Cuộc chiến căng thẳng giành hãng sản xuất bia Tiger
Trong một động thái gây bất ngờ, ngày 7/8, một công ty Thái Lan có liên hệ với
nhà tài phiệt ngành giải khát Charoen Sirivadhanabhakd đã đề nghị mua lại 7,3%
APB, hãng sản xuất Tiger Beer, với giá 55 đôla Singapore (SGD),
tương đương 44,34 USD, một cổ phần.
Mức giá này cao hơn giá 50 USD một cổ phần mà Heineken đề nghị trước đó. Hãng
bia Hà Lan đã sở hữu 42% APB và đề xuất mức giá trên cho 40% cổ phần hiện do đối
tác lâu năm của APB, Fraser & Neave (F&N) nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp.
“Đề nghị mới của Thái Lan với số cổ phần của F&N mua lại APB cho thấy khuynh
hướng lớn mạnh của các công ty đa quốc gia châu Á,” Rajiv Biswas, kinh tế gia
trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của cơ quan nghiên cứu IHS Global Insight,
bình luận. "Trong ngành công nghiệp giải khát toàn cầu, các công ty từ Nhật Bản,
Trung Quốc, Thái Lan và Philippines đang xây dựng các thương hiệu toàn cầu và
cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ Bắc Mỹ và châu Âu.”
Heineken khẳng định đề nghị trị giá tổng cộng 5,1 tỷ SGD của họ vẫn ưu thế hơn,
nhưng các nhà phân tích nói hãng bia Hà Lan này vẫn đứng trước áp lực phải tăng
giá mua trước cuộc đại hội cổ đông bất thường của F&N sắp tới.
Hãng Thai Beverage của ông Charoen hiện đang sở hữu khoảng 24% F&N và đề nghị
mua lại một phần APB trị giá 1,03 tỷ USD là từ Kindest Place, công ty thuộc sở
hữu con rể nhà tài phiệt, hiện đang nắm giữ 8,6% APB.
Heineken hy vọng việc thâu tóm thành công APB sẽ giúp họ mở ra những cơ hội mới
ở thị trường ASEAN 600 triệu dân.
Ngoài Tiger, thương hiệu có tiếng của ông Charoen là Chang Beer, thương hiệu San
Miguel ở Philippines và Bintang ở Indonesia, cũng thuộc sở hữu APB, đang cạnh
tranh với Heineken và thương hiệu Carlsberg của Đan Mạch rất quyết liệt ở các
thị trường mới.
APB báo cáo doanh số 774,42 triệu SGD trong quý kết thúc ngày 31/3, tăng 15% so
với một năm trước, hầu hết doanh số bán ra là ở Đông Nam Á.
“Với việc GDP của ASEAN sẽ tăng lên 2.300 tỷ USD vào năm 2012 và 10.000 tỷ USD
vào năm 2030, đó sẽ là một trong những thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng
nhanh nhất thế giới, trở thành chiến trường chính cho sự cạnh tranh giữa các
công ty bia châu Á và các đối thủ phương Tây,” ông Biswas nhận định.
Các nhà phân tích nói đề nghị cao hơn từ công ty Thái Lan có thể nhằm
thuyết phục F&N xem xét lại việc bán hãng APB cho Heineken.
“Chúng tôi cho rằng động thái này sẽ khiến Heineken đưa ra đề nghị cao hơn và
cuộc chiến thâu tóm đã bắt đầu. Kết quả cuối cùng rất khó dự đoán nhưng chúng tôi cho
rằng Heineken sẽ ra một đề nghị cao hơn,” ngân hàng Malaysia CIMB cho biết trong một báo cáo
phân tích thị trường.
Xavier Jean, giám đốc khu vực Singapore trong lĩnh vực doanh nghiệp của Standard
& Poor’s, nói nhờ vào quy mô, Heineken có lợi thế hơn trong việc thâu tóm toàn
bộ APB. Nhưng ông cũng lưu ý rằng Kindest Place và Thai Beverage có thể đi vay
tiền để theo đuổi cuộc đấu giá.
“Họ có thể vẫn tìm được đủ nguồn lực, vấn đề chỉ là rủi ro là bao nhiêu và họ
muốn gánh bao nhiêu nợ. Heineken là một công ty lớn hơn hẳn, nên sẽ dễ hơn cho
họ để chi tiền cho một vụ thâu tóm lớn như vậy,”, Xavier Jean nói.