư cho thị trường, trong bối cảnh có quá nhiều thương hiệu bia cạnh tranh hiện nay nên các đại lý, nhà phân phối không cần phải găm hàng, giữ giá làm gì”.
* Siêu thị trữ hàng sớm
Đại diện siêu thị Co.op Mart, giám đốc marketing hệ thống Võ Hoàng Anh cho biết hiện nguồn cung bia tại siêu thị khá ổn định, không có biến động gì lớn. Về giá cả, do siêu thị ký kết hợp đồng cung ứng với các hãng từ sớm nên giá cả vẫn được kiểm soát và không tăng giá vào thời điểm này và cận tết.
Theo ông Anh, vào thời điểm các hãng bia tăng giá, nhiều đại lý, đầu nậu vào siêu thị gom hàng với số lượng lớn nhằm hưởng chênh lệch, để tránh thiệt hại cũng như cân đối thị trường siêu thị đã chủ trương hạn chế số lượng bán ra đối với đối tượng này. “Chắc chắn trong thời gian tới nếu có hiện tượng thu gom, siêu thị sẽ tiếp tục áp dụng hình thức hạn chế số lượng mua hàng với đối tượng khách hàng lẻ” - ông Anh khẳng định.